Trả lời
Uống một cốc cà phê mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh gan mạn tính. Nguy cơ giảm nhiều hơn khi lượng uống tăng, đạt đỉnh khi uống tối đa 3-4 cốc mỗi ngày. Bởi cà phê chứa chất chống oxy hóa polyphenol, caffeine góp phần tạo nên hương vị đặc trưng và ngăn chặn các tế bào trong cơ thể khỏi sự phá hủy của các gốc tự do có hại, giảm nguy cơ ung thư.
Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR) thực hiện nghiên cứu quy mô lớn trên gần 500.000 người tại Anh, theo dõi khoảng 10 năm. Trong đó, 78% người thường xuyên uống cà phê xay hoặc cà phê hòa tan, 22% người không uống cà phê. Kết quả cho thấy người uống các loại cà phê này đều giảm 21% nguy cơ mắc bệnh gan mạn tính, giảm 20% nguy cơ gan nhiễm mỡ và 49% nguy cơ tử vong do bệnh gan mạn tính, so với người không uống cà phê.
Thói quen uống cà phê có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên nên uống loại nguyên chất, không pha thêm chất tạo ngọt hay đường bổ sung, hương vị. Song một số người nên hạn chế sử dụng cà phê gồm mắc bệnh suy thận, đường trong máu cao, mỡ máu và huyết áp cao. Người trong độ tuổi trung niên và cao tuổi, có bệnh về tâm lý, tâm thần, bệnh tim mạch, trào ngược dạ dày cũng cần hạn chế cà phê.
Trà hay cà phê chỉ là những đồ uống mang tính chất hỗ trợ cho sức khỏe. Về cơ bản, phòng ngừa ung thư cần kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giảm căng thẳng, nghỉ ngơi điều độ, khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát các bệnh lý như viêm gan B, C...
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư phổ biến như ung thư gan, đại tràng, nội mạc tử cung và vú. Tập thể dục thể thao, duy trì cân nặng hợp lý cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, từ đó hạn chế khả năng phát triển ung thư gan. Nam và nữ giới trưởng thành cần hạn chế tối đa hoặc tốt nhất là không sử dụng rượu, bởi đây là nguyên nhân gây tổn thương gan, xơ gan, tăng nguy cơ ung thư gan.
Ung thư gan giai đoạn đầu đa phần không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi kéo dài, chán ăn, sút cân không rõ nguyên nhân hoặc đau âm ỉ vùng hạ sườn phải. Một số trường hợp xuất hiện vàng da, vàng mắt hoặc sốt nhẹ không rõ nguyên nhân. Các triệu chứng này không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với bệnh lý gan khác như viêm gan hoặc xơ gan, dẫn đến phát hiện ung thư giai đoạn tiến triển, khó điều trị khỏi.
Mọi người nên tầm soát ung thư gan định kỳ, nhất là người có các yếu tố nguy cơ cao như bị viêm gan virus B hoặc C, uống rượu thường xuyên, gia đình có người ung thư gan hoặc xơ gan, gan nhiễm mỡ, thừa cân béo phì, thường xuyên hút thuốc lá... Bác sĩ có thể chỉ định tầm soát bằng cách siêu âm gan, xét nghiệm AFP (xét nghiệm máu nhằm định lượng nồng độ AFP chẩn đoán ung thư gan) và các xét nghiệm cần thiết khác.
BS.CKII Nguyễn Đức Luân
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |