Thứ sáu, 1/3/2019, 12:16 (GMT+7)

Tương lai quan hệ Mỹ - Triều sau hội nghị ở Hà Nội

Mỹ và Triều Tiên được cho là vẫn còn nhiều cánh cửa để phát triển mối quan hệ dù hội nghị thượng đỉnh khép lại mà không có thỏa thuận.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã không diễn ra như kế hoạch. Hôm qua, hai lãnh đạo kết thúc hội nghị mà không thống nhất được bất kỳ thỏa thuận hay tuyên bố chung nào.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump cho biết Triều Tiên "muốn các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ hoàn toàn" và đây là bước nhượng bộ mà Mỹ không thể đáp ứng.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo lúc nửa đêm hôm qua tại Hà Nội, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho lại nói Triều Tiên chỉ muốn gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt nhưng Mỹ vẫn không chấp nhận. Ông đồng thời khẳng định đây là đề xuất tốt nhất mà Triều Tiên có thể đưa ra và sẽ không thay đổi lập trường nếu Mỹ đề xuất đàm phán lần nữa trong tương lai.

Theo Vox, sự đối lập giữa thông tin từ hai phía khiến nhiều người thắc mắc vậy điều gì thực sự đã diễn ra và quan hệ Mỹ - Triều Tiên sẽ đi đến đâu?

David Kim, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, hiện công tác tại Trung tâm Stimson, viện chiến lược có trụ sở ở Washington, cho rằng nguyên nhân dẫn tới thất bại chủ yếu bắt nguồn từ kỳ vọng quá lớn mà mỗi bên đặt vào đối phương.

"Về phía Mỹ, có thể vì chúng ta đòi hỏi quá nhiều. Về phía Triều Tiên, có thể vì Mỹ không sẵn sàng nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhiều như người Triều Tiên kỳ vọng", ông nhận định.

Trump tin Kim Jong-un không tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa
 
 

Tổng thống Trump tuyên bố tin Triều Tiên không tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa.

Về nước mà không có thỏa thuận nào trong tay, Tổng thống Trump sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những tiếng nói chỉ trích từ các thành viên đảng Dân chủ, chuyên gia đánh giá. Một số thành viên đảng Cộng hòa cũng có thể sẽ phản đối ông. Tổng thống Mỹ giờ đây phải giải thích trước công chúng, trước quốc hội bởi hội nghị khép lại dường như không giống như viễn cảnh mà ông xây dựng lên suốt nhiều tuần qua. Mặt khác, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trump.

Với Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn có thể gây dựng được uy tín lớn trên trường quốc tế với những gì ông thể hiện trong hai ngày ở Hà Nội. Theo David Kim, dù không thể mang về một thỏa thuận với Mỹ, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn sẽ được nhìn nhận "như một lãnh đạo đáng tin cậy và khôn khéo".

"Kim Jong-un một lần nữa ra về trên thế thắng. Lãnh đạo Triều Tiên đã bước lên sân khấu bên cạnh Tổng thống Mỹ, người luôn dành cho ông những lời ấm áp và khen ngợi sự lãnh đạo của ông", Tebecca Hersman, chuyên gia về hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét.

Trước câu hỏi liên quan đến triển vọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần ba, David Kim cho hay ông không tin hội nghị sẽ sớm diễn ra nhưng vẫn có những động lực ngoại giao từ cả hai phía.

"Tôi nghĩ chúng ta có đủ ý chí chính trị và có những động lực chính trị từ cả đôi bên để giữ vững bầu không khí ngoại giao hiện nay", ông nói.

Trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã dành nhiều lời khen tặng cho nhau và cho thấy cái nhìn lạc quan về tương lai quan hệ hai nước. Sau hội nghị, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ - Triều có quay trở lại thời kỳ đối đầu với những lời đe dọa "trút lửa giận" lên nhau hay không?

Theo David Kim, dựa trên những tuyên bố từ cả hai bên, khả năng này ít có cơ hội xảy ra nhưng ông vẫn giữ thái độ "lạc quan thận trọng".

Tại cuộc họp báo hôm qua, Ngoại trưởng Triều Tiên một lần nữa khẳng định Bình Nhưỡng sẽ "ngừng vĩnh viễn" các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa "nhằm giảm bớt quan ngại từ phía Mỹ".

Tổng thống Trump trong khi đó cho hay ông vẫn sẽ tiếp tục ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Triều Tiên lâu nay vẫn coi những cuộc tập trận Mỹ - Hàn là động thái khiêu khích, gây căng thẳng.

Điều quan trọng là "cả hai lãnh đạo đều đã cam kết", David Kim nhấn mạnh.

Theo Christine Ahn, giám đốc điều hành tổ chức Phụ nữ vượt DMZ đấu tranh vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, việc hội nghị thượng đỉnh kết thúc mà không có thỏa thuận là "cơ hội lớn bị bỏ lỡ", tuy nhiên, bà lưu ý rằng "70 năm đối đầu khó lòng được hóa giải chỉ sau một đêm".

"Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim rõ ràng đã có những bước tiến triển trong nỗ lực xây dựng lòng tin", bà Ahn cho hay. "Chúng tôi tin rằng nền móng đã được tạo nên".

Vũ Hoàng

 

Chia sẻ bài viết qua email