Trả lời
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2022, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai trong những loại ung thư thường gặp ở cả nam lẫn nữ.
Ung thư phổi được chia làm hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell lung cancer) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (non small cell lung cancer). Ung thư phổi không tế bào nhỏ phổ biến hơn, chiếm khoảng 80% các trường hợp ung thư phổi. Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn nhằm lấy hết khối u hoặc các cơ quan chứa u ra khỏi cơ thể. Phương pháp này thường được lựa chọn khi ung thư chưa di căn hạch hoặc chỉ di căn hạch trong phổi. Sau phẫu thuật, bác sĩ xem xét điều trị hỗ trợ bằng hóa trị, thuốc nhắm trúng đích, miễn dịch, tùy tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh.
Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao (tia xạ) để điều trị ung thư. Tia xạ làm tổn thương tế bào ung thư, khiến chúng ngừng sinh sản và chết đi. Xạ trị được sử dụng theo nhiều cách khau, có thể phối hợp với phẫu thuật và hóa trị. Trong một vài trường hợp, xạ trị có thể tiến hành sau phẫu thuật nhằm điều trị ung thư còn sót lại ở gần vị trí khối u. Xạ trị có thể kết hợp với hóa trị, còn gọi là hóa xạ đồng thời.
Hóa trị là phương thức điều trị ung thư bằng thuốc hóa chất, được tiến hành theo đợt. Giữa các đợt hóa trị, người bệnh sẽ được nghỉ một khoảng thời gian để cơ thể phục hồi, chuẩn bị cho lần hóa trị kế tiếp. Hóa trị có thể được chỉ định trước hoặc sau phẫu thuật, hoặc kết hợp hóa trị với xạ trị.
Liệu pháp thuốc nhắm trúng đích tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u. Phương pháp này còn tác động vào các thụ thể nằm trên màng tế bào hoặc trong tế bào. Các thuốc nhắm trúng đích nhắm vào một số đột biến gene nhất định của ung thư phổi, giúp làm chậm sự phát triển của khối u.
Liệu pháp miễn dịch là bước tiến mới trong điều trị ung thư phổi. Cơ chế chính của liệu pháp này là góp phần kích hoạt lại hệ thống miễn dịch nhằm gia tăng khả năng tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và tấn công các tế bào ung thư phổi.
Đối với ung thư phổi di căn xa, khối u đã lan rộng nên không thể loại bỏ hoàn toàn. Lúc này, các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch... chỉ nhằm mục tiêu kiểm soát khối u và giảm triệu chứng bệnh.
Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc hỗ trợ người bệnh giảm triệu chứng và tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị gây ra, bằng cách sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu. Chăm sóc giảm nhẹ còn giúp người bệnh khuây khỏa nỗi đau tinh thần, giảm căng thẳng và buồn phiền, giải tỏa những vấn đề về tâm lý, xã hội, hỗ trợ cho cả người chăm sóc cùng thân nhân người bệnh.
Bạn mắc ung thư phổi giai đoạn ba, ở giai đoạn này có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như phẫu thuật, hóa xạ đồng thời kết hợp liệu pháp miễn dịch. Bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như loại giải phẫu bệnh, đột biến gene trên khối u phổi, tổng trạng người bệnh, bệnh lý đi kèm. Bạn nên đến khám tại bệnh viện chuyên khoa để được kiểm tra, đánh giá và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh
Đơn vị Ung Bướu
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |