Trả lời:
Ung thư miệng là tổn thương ác tính xảy ra tại khoang miệng (môi, lợi, lưỡi, vòm miệng, niêm mạc má...). Nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi. Bạn nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để tăng cơ hội chữa khỏi.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên để loại bỏ tế bào ung thư miệng, nhất là khi bệnh ở giai đoạn đầu. Phẫu thuật viên cắt khối u và mô xung quanh để đảm bảo lấy sạch tế bào ung thư. Trong một số trường hợp, người bệnh được cắt bỏ một phần lưỡi, xương hàm hoặc vòm miệng, sau đó phẫu thuật tái tạo để có thể sinh hoạt bình thường.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cần xạ trị, hóa trị để ngăn ngừa tế bào ung thư tái phát. Xạ trị là sử dụng các hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của khối u. Hóa trị là dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh kết hợp một hoặc hai phương pháp tùy vào tình trạng bệnh và giai đoạn.
Dấu hiệu phổ biến của ung thư miệng gồm vết loét bên trong má hoặc môi không lành, u hoặc mảng màu đỏ trắng ở miệng, răng lung lay không rõ lý do. Bệnh ung thư miệng còn có dấu hiệu khác là miệng đau, chảy máu bất thường... Thay đổi giọng nói, ù tai và đau họng không giảm cũng có thể cảnh báo ung thư miệng.
Người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện bất thường, điều trị kịp thời, giảm chi phí và tỷ lệ tử vong. Để phòng bệnh, người trưởng thành không nên hút thuốc lá hay uống nhiều rượu, bia... Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su, quan hệ một vợ một chồng) cũng giúp phòng ngừa ung thư miệng. Tiêm vaccine phòng ngừa HPV có thể bảo vệ cơ thể chống lại các loại virus gây ung thư miệng.
ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông
Đơn vị Đầu Mặt Cổ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |