Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống quá nhiều caffein, bao gồm các loại đồ uống: cà phê, trà, soda... ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai ở nữ do tác động đến quá trình rụng trứng, hormone và ống dẫn trứng.
Các ống dẫn trứng giúp đưa trứng từ buồng trứng đến tử cung bằng các chuyển động nhịp nhàng và quá nhiều caffeine có thể ảnh hưởng đến chuyển động này, gây ra sự gián đoạn trong hành trình thụ tinh. Hơn nữa, việc dung nạp quá nhiều caffeine cũng có liên quan đến việc sảy thai, hạn chế tăng trưởng và các vấn đề về cân nặng của em bé.
Một trong những nghiên cứu lớn nhất về caffeine với tỷ lệ thụ thai được thực hiện trên 3.000 phụ nữ Đan Mạch. Các nhà nghiên cứu đã xem xét tỷ lệ sinh liên quan đến lượng cà phê, trà và soda, kết quả cho thấy:
Những phụ nữ tiêu thụ hơn 300 mg caffein mỗi ngày (hơn 1 tách cà phê) có tỷ lệ mang thai tương đương với những người uống ít hơn 100 mg hoặc không uống.
Những phụ nữ uống hai tách trà trở lên mỗi ngày có khả năng thụ thai cao hơn một chút so với những người không uống.
Những người uống soda có khả năng thụ thai thấp hơn những phụ nữ không uống.
Các nhà nghiên cứu không tìm ra nguyên nhân tại sao những người uống trà lại tăng cơ hội thụ thai và những người uống soda lại giảm đi, và điều này cũng không đồng nghĩa bạn nên uống nhiều trà để tăng khả năng mang thai.
Một đánh giá năm 2017 thu thập dữ liệu từ các tài liệu nghiên cứu đã công bố để xem xét tác động tiềm ẩn của việc dung nạp liều lượng caffeine đối với việc mang thai ở các cặp vợ chồng đang cố gắng thụ thai tự nhiên và đang điều trị vô sinh. Họ cũng xem xét nguy cơ sảy thai dựa trên lượng caffein được tiêu thụ. Kết quả cho thấy:
Uống 300 mg caffein làm tăng nguy cơ sảy thai sớm hoặc sảy thai tự nhiên (SAB).
Uống 600 mg caffein làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ sảy thai.
Có cần bỏ caffeine nếu đang muốn có con?
Việc nghiên cứu về caffein tác động đến khả năng sinh sản rất phức tạp, kết quả cũng mang tính tương đối. Các nghiên cứu dựa trên báo cáo và thu hồi thường chỉ thống kê những phụ nữ tham gia đã uống bao nhiêu cà phê trước khi thụ thai, có thể tồn tại một số vấn đề tiềm ẩn. Ví dụ, liều lượng caffein mà họ tiêu thụ không phải lúc nào cũng nhất quán. Một tách cà phê tự pha có thể chứa hàm lượng caffein hoàn toàn khác so với ở quán. Thậm chí, cùng một loại đồ uống tại các cửa hàng cà phê khác nhau cũng có thể có lượng caffein khác nhau.
Bên cạnh đó, những người tham gia nghiên cứu ngoài việc uống cà phê/ trà/ soda, yếu tố tác động đến vấn đề sinh sản có thể do các thói quen lối sống liên quan khác. Chẳng hạn những người uống quá nhiều caffein có nguy cơ cao bị mệt mỏi. Mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn gây hại cho khả năng sinh sản như lạc nội mạc tử cung hoặc trầm cảm.
Tuy vậy, các chuyên gia khuyên nếu đang có kế hoạch sinh con, bạn không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn caffein khỏi chế độ ăn uống mà hãy cắt giảm liều lượng hoặc cũng có thể thay thế bằng sữa và các loại xi-rô tốt cho sức khỏe nếu bạn thấy lo ngại.
Liều lượng khuyến cáo là không quá 200 đến 300 mg caffein (tương đương một tách cà phê) mỗi ngày (lý tưởng là 100 mg hoặc ít hơn). Đây cũng là liều lượng mà các nhà nội tiết sinh sản hiện đang khuyến nghị cho các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn trong việc thụ thai hay điều trị vô sinh.
Những thực phẩm và đồ uống cần tránh
Có rất nhiều thực phẩm và đồ uống chứa caffein, hầu như không thể tránh được chúng. Nhưng tốt hơn hết bạn nên xem trên nhãn, bao bì và ghi chú lại để có thể điều chỉnh lượng caffein nạp vào cơ thể.
Cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực là những nguồn cung cấp caffeine cao, trong khi một số loại trà thảo dược cũng chứa caffein. Sô cô la, kem và kẹo có hương vị cà phê, thuốc không kê đơn trị trị dị ứng, cảm lạnh và đau đầu cũng chứa caffein, vì vậy bạn nên tham khảo kỹ bảng thành phần trước khi sử dụng bất kỳ loại nào.
Bảo Bảo (Theo Very Well family, Lybrate)