Trả lời:
Các loại ung thư da không phải u hắc tố ác tính gồm sarcoma mạch, u lympho tế bào B và T ở da, sarcoma xơ bì, sarcoma kaposi, ung thư biểu mô tế bào merkel và ung thư biểu mô tuyến bã nhờn. Trong đó, ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy phổ biến, tỷ lệ chẩn đoán cao.
Ung thư da được chia thành hai nhóm chính: ung thư da không hắc tố là u ác tính không sản sinh hắc tố và ung thư da hắc tố là loại ung thư nguy hiểm, tiến triển nhanh, di căn đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Ung thư da không hắc tố giai đoạn muộn không phải ung thư da giai đoạn cuối như nhiều người lầm tưởng. Ung thư giai đoạn cuối thường được nhiều người dùng để chỉ giai đoạn bệnh không thể kiểm soát được bằng các phương pháp điều trị. Trong khi đó, một số bệnh ung thư giai đoạn muộn có thể điều trị được, trong đó có ung thư da.
Ung thư da không phải u hắc tố ác tính rất ít khi di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Do vậy, tiên lượng điều trị và phục hồi rất tốt, trên 95%. Điều trị ung thư da giai đoạn muộn tốn nhiều thời gian và chi phí hơn, nguy cơ để lại vết sẹo sau điều trị cao so với điều trị can thiệp ung thư da ngay từ giai đoạn sớm. Sau điều trị, ung thư cũng có khả năng tái phát cao hơn.
Hầu hết bệnh nhân ung thư da giai đoạn muộn (không phải ung thư hắc tố) đều có thể sống thêm 5 năm sau chẩn đoán ung thư.
Người bệnh ung thư da giai đoạn muộn là ung thư hắc tố, tiên lượng điều trị và phục hồi tương đối kém do tế bào ung thư đã di căn cơ quan xa. Phương pháp chữa khối u hắc tố giai đoạn cuối tập trung giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bạn nên đi khám để xem ung thư da thuộc loại nào, từ đó bác sĩ đưa ra kế hoạch và phác đồ điều trị phù hợp.
Người bệnh ung thư da giai đoạn muộn cần vệ sinh vùng da bị tổn thương mỗi ngày, thoa kem chứa vitamin A và D, thoa kem chống nắng tránh nhiệt độ quá nóng ở vùng da tổn thương, mặc các loại quần áo mỏng nhẹ để tránh cọ xát vùng da tổn thương.
Người bệnh cần tuân thủ liệu trình và tái khám theo kế hoạch điều trị. Trong trường hợp xuất hiện tác dụng phụ như phát ban, ngứa rát, nóng sốt... cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ điều trị.
Tác nhân chính gây ung thư da chủ yếu do tia UV từ ánh sáng mặt trời. Mọi người nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên và thoa lại sau mỗi hai giờ, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhóm người có nguy cơ cao ung thư da nên tầm soát hai lần mỗi năm.
BS.CKII Ngô Trường Sơn
Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |