Đau tim là tình trạng bệnh nhân bị đau đột ngột ở ngực trái do lưu lượng máu đến tim bị gián đoạn. Người bệnh thường có các biểu hiện như tức ngực, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi, đau ở một hoặc hai cánh tay, lưng, cổ, hàm, dạ dày.
Những triệu chứng của cơn đau tim diễn biến nhanh nên hầu hết bệnh nhân không kịp phản ứng, phải được cấp cứu y tế kịp thời. Theo thống kê, khoảng 40 giây có một người Mỹ lên cơn đau tim. Tăng huyết áp, chỉ số cholesterol cao, mắc bệnh tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá, gia đình có người mắc bệnh tim, lười vận động... là những yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân lên cơn đau tim.
Đặc biệt, những người có thói quen sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) có thể mắc bệnh cơ tim, gây tổn thương cấu trúc, chức năng tim trước khi những triệu chứng điển hình của cơn đau tim xuất hiện.
Các chuyên gia của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) nhận định, uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng chất béo trung bình trong máu, kết hợp với cholesterol xấu (LDL) gây tích tụ chất béo trong thành động mạch, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh có thể mắc bệnh cơ tim (tim biến dạng, yếu cơ tim), rối loạn nhịp tim (tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều), xuất huyết tiêu hóa. Các bộ phận khác gồm gan, thận, tuyến tụy có thể bị tổn thương nghiêm trọng.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến tim mạch, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), uống rượu, bia quá mức gia tăng nguy cơ bị chấn thương, mắc các bệnh lý khác gây hại cho sức khỏe.
Cụ thể, người nghiện rượu dễ bị thương tích như tai nạn xe, chết đuối, ngã, bị bỏng... xuất hiện nhiều hành vi bạo lực hoặc ngộ độc rượu do nồng độ cồn trong máu vượt quá ngưỡng cho phép. Với phụ nữ mang thai, rượu là nguyên nhân gây sảy thai, thai chết lưu hoặc rối loạn phổ rượu thai nhi (FASDs).
Về lâu dài, người sử dụng rượu liên tục có thể đối mặt với nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh gan, gặp vấn đề về đường tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch, mắc ung thư ở vú, miệng, họng, thực quản, gan, ruột kết, trực tràng. Cùng với đó, đối tượng tiếp xúc với rượu sớm dễ bị mất trí nhớ, không thể tập trung khi học tập, gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần (trầm cảm, lo lắng...).
Với bệnh nhân lên cơn đau tim do tiêu thụ nhiều rượu, chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần thực hiện các biện pháp như: Thay đổi lối sống, bổ sung đầy đủ thực phẩm, các loại rau, củ, quả; bỏ hút thuốc lá, rượu, bia; tăng cường hoạt động thể chất (đi bộ, chạy...); quản lý căng thẳng; duy trì cân nặng hợp lý; tham gia chương trình phục hồi chức năng tim để học cách sống lành mạnh, cải thiện sức khỏe tinh thần.
Đa số bệnh nhân đều phải dùng thuốc sau khi lên cơn đau tim. Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc theo thể trạng từng bệnh nhân dựa trên kết quả đo huyết áp. Tuy nhiên, với một số trường hợp nghiện rượu nặng, việc uống thuốc không có tác dụng. Người bệnh có thể phải dùng máy tạo nhịp tim hoặc phẫu thuật. Do đó, biện pháp ưu tiên hàng đầu bệnh nhân cần thực hiện là kiêng uống rượu để điều trị hiệu quả.
Minh Thúy (Theo Medical News Today, CDC)