Kết quả nội soi tai mũi họng, xét nghiệm mô bệnh học tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho thấy bệnh nhân ung thư vòm họng. Bác sĩ khoa Ung Bướu thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán bệnh, xác định ông Long bị ung thư vòm giai đoạn một chưa xâm lấn cơ quan xung quanh, chưa di căn hạch và các cơ quan xa. Người bệnh được điều trị bằng xạ trị để loại bỏ tế bào ung thư.
Ngày 13/9, ThS.BS.CKI Hồ Văn Hữu, Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết người bệnh ung thư vòm giai đoạn sớm thường đáp ứng rất tốt với xạ trị, tiên lượng sống cao. Tỷ lệ sống sau 5 năm với ung thư vòm giai đoạn tại chỗ là 82%. Ở giai ung thư di căn hạch, tỷ lệ này giảm xuống 72% và giai đoạn di căn xa còn khoảng 49%.
Dấu hiệu ban đầu của ung thư vòm thường mờ nhạt, triệu chứng có thể như ù tai, nghe kém, đau đầu, nghẹt mũi... nên người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý của tai và mũi xoang. Theo bác sĩ Hữu, để chẩn đoán ung thư vòm thường cần nội soi tai mũi họng và thực hiện bấm sinh thiết gửi giải phẫu bệnh. Một số trường hợp trên nội soi không rõ hình ảnh của u vòm, như u kích thước nhỏ, giai đoạn sớm hoặc u phát triển sâu dưới niêm mạc, nếu nghi ngờ bác sĩ có thể cho bệnh nhân chụp thêm cắt lớp vi tính để khảo sát, tránh bỏ sót ung thư vòm.
Người bệnh có triệu chứng đau họng, nghẹt mũi, viêm tai điều trị hai tuần không bớt nên đi khám tai mũi họng sớm. Nếu có triệu chứng ở vùng đầu cổ, tái phát liên tục, điều trị không giảm sau 1-2 tháng dùng thuốc, người bệnh nên nội soi tai mũi họng, tầm soát ung thư.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Hữu khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế các món bảo quản bằng muối và chất nitrosamine như cá muối, thịt muối. Tránh tiếp xúc nơi ô nhiễm, nên tiêm phòng HPV và quan hệ tình dục an toàn. Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |