Ung thư phổi giai đoạn 4 (di căn) là khi khối u lan rộng đến các cơ quan trong cơ thể như xương, não, gan, không thể chữa khỏi nên có tỷ lệ sống thấp. Các phương pháp điều trị tập trung vào làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng và duy trì chất lượng cuộc sống.
Ung thư phổi gồm có tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ (chiếm phần lớn các trường hợp ung thư này). Tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi, giới tính, mức độ khối u, có hút thuốc hay không, bệnh đi kèm và loại ung thư.
Mức độ lây lan của khối u
Theo phân loại năm 2018 của Bệnh viện Hoàng gia Brompton, Anh, trên hơn 77.000 bệnh nhân, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn 4 được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 4A là khi ung thư đã lan sang hai phổi hoặc tới lớp lót xung quanh phổi, tim; vào chất lỏng xung quanh phổi hoặc tim. Ở giai đoạn 4B, khối u di căn ngoài lồng ngực đơn độc, đến một trong các cơ quan như não, tuyến thượng thận, gan, xương, hạch bạch huyết ở xa. Đến giai đoạn 4C, tế bào ung thư di căn đến nhiều cơ quan ngoài lồng ngực.
Theo phân loại này, tỷ lệ sống của người bệnh giai đoạn 4A và 4B là 11,4 tháng, 4C là 6,3 tháng. Một số bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 có thể sống ít nhất một năm.
Viện Ung thư Quốc gia Mỹ chia ung thư phổi không phải tế bào nhỏ thành ba loại gồm khu trú (giai đoạn một và hai), khối u giới hạn ở phổi; khu vực (giai đoạn ba), ung thư lan đến các hạch bạch huyết gần đó; xa (giai đoạn 4) là ung thư di căn. Dựa trên phân loại này, bệnh nhân ung thư phổi di căn có tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là 9%. Tỷ lệ này ở tất cả giai đoạn là 28%.
Loại ung thư
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ có ba loại là ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào lớn.
Ung thư biểu mô tuyến phổi phát triển ở rìa ngoài của phổi. Ung thư biểu mô tế bào vảy, chiếm 25-30% trường hợp ung thư phổi và phát triển chủ yếu ở đường hô hấp. Ung thư biểu mô tế bào phổi lớn ít gặp, có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong phổi và ác tính hơn các loại khác.
Tỷ lệ sống sót tương đối 5 năm ở giai đoạn 4 của ung thư biểu mô tuyến phổi là 20,6%, ung thư biểu mô phổi tế bào vảy là 17,6% và ung thư biểu mô tế bào phổi lớn là 13,2%.
Bệnh đi kèm
Bệnh đi kèm phổ biến ở người mắc ung thư phổi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, suy tim sung huyết. Trong đó, có hai tình trạng thường đi kèm ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn 4 là suy tim sung huyết và bệnh mạch máu não (đột quỵ, phình động mạch, dị dạng mạch máu). Suy tim sung huyết làm giảm 19% và bệnh mạch máu não làm giảm 27% tỷ lệ sống sót chung của bệnh nhân ung thư phổi loại này ở giai đoạn 4.
Tuổi
Người bệnh ung thư phổi tuổi cao hơn thường có tiên lượng xấu hơn bất kể giai đoạn, nhất là người trên 70 tuổi. Do sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch yếu nên khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u kém hơn.
Bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ dưới 50 tuổi có nhiều khả năng sống được ít nhất 5 năm hơn người từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ sống sót tương đối 5 năm đối với người bệnh này giai đoạn 4 dưới 50 tuổi là 14,2%, giảm xuống còn 8,7% nếu 50-64 tuổi và chỉ còn 5,6% ở người từ 65 tuổi trở lên.
Giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc ung thư phổi và nguy cơ tử vong vì căn bệnh này cao hơn phụ nữ. Tỷ lệ sống sót tương đối 5 năm của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn 4 đối với nam là 5,6% và nữ là 8,6%.
Hút thuốc
Theo nghiên cứu năm 2018 của Bệnh viện Vila Nova de Gaia, Bồ Đào Nha, trên 97 người mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, bệnh nhân (kể cả giai đoạn 4) bỏ hút thuốc lá trước khi hóa trị có thể tăng thời gian sống sót lên tới 6 tháng. Cai thuốc lá đem lại lợi ích lớn cho người nghiện thuốc lá nặng.
Các phương pháp điều trị mới như liệu pháp nhắm mục tiêu giúp người bệnh ung thư phổi có thể sống lâu hơn trước đây. Một số người mắc bệnh này có thể sống trong 10 năm hoặc lâu hơn nhờ phương pháp điều trị mới.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |