Trả lời:
Ung thư thực quản là một trong 10 loại ung thư phổ biến và gây tử vong nhiều trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, Việt Nam có hơn 3.200 ca mắc mới, hơn 3.000 trường hợp ung thư thực quản tử vong.
Thực quản là một phần của đường tiêu hóa, có cấu trúc hình ống, dài khoảng 25 cm, rộng khoảng 2,5 cm. Cơ quan này nằm phía sau khí quản (đường thở) và phía trước cột sống, được chia làm ba đoạn trên, giữa, dưới. Khi thức ăn vào từ miệng, ống tiêu hóa co bóp với tác động đồng thời của trọng lực, đưa thức ăn di chuyển qua thực quản đến dạ dày.
Ung thư thực quản xuất hiện khi các tế bào của thực quản phát triển bất thường không thể kiểm soát. Bệnh được chia làm hai dạng chính là ung thư biểu mô tế bào gai (còn gọi là tế bào vảy), phổ biến ở thực quản đoạn trên và giữa. Ung thư biểu mô tế bào tuyến thường gặp ở thực quản đoạn dưới, nhưng cũng có thể xảy ra ở đoạn giữa.
Triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn đầu không rõ ràng, thường phát hiện khi khối u đã lan rộng, tiên lượng thấp. Nếu phát hiện và điều trị sớm như trường hợp của anh, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể hơn 80%. Do đó, anh nên tuân thủ theo những phương pháp điều trị của bác sĩ.
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Với ung thư thực quản giai đoạn sớm, các liệu pháp điều trị có thể gồm phẫu thuật cắt thực quản, hóa xạ đồng thời (hóa trị kết hợp xạ trị).
Hiện, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng. Một số yếu tố làm tăng nguy như thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, Barrett thực quản, nhiễm virus u nhú gai ở người (HPV).
Người có thể trạng thừa cân, béo phì, cắt bỏ dạ dày, viêm teo dạ dày, tổn thương ống thực quản, tiền căn bệnh ung thư khác... dễ mắc ung thư thực quản hơn. Chế độ ăn thiếu lành mạnh như thực phẩm ít chất xơ, chứa nitrosamin có trong dưa chua, cá muối, đồ ăn đóng hộp; thói quen nhai trầu cau ở một số nước châu Á... cũng là yếu tố rủi ro.
Tỷ lệ ung thư thực quản ngày càng gia tăng và trẻ hóa, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Một số biện pháp hạn chế nguy cơ gồm tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng phù hợp; không hút thuốc lá; hạn chế rượu bia; ăn ít thức ăn lên men, chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp...
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tiêm vaccine phòng HPV có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư thực quản liên quan đến nhiễm virus này. Tuy nhiên, nhiễm HPV chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản. Vì vậy, tiêm phòng HPV không giảm nguy cơ ung thư thực quản do những nguyên nhân khác (bệnh Barrett thực quản, trào ngược dạ dày - thực quản...).
BS.CKI Vũ Trần Minh Nguyên
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp.