Trả lời:
Ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) là nhóm bệnh lý tăng sinh tế bào bạch cầu lympho ác tính với các biểu hiện lâm sàng đa dạng, có khuynh hướng lan ra toàn thân sớm và đáp ứng với điều trị khác nhau. Bệnh gồm hai loại chính là lymphoma không Hodgkin (chiếm khoảng 90%) và lymphoma Hodgkin.
Ung thư hạch bạch huyết có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và người bệnh đáp ứng tốt với điều trị. Tùy theo giai đoạn, loại tế bào ung thư hạch, tính chất sinh học phân tử, vị trí biểu hiện bệnh (hạch, hệ thần kinh trung ương, đường tiêu hóa...), thể trạng người bệnh mà bác sĩ đưa ra phác đồ phù hợp.
Phẫu thuật hiếm khi được dùng trong điều trị ung thư hạch. Bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật để lấy mẫu sinh thiết nhằm chẩn đoán xác định loại ung thư, đôi khi hỗ trợ đánh giá giai đoạn bệnh.
Xạ trị là phương pháp sử dụng dòng năng lượng cao bức xạ ion hóa nhằm tiêu diệt cấu trúc ung thư và ngăn tế bào ung thư phát triển. Khi hạch còn khu trú ở một khu vực nhất định (giai đoạn đầu), bác sĩ có thể xạ trị cho người bệnh.
Hóa trị sử dụng thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tùy thuộc vào tính chất, giai đoạn ung thư, các bác sĩ dùng thuốc điều trị đặc hiệu phù hợp với tình trạng bệnh.
Liệu pháp miễn dịch (kháng thể đơn dòng) là dùng thuốc để gắn vào tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư, đồng thời giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết sự xuất hiện của tế bào ngoại lai, tế bào xấu để tấn công và tiêu diệt. Sau quá trình điều trị, các tế bào khỏe mạnh trở lại bình thường.
Ghép tế bào gốc thường được chỉ định khi bệnh có nguy cơ tái phát cao, đi kèm với các phương pháp hóa trị đồng thời, đôi khi kết hợp với xạ trị.
Quá trình ghép tế bào gốc bắt đầu bằng hóa trị liều cao nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời phá hủy các tế bào lành trong tủy xương của người bệnh. Sau đó truyền các tế bào gốc vào tủy xương nhằm tạo ra các tế bào máu mới. Hai loại ghép tế bào gốc phổ biến gồm ghép tế bào gốc tự thân (sử dụng tế bào gốc của chính người bệnh) và ghép tế bào gốc từ người hiến tặng (thường là người thân).
Trong quá trình điều trị, ở bất kỳ giai đoạn nào, người bệnh cũng cần được điều trị giảm nhẹ các triệu chứng nhằm đảm bảo sức khỏe để có thể hoàn thành liệu trình điều trị. Điều trị giảm nhẹ tập trung vào giảm đau, chăm sóc sức khỏe tinh thần, hỗ trợ dinh dưỡng.
Bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa ung bướu để bác sĩ kiểm tra và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Sau khi hoàn thành các đợt điều trị, người bệnh được thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp vi tính hoặc PET CT) để đánh giá hiệu quả. Người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục cũng như sớm phát hiện nguy cơ ung thư tái phát.
BS.CKII Nguyễn Trần Anh Thư
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |