Ung thư sụn (chondrosarcoma) thường ảnh hưởng đến xương đùi, xương chậu, đầu gối, cột sống và xương cánh tay. Khoảng 20% các bệnh ung thư xương là chondrosarcoma. Ung thư sụn có thể gặp ở độ tuổi từ 30-70, một số trường hợp cực kỳ hiếm ở người dưới 21 tuổi.
Có 4 loại ung thư sụn chính:
Thông thường: Phổ biến nhất và chiếm khoảng 80% ung thư sụn, chủ yếu xuất hiện ở các chi dưới như xương đùi, xương chày và xương bàn chân. Triệu chứng thường đau và sưng ở vùng bị ảnh hưởng, gãy xương, đau đầu, chóng mặt hoặc suy nhược.
Tế bào trong suốt: Khối u hình thành ở phần cuối của xương. Tế bào ung thư lây lan chậm, nếu được phát hiện sớm, bệnh có khả năng điều trị cao bằng phẫu thuật. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở xương đùi, ngực, cột sống, đầu xương dài; gây đau và tăng gãy xương.
Thể biệt hóa: Một loại u ác tính bắt đầu ở dạng cấp thấp, sau đó các tế bào thay đổi theo thời gian. Khoảng 11% ung thư sụn là thể biệt hóa. Tế bào ung thư thường phát triển ở xương chậu, xương đùi, xương nối khuỷu tay và vai. Đau là triệu chứng phổ biến.
Trung mô: Loại này rất kỳ hiếm và chưa đến 1.000 trường hợp được ghi nhận nhưng lây lan rất nhanh và mạnh. Khối u chủ yếu nằm ở hàm, xương đùi, cột sống hoặc xương sườn, có thể xuất hiện ở mô mềm bên ngoài xương. Khối u gây sưng, đau và có thể chèn ép dây thần kinh ở vùng bị ảnh hưởng.
Ung thư sụn có các triệu chứng phổ biến với tất cả các loại như cảm giác áp lực khu vực khối u; cơn đau tăng dần và tồi tệ hơn vào ban đêm, yếu hoặc hạn chế khả năng vận động ở khớp, chi; cứng khớp. Các vấn đề về ruột và bàng quang có thể phát sinh nếu khối u nằm trong khung chậu.
Nguyên nhân
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp, một số đột biến gene nhất định như IDH1 và IDH2 có thể khiến một số người dễ bị ung thư sụn. Những gene này cung cấp các hướng dẫn cần thiết để cơ thể tạo ra các enzym isocitrate dehydrogenase. Enzym này tham gia vào các phản ứng oxy hóa tạo thành carbon dioxide trong cơ thể và kích thích sản xuất protein, giảm sự thất thoát protein trong cơ bắp.
Các đột biến trong gene COL2A1 và việc xóa gene CDKN2A trong DNA cũng đóng vai trò trong sự phát triển của ung thư sụn. COL1A1 cung cấp thông tin để tạo ra collagen được sử dụng để hình thành sụn. CDKN2A cung cấp các hướng dẫn cần thiết để tạo ra nhiều loại protein khác nhau. Gene microRNA và mRNA (RNA thông tin) cũng có liên quan đến sự phát triển của bệnh này, bởi hai gene này vô hiệu hóa các protein có nhiệm vụ ngăn chặn sự phát triển của khối u.
Ngoài yếu tố di truyền, một số bệnh có thể dẫn đến ung thư sụn:
U xương sụn: Dạng u xương lành tính, do sự phát triển quá mức của sụn, thường xảy ra ở phần cuối đĩa tăng trưởng của xương. Khoảng 1% u xương sụn có khả năng biến thành ung thư sụn.
U sụn: Khối u lành tính phát triển trong các phần rỗng của xương chứa tủy xương. U này rất giống với ung thư sụn về mặt biểu hiện và cũng tương quan với các đột biến gene IDH1 và IDH2.
Bệnh Ollier: Bệnh gồm một nhóm hoặc tập hợp các u sụn (đa u sụn), thường gây nhiều tổn thương tiêu xương ở bàn tay. Người mắc bệnh Ollier có nguy cơ mắc ung thư sụn cao hơn 40% người không mắc bệnh này.
Hội chứng Maffucci: Bệnh lý rối loạn hệ xương và da, đặc trưng bởi sự xuất hiện nhiều u sụn trong, u mạch máu lành tính. Người mắc hội chứng Maffucci có nguy cơ phát triển ung thư sụn cao hơn 53%.
Điều trị
Theo Đại học Y Chiết Giang (Trung Quốc), điều trị ung thư sụn thường khó khăn vì ung thư này không phản ứng với hóa xạ trị. Lựa chọn tốt nhất là cắt bỏ khối u, loại bỏ tất cả sụn hoặc mô có tế bào ung thư. Bệnh chỉ có thể sử dụng hóa xạ trị khi ung thư đã lan đến các bộ phận khác (các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác). Nhưng lúc này, ung thư đã là di căn, điều trị là cực kỳ khó.
Nghiên cứu của Bệnh viện Đại học LMU Munich (Đức) chỉ ra, nếu được phát hiện sớm và chưa di căn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư sụn các loại là 75,2%. Với loại thông thường, tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 90% do tế bào ung thư lây lan chậm. Chỉ có khoảng 1-6% ung thư sụn thông thường lan khắp cơ thể. Khi được phát hiện sớm, tỷ lệ sống sót của loại tế bào trong suốt sau 10 năm là khoảng 89%. Nhưng loại này rất dễ tái phát nên cũng khó điều trị dứt điểm.
Ung thư sụn dạng biệt hóa có khả năng lây lan nhanh chóng sang các vùng khác. Theo nghiên cứu của Đại học Loyola Chicago (Mỹ), tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư này là khoảng 18%, nếu phát hiện sớm. Người có khối u ở thành ngực có nhiều khả năng sống sót hơn người có khối u ở các vùng khác. Các khối u lớn hơn, trên 8 cm có tỷ lệ tử vong cao hơn. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm chung của ung thư sụn trung mô là khoảng 51% (khi phát hiện sớm). Người có khối u trong khung xương cổ, lưng và ngực có tỷ lệ sống sót thấp hơn, khoảng 37%.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)