Đầu tháng 9, ông Bình khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ tư vấn tầm soát ung thư phổi vì hút thuốc lá lâu năm. Kết quả phát hiện u kích thước 2x3 cm ở thùy trên phổi phải với đặc điểm điển hình, bờ tua gai. Ngày 4/10, BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh chưa có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, khối u nhỏ nhưng khả năng ác tính cao trên hình ảnh học.
Bác sĩ phẫu thuật nội soi với các đường mổ nhỏ để loại bỏ khối u. Bệnh nhân được phẫu thuật tiêu chuẩn trong ung thư phổi với cắt thùy trên phổi phải kèm vét hạch trung thất ở lồng ngực. Bác sĩ Ngoại lồng ngực áp dụng các kỹ thuật nội soi hiện đại trong điều trị bệnh lý u lồng ngực (u phổi và u trung thất, đặc biệt là ung thư phổi). Bác sĩ Gây mê đặt ống thở chọn lọc xẹp một bên phổi cho phẫu thuật, gây tê cơ dựng sống (ESP) giảm đau sau mổ hiệu quả, rút ngắn thời gian hồi phục.
Sau khi chuyển về khoa, ông Bình bắt đầu ăn uống, vận động mạnh dần, phối hợp tập vật lý trị liệu, xuất viện sau hai ngày. Kết quả giải phẫu bệnh xác định ung thư phổi không tế bào nhỏ, chưa di căn hạch trung thất.
"Người hút thuốc lá lâu năm có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn người không hút 15-30 lần", bác sĩ Hoài nói, thêm rằng khói thuốc lá có hàng nghìn loại hóa chất, trong đó hơn 70 hóa chất gây ung thư. Chúng có khả năng làm hỏng DNA trong tế bào phổi và các tế bào khác. Lúc này, cơ thể hoạt động nhiều để sửa chữa những tổn thương do các hóa chất này gây ra. Theo thời gian, cơ thể không thể tự chữa lành, dẫn đến hình thành tế bào ung thư.
Theo ThS.BS Phạm Ngọc Minh Thủy, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh nhân hồi phục nhanh nhờ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chưa biến chứng, lại được phẫu thuật triệt căn.
Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ ghi nhận u chỉ giới hạn trong thùy phổi, các diện cắt không có tế bào u, 11/11 hạch không có tế bào u di căn. Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ở giai đoạn này, người bệnh chưa cần xạ trị, hóa trị bổ trợ. Bác sĩ hướng dẫn người bệnh tập luyện phù hợp, bỏ thuốc lá và tái khám định kỳ.
Dấu hiệu ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi xuất hiện các triệu chứng khó thở dai dẳng, nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại, đau ngực... thì bệnh ở giai đoạn tiến triển, điều trị khó khăn. Do đó, tầm soát ung thư phổi, phát hiện sớm giúp tăng khả năng điều trị dứt điểm. Ở giai đoạn sớm của ung thư phổi, người bệnh có tiên lượng khỏi bệnh sau mổ cao.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (LDCT) là phương pháp tầm soát ung thư phổi ở bệnh nhân có nguy cơ cao. Bác sĩ Thủy cho biết LDCT có thể phát hiện bất thường nhỏ nhất ở phổi, sử dụng bức xạ ion hóa ít hơn tới 90% so với chụp CT ngực thông thường, chỉ tương đương với một phim X-quang ngực thẳng, giảm phơi nhiễm tia xạ cho người bệnh.
Phương pháp tầm soát này được khuyến nghị cho người lớn tuổi, đang hút thuốc lá, nam giới trên 55 tuổi, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi, người tiếp xúc với amiăng, cadimi, niken, crom, uranium, thạch tín... trong thời gian dài cũng nên tầm soát.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |