Trả lời:
Ung thư vú khi mang thai là ung thư vú được phát hiện trong giai đoạn thai kỳ hoặc trong thời gian cho con bú. Tình trạng này thường không phổ biến, khó phát hiện dẫn đến chẩn đoán ở giai đoạn trễ, điều trị khó khăn.
Trong giai đoạn thai kỳ và cho con bú, nồng độ hormone của phụ nữ thay đổi làm vòng một biến đổi. Ngực có thể to, sần sùi hoặc mềm hơn nên người bệnh và bác sĩ khó phát hiện khối u do ung thư gây ra, cho đến khi kích thước u khá lớn.
Nhiều thai phụ thường trì hoãn chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú do sợ ảnh hưởng thai nhi, khiến phát hiện trễ ung thư vú thai kỳ. Thực tế, chụp nhũ ảnh an toàn bởi lượng bức xạ cần thiết cho chụp X-quang tuyến vú thấp. Đồng thời, bức xạ tập trung vào ngực nên phần lớn không đến được các bộ phận khác của cơ thể. Để bảo vệ thai nhi, bác sĩ đặt tấm chắn chì ở phần dưới bụng giúp ngăn bức xạ đến tử cung.
Khi có bất thường ở ngực, người bệnh nên đến chuyên khoa Ngoại Vú để được kiểm tra. Sau khi khám, nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ chỉ định chụp nhũ ảnh, siêu âm và sinh thiết tổn thương (u, vi vôi hóa...). Trong giai đoạn mang thai, tầm soát bằng siêu âm thường được chỉ định đầu tiên để kiểm tra bất thường ở ngực.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) không sử dụng bức xạ. Tuy nhiên, chụp MRI vú thường cần tiêm chất tương phản gọi là gadolinium vào máu để có được hình ảnh hữu ích. Chất tương phản này có thể đi qua nhau thai (kết nối thai phụ với thai nhi) và liên quan đến những bất thường của thai nhi ở động vật thí nghiệm. Do đó, bác sĩ thường khuyên không dùng MRI vú khi mang thai, nhưng được thực hiện trong giai đoạn cho con bú.
Các xét nghiệm khác như quét PET, CT, quét xạ hình xương và chụp cắt lớp vi tính (CT) có nhiều khả năng khiến bào thai tiếp xúc với bức xạ hơn. Những xét nghiệm này thường không cần thiết để xác định giai đoạn ung thư vú, đặc biệt ung thư giai đoạn sớm chỉ ở trong tuyến vú. Nếu cần thực hiện một trong những xét nghiệm này, bác sĩ có thể điều chỉnh để hạn chế lượng phóng xạ tiếp xúc với thai nhi, giải thích kỹ lợi ích và nguy cơ của xét nghiệm cho người bệnh.
Nếu thai phụ mắc bệnh ung thư vú, các lựa chọn điều trị thường phức tạp hơn. Phương pháp điều trị ung thư vừa cần đảm bảo hiệu quả nhất vừa bảo vệ em bé. Phương pháp và thời gian điều trị phải được lên kế hoạch cẩn thận, có sự phối hợp giữa các bác sĩ ung thư và sản khoa.
Bạn mang thai 20 tuần, có u bất thường ở ngực, nên đến bác sĩ khám, tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và theo dõi suốt thai kỳ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang
Trưởng khoa Ngoại Vú
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |