Trả lời:
Ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào tuyến giáp phát triển bất thường, hình thành u, di căn hạch bạch huyết, phổi, xương, não... Bệnh phổ biến ở nữ hơn nam giới.
Ung thư tuyến giáp gồm ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp thể nang, ung thư tế bào Hurthle, ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy và ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hóa.
Tùy vào loại ung thư tuyến giáp, giai đoạn và thể trạng của mỗi người bệnh, bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính. Phẫu thuật mổ mở được ưu tiên, trong đó bác sĩ rạch da cổ, đi qua các mô, cơ, đến tuyến giáp, quan sát và đánh giá u trực diện để đưa ra quyết định cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, nạo vét hạch cổ.
Với người bệnh ở giai đoạn sớm, u dưới 1 cm, chưa xâm lấn vỏ bao tuyến giáp, chưa có dấu hiệu di căn hạch, bác sĩ có thể mổ nội soi qua đường miệng. Phương pháp này thẩm mỹ cao, thời gian phục hồi và mức độ tổn thương không quá khác biệt so với phẫu thuật truyền thống.
Sau phẫu thuật, nếu người bệnh bị cắt toàn bộ tuyến giáp, bác sĩ chỉ định dùng hormone giáp bổ sung. Phương pháp điều trị này thay thế các hormone tự nhiên, không có tác dụng phụ.
Trường hợp ung thư tuyến giáp có nguy cơ tái phát cao, di căn hạch, bác sĩ có thể kê thuốc iốt phóng xạ. Người bệnh ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể thường được chỉ định phương pháp điều trị theo từng loại tế bào ung thư như xạ trị hay hóa trị.
Bạn nên đi khám và sinh thiết để xem u ở cổ là lành hay ác tính. Nếu bạn mắc ung thư phải xác định giai đoạn, từ đó bác sĩ tư vấn phù hợp. Nếu kết quả sinh thiết và hình ảnh siêu âm, MRI đánh giá u có nguy cơ xâm lấn vỏ bao, di căn hạch cổ, bác sĩ chỉ định mổ mở. Hiện, phòng phẫu thuật hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm giúp phẫu thuật an toàn, biến chứng thấp.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông
Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |