Trả lời:
Theo thống kê của Globocan năm 2022, thế giới có 1.142.280 ca mới mắc và 538.160 ca tử vong do ung thư đại tràng. Tại Việt Nam, ung thư đại tràng đứng thứ 4 trong những loại ung thư thường gặp. Tuy nhiên, đây là bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Ung thư đại tràng có 4 giai đoạn. Giai đoạn 0 là ung thư nằm hoàn toàn bên trong niêm mạc đại tràng. Giai đoạn một, ung thư phát triển vào lớp thứ hai hoặc thứ ba của thành đại tràng nhưng chưa di căn đến hạch bạch huyết gần đó và cơ quan bên ngoài đại tràng.
Giai đoạn hai, ung thư đã phát triển đến hoặc vượt ra ngoài lớp thứ tư của thành đại tràng và không có di căn hạch bạch huyết gần đó hoặc ở khu vực bên ngoài đại tràng. Giai đoạn ba là khi ung thư đã di căn từ đại tràng đến hạch bạch huyết gần đó hoặc khối u nhỏ trong mô mỡ xung quanh đại tràng. Ở giai đoạn cuối, ung thư tiến triển và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Kết quả điều trị và tiên lượng sống phụ thuộc nhiều vào giai đoạn ung thư. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh, bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị khác nhau. Ngoài ra, kế hoạch điều trị còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như thể trạng của từng người bệnh, khả năng đáp ứng điều trị, bệnh khác đi kèm...
Ung thư đại tràng giai đoạn 1-3, thường được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Trong đó, khi ung thư tiến triển sang giai đoạn 3, người bệnh được phẫu thuật và phối hợp với hóa trị để giảm nguy cơ tái phát.
Trường hợp người nhà của bạn, ung thư đại tràng ở giai đoạn một thường có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phẫu thuật và tuân thủ điều trị. Giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ khu trú ở đại tràng, chưa ảnh hưởng (di căn) đến các bộ phận khác của cơ thể.
Thống kê của SEER của Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ từ năm 2014 đến năm 2020 cho thấy tỷ lệ sống sau 5 năm đối với người bệnh ung thư đại tràng giai đoạn một (giai đoạn tại chỗ) là trên 90%. Như vậy, tiên lượng của ung thư đại tràng giai đoạn một rất tốt, cơ hội chữa khỏi cao. Tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng sống.
Bạn nên khuyên người nhà tuân thủ điều trị theo phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ để tăng khả năng đáp ứng. Nếu người bệnh do dự hoặc bỏ lỡ điều trị có thể khiến tình trạng sức khỏe xấu đi, giảm hiệu quả đáp ứng.
Với trường hợp ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ áp dụng liệu pháp điều trị toàn thân. Bác sĩ phối hợp thêm liệu pháp tại chỗ khác để làm chậm diễn tiến bệnh, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ CKI Nguyễn Chí Thanh
Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM