Ung thư vòm họng gồm ung thư mũi hầu (phần trên của họng, ngay sau mũi), ung thư hầu họng (phần giữa của họng) và ung thư hạ hầu hay còn gọi là ung thư hạ họng (phần dưới cùng của họng). Đây là căn bệnh thường gặp trong nhóm ung thư đầu và cổ.
Ung thư vòm họng có nguyên nhân, triệu chứng và tiên lượng khác nhau tùy thuộc vào vị trí và giai đoạn của khối u ác tính. Tuy nhiên, một điểm chung của các bệnh ung thư vòm họng là hầu hết đều có nguồn gốc từ biểu mô tế bào vảy (là các tế bào mỏng, phẳng, trông giống vảy cá).
Phân loại ung thư vòm họng
Có 3 loại ung thư ở vùng vòm họng, bao gồm:
Ung thư mũi hầu (nasopharyngeal cancer - NPC): Mũi hầu là phần trên của họng và phía sau mũi. Ung thư mũi hầu là loại ung thư đứng đầu trong các loại ung thư vùng đầu cổ. Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tỷ lệ mắc bệnh cao ở một số chủng tộc, nhất là châu Á. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 2-3 lần so với nữ giới. Ung thư mũi hầu có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.
Ung thư hầu họng (oropharyngeal cancer): Hầu họng là phần giữa của họng và phía sau mũi. Ung thư hầu họng gồm đáy lưỡi, amidan, khẩu cái mềm và thành sau họng. Bác sĩ Thảo Nghi chia sẻ thêm, loại ung thư này đang có xu hướng gia tăng và khoảng 70% trường hợp là do virus u nhú ở người (ví dụ như HPV type 16) lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ tình dục bằng miệng gây ra. Ung thư họng hầu HPV (+) có tiên lượng tốt hơn và có hướng điều trị khác so với ung thư họng hầu HPV (-). Nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư hầu họng cao gấp 2 lần phụ nữ.
Ung thư hạ hầu hay còn gọi là ung thư hạ họng (hypopharyngeal cancer): Hạ hầu (hạ họng) là phần dưới cùng của họng. Ung thư hạ họng hiếm gặp. Số lượng ca mắc mới đang có xu hướng giảm do giảm hút thuốc lá.
Dấu hiệu ung thư vòm họng
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân ung thư vòm họng thường ít khi xuất hiện triệu chứng. Ở giai đoạn bệnh tiến triển tại chỗ hoặc giai đoạn muộn, người bệnh thường xuất hiện một hay một vài các triệu chứng sau: đau hoặc chảy máu miệng; đau họng; nuốt khó; khàn giọng; ho kéo dài hoặc ho ra máu; đau tai; giảm thích lực hoặc ù tai; nghẹt mũi, chảy máu mũi kéo dài; nhìn mờ, nhìn đôi hoặc lé; có khối bướu/hạch ở cổ; nổi u/hạch ở cổ là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư vòm họng.
Tuy nhiên, những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của các bệnh lý vùng đầu cổ khác, ít nghiêm trọng hơn so với ung thư vòm họng. Do đó, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán.
Nguyên nhân gây ung thư vòm họng
Theo bác sĩ Thảo Nghi, phần lớn các trường hợp ung thư vòm họng đều bắt nguồn từ một trong ba nguyên nhân: hút thuốc lá, uống nhiều rượu và nhiễm virus HPV.
Thuốc lá
Khi hút thuốc lá (chủ động) hoặc hít phải khói thuốc (bị động), một lượng lớn hóa chất có nguy cơ gây ung thư tiếp xúc với các bộ phận của cơ thể, bao gồm vùng cổ họng. Thời gian tiếp xúc càng dài, tần suất tiếp xúc càng cao thì bề mặt của các bộ phận này càng dễ bị tổn thương. Các tổn thương niêm mạch này là mầm mống của bệnh ung thư.
Rượu
Nếu thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng thì rượu là tác nhân khiến cho bệnh nặng hơn. Vì rượu hoạt động như một chất kích thích trong miệng và cổ họng, đưa các hóa chất trong thuốc lá xâm nhập vào tế bào niêm mạc dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, rượu cũng làm chậm khả năng phân hủy và loại bỏ các hóa chất độc hại của cơ thể. Hai hiện tượng này tạo điều kiện cho tế bào ung thư hình thành và phát triển nhanh hơn.
Virus u nhú ở người - HPV
"Trước đây, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư vòm họng. Trong những năm gần đây, virus u nhú ở người (HPV) đã trở thành nguyên nhân phổ biến nhất của căn bệnh này. HPV là một nhóm gồm khoảng 100 loại virus lây lan qua quan hệ tình dục bằng đường sinh dục hậu môn và miệng; trong số đó có một số loại có khả năng gây ung thư. Các chuyên gia cho rằng, tình trạng quan hệ tình dục bằng miệng sẽ dẫn đến sự gia tăng ung thư vòm họng liên quan đến HPV", bác sĩ Thảo Nghi nói thêm.
Ung thư đầu cổ do HPV gây ra thường phát triển ở phần hầu họng, bao gồm amidan, đáy lưỡi, khẩu cái mềm và thành sau họng. Hiện nay, ung thư vòm họng là dạng ung thư phổ biến nhất của bệnh ung thư liên quan đến virus HPV.
Ngoài ba nguyên nhân chính còn một số yếu tố nguy cơ khác của ung thư vòm họng như sắc tộc (những người gốc Á), virus Epstein-Barr, dinh dưỡng, nhai trầu, hội chứng Plummer-Vinson, nghề nghiệp.
Chẩn đoán, điều trị ung thư vòm họng
Bác sĩ Thảo Nghi cho biết, để chẩn đoán ung thư vòm họng, khối u nguyên phát phải được khám, đánh giá kỹ kết hợp với nội soi. Hệ hạch lân cận cũng phải được khám tương tự. Khối u được phát hiện phải được xác định bằng kết quả mô học. Bất kỳ dữ liệu bệnh lý nào khác có được từ sinh thiết hay xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đều phải được xem xét kỹ để kết hợp đưa ra chẩn đoán giai đoạn.
Các phương pháp giúp chẩn đoán ung thư vòm họng như PET-CT, CT scan, MRI, nội soi, sinh thiết, xét nghiệm HPV-p16, xét nghiệm EBV-DNA. Các phương pháp điều trị ung thư vòm họng có thể được kết hợp giữa phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp trúng đích. Tùy thuộc vào vị trí bệnh, tình trạng bệnh và một số yếu tố khác, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị với phương pháp phù hợp.
Phòng ngừa ung thư là chìa khóa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Bất cứ điều gì làm tăng cơ hội phát triển bệnh ung thư được gọi là yếu tố nguy cơ; bất cứ điều gì làm giảm khả năng phát triển ung thư được gọi là yếu tố bảo vệ. Một số yếu tố nguy cơ có thể tránh được nhưng một số thì không. Ví dụ như hút thuốc lá và mang gen gây ung thư đều là yếu tố nguy cơ nhưng chỉ có thể tránh được hút thuốc.
Tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh có thể là yếu tố bảo vệ đối với một số loại ung thư. Tránh các yếu tố nguy cơ và tăng các yếu tố bảo vệ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh nhưng không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư.
Có nhiều cách khác nhau để ngăn ngừa ung thư: thay đổi lối sống hoặc thói quen ăn uống; tránh những yếu tố gây ung thư như: bỏ thuốc lá, giảm uống rượu, giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng cách quan hệ tình dục an toàn, tiêm vaccine. Điều trị tổn thương tiền ung thư (thường được phát hiện nhờ khám sàng lọc và khám sức khỏe định kỳ).
Thu Hà