Trả lời:
Theo số liệu của Globocan năm 2020, ung thư tụy là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 trong các loại ung thư, chiếm 4,7% trong tổng số ca tử vong. Tại Việt Nam, năm 2020 có hơn 1.100 người được chẩn đoán mắc mới và khoảng 1.000 người chết vì bệnh này.
Kết quả điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp điều trị, mức độ nghiêm trọng của bệnh, giai đoạn phát hiện, mức độ đáp ứng điều trị.
Các báo cáo nghiên cứu và thống kê về ung thư cho thấy ung thư tụy có thể chữa được nếu phát hiện và can thiệp ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, tụy là cơ quan có vị trí khó phát hiện khối u giai đoạn sớm do dễ nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hóa khác. Hầu hết trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến quá trình điều trị khó khăn.
Theo số liệu thống kê của SEER tại Mỹ giai đoạn 2013-2019, tỷ lệ sống còn 5 năm của ung thư tuyến tụy được chẩn đoán ở giai đoạn sớm đạt khoảng 12,9%.
Phương pháp điều trị ung thư tụy gồm phẫu thuật cắt khối tá tụy hay còn gọi là Whipple. Đây là phẫu thuật cắt bỏ đầu tụy chứa u, túi mật, tá tràng, một phần ống mật, hạch lân cận, một phần dạ dày và nạo hạch. Ngoài ra, phẫu thuật cắt đoạn tụy xa (cắt bỏ thân, đuôi tụy) và cắt bỏ toàn bộ tụy cũng được thực hiện tùy vào tình trạng bệnh nhân.
Hầu hết người bệnh ung thư tụy giai đoạn sớm được phẫu thuật. Tuy nhiên ngay cả khi đã tách bỏ khối u khỏi cơ thể, nguy cơ ung thư tuyến tụy tái phát vẫn rất cao.
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, bác sĩ chỉ định các biện pháp điều trị toàn thân hoặc chăm sóc giảm nhẹ nhằm giảm các triệu chứng, hỗ trợ cảm xúc, tinh thần, cải thiện cuộc sống của bệnh nhân và gia đình.
Ba bạn ung thư tuyến tụy giai đoạn 2A có thể được phẫu thuật loại bỏ khối u, điều trị toàn thân, hóa và xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích... Bạn và gia đình cần động viên, đồng hành cùng người bệnh tuân theo kế hoạch điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa để kiểm soát bệnh.
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thảo
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |