20 năm nay, bà Thủy, ngụ An Giang, sinh hoạt bất tiện vì ngực nặng hơn 3 kg, khó thở khi nằm, đi đứng lom khom. Vùng da dưới ngực khó vệ sinh nên hay lở loét, bong tróc. Gần đây, u ở ngực phát triển nhanh, to bằng quả trứng gà, bà đến khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 5/3, BS.CKI Đỗ Anh Tuấn, cho biết bà Thủy mắc ung thư vú giai đoạn 3, di căn hạch nách. Ngực của bà phì đại nên khó phát hiện bất thường bằng cách tự khám ngực tại nhà. Đa số trường hợp như thế này thường phát hiện ung thư khi u đã lớn, ở giai đoạn trễ. Nếu không điều trị, bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng hơn, tế bào ung thư di chuyển theo đường máu, hạch đến các bộ phận khác trong cơ thể, thường xảy ra ở xương, phổi, gan, não, hạch...
Bà Thủy điều trị 8 đợt hóa trị để gom nhỏ khối u. Sau đó, người bệnh được phẫu thuật đoạn nhũ ung thư, tái tạo ngay bằng vạt da cơ lưng rộng và thu nhỏ ngực còn lại. Khi phẫu thuật thu nhỏ ngực phải, ê kíp cắt bỏ một phần mô vú, điều chỉnh hai ngực cân đối, sau đó tạo vị trí mới cho nhũ hoa và khâu đóng vết thương.
Sau phẫu thuật, ngực thon gọn, bà Thủy hết đau lưng, không còn khó thở, dáng đi không còn chúi về trước, tiếp tục xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư.
Ngực phì đại do các sợi mô tuyến vú phát triển nhanh, xảy ra ở một hoặc hai bên ngực. Ngực phì đại lành tính nhưng gây đau mỏi vai cổ, tê nhức tay, đau đầu, khó thở, mất cảm giác ở nhũ hoa, viêm loét nếp ngực, da rạn và nhão, phát ban quang ngực... Người bệnh còn gặp các vấn đề khác như mất cân đối về vóc dáng, khó chọn trang phục. Ngực phì đại còn khiến phụ nữ khó phát hiện bất thường, u trong vú. Như trường hợp của bà Thủy khó sờ thấy u, khi phát hiện u thì bệnh ung thư đã ở giai đoạn trễ.
Ung thư vú giai đoạn muộn thường phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Trường hợp của bà Thủy, ngoài hóa trị, xạ trị, phẫu thuật ung thư, người bệnh được tái tạo và thu nhỏ ngực phì đại trong cùng một cuộc mổ, tránh thực hiện nhiều lần, tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ biến chứng.
Theo bác sĩ Anh Tuấn, để thực hiện phẫu thuật "3 trong 1" cần có trang thiết bị phòng mổ hiện đại, bác sĩ gây mê liên tục theo dõi, giám sát tình trạng của người bệnh, phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm. Trước khi mổ, người bệnh được đánh giá đủ sức khỏe.
Nguyễn Trăm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |