Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ung thư phổi giai đoạn một là giai đoạn sớm nhất, thường có triển vọng điều trị hứa hẹn nhất. Khoảng 70-92% người bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn đầu có thể sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán. Nhiều bệnh nhân sống lâu hơn nhờ các liệu pháp mới và hiệu quả hơn so với trước đây.
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ là dạng bệnh phổ biến nhất của ung thư này. Ở giai đoạn đầu, khối u khu trú ở vị trí ban đầu trong phổi, chưa lan sang các cơ quan khác, do đó có nhiều lựa chọn điều trị và tỷ lệ sống khả quan.
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn một được chia thành 1A và 1B theo hệ thống phân loại của Anh. Ở 1A, khối u giới hạn ở phổi, có đường kính 3 cm hoặc nhỏ hơn. Giai đoạn 1B, khối u có đường kính 3-5 cm, đã lan đến đường dẫn khí chính của phổi (phế quản), lớp màng trong cùng của phổi (màng phổi nội tạng), gây xẹp hoặc viêm phổi. Giai đoạn 1A được chia thành ba loại phụ gồm 1A1,1A2và 1A3, dựa trên kích thước, vị trí hoặc loại khối u.
Dựa trên hệ thống phân loại của Anh, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn 1A1 là 92%, 1A2 là 83%, 1A3 khoảng 77% và 68% với 1B. Một số yếu tố như vị trí của khối u và mức độ tắc nghẽn đường thở có thể làm giảm thời gian sống sót.
Theo hệ thống phân loại của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ung thư phổi được chia theo ba giai đoạn gồm khu trú (giai đoạn đầu) là trường hợp ung thư giới hạn ở phổi; ở giai đoạn khu vực, tế bào ung thư đã lan đến các hạch hoặc cấu trúc bạch huyết gần đó; xa (di căn) là khi khối u đã lan đến các cơ quan khác như xương, não, gan. Dựa theo phân loại này, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư phổi giai đoạn khu trú là 65%.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ gồm:
Loại ung thư phổi: Tỷ lệ sống sót sau 5 ở tất cả giai đoạn ung thư biểu mô tuyến phổi là 20,6%, ung thư biểu mô tế bào vảy phổi là 17,6% và ung thư biểu mô tế bào lớn phổi khoảng 13,2%.
Tuổi: Ung thư phổi phổ biến hơn ở người trên 65 tuổi. Bệnh ở giai đoạn một (khu trú), tỷ lệ sống sót sau 5 năm theo nhóm tuổi, cụ thể dưới 50 là 83,7%; tuổi 50-64 khoảng 67,4%; 54,6% với người từ 65 tuổi trở lên.
Giới tính: Dữ liệu từ Nghiên cứu Ung thư của Anh cho thấy tỷ lệ phụ nữ sống ít nhất 5 năm sau chẩn đoán mắc ung thư phổi cao hơn nam giới. Dựa trên tất cả giai đoạn của ung thư phổi, tỷ lệ sống sót sau 5 và 10 năm ở phụ nữ là 19% và 11,3%; ở nam giới lần lượt là 13,8%, 7,6%.
Hút thuốc: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Ngay cả khi bỏ, người từng hút thuốc bị ung thư phổi có thể làm giảm thời gian sống 30%, nhất là nam giới. Người bệnh hút thuốc có thể giảm thời gian sống xuống một nửa so với người chưa bao giờ hút thuốc.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư phổi ở tất cả giai đoạn đối với người không bao giờ hút thuốc là 34,9%, trong đó nam là 29,9% và nữ là 36,7%; từng hút thuốc khoảng 26,3%, với nam là 25,8% và nữ là 30,6%.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở người đang hút thuốc mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn một là 33%. Người bỏ thuốc trong hoặc sau điều trị có tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 70%.
Tỷ lệ sống sót tổng thể ở tất cả giai đoạn trung bình là 29,9 tháng đối với người không bao giờ hút thuốc, người từng hút thuốc khoảng 19 tháng.
Loại phẫu thuật: Tỷ lệ tử vong trong 90 ngày đối với phẫu thuật cắt phổi là 12,6% (1/12 ca) dựa theo nghiên cứu trên 8.000 bệnh nhân của Đại học McMaster (Canada). Tỷ lệ này đối với phẫu thuật cắt bỏ nêm và cắt bỏ thùy lần lượt là 5,7% và 3,9%. Phẫu thuật cắt bỏ nêm có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 74% ở người mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn một.
Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ, tỷ lệ chữa khỏi ung thư phổi có thể lên đến 80-90% nếu được phát hiện và điều trị sớm. Nhưng còn tùy thuộc vào loại ung thư, phương pháp điều trị cụ thể và các yếu tố khác.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp |