(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đọc bài "Sếp từ chối tăng lương vì tôi là nhân viên mới" tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả. Ở các công ty lớn thường có quy định rõ ràng về vấn đề lương thưởng. Mức lương thường phải sắp xếp theo vị trí công việc. Vị trí công việc sắp xếp theo năng lực làm việc. Năng lực làm việc được đánh giá theo hiệu quả làm việc cộng với thâm niên (mức độ gắn bó với công ty).
Muốn tăng lương thì phải tăng đều cho mọi người (từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất) chứ không thể tăng riêng cho ai cả. Như thế sẽ làm rối loạn bảng lương. Tăng lương tùy tiện như vậy thì những người làm quản lý như chúng tôi sẽ tự tăng lương cho mình hết.
Quỹ lương phụ thuộc vào doanh thu. Doanh thu phải báo cáo thuế, do đó bảng lương cũng sẽ bị thuế kiểm tra. Công ty nào cũng phải đăng ký bảng lương với thuế, nếu tăng lương tùy tiện không đúng quy định (quy định do công ty tự lập ra khi đăng ký bảng lương) sẽ bị thuế phạt hành chính. Nếu tôi là sếp của tác giả thì nhiều lắm là thưởng nóng cho bạn thôi. Tiền thưởng trích từ quỹ khen thưởng, còn tăng lương thì không vì không có nguồn, không nằm trong quy định nào.
Việc bạn nhảy sang công ty mới hưởng lương gấp ba lần, có thể là do công ty kia có doanh thu lớn hơn công ty cũ. Điều đó cũng đồng nghĩa với áp lực công việc của bạn phải nhân lên gấp ba lần. Ở công ty cũ, bạn còn có thời gian học kỹ năng mềm VBA chứ ở công ty mới, với áp lực công việc lớn hơn sẽ không cho bạn thời gian để bạn học thêm kỹ năng mềm đâu. Chưa đủ lông đủ cánh mà nhảy vào những công ty như thế là rất phiêu lưu. Công ty có mức lương càng cao, tính chuyên nghiệp ở từng vị trí cũng càng cao.
>> Tôi không bao giờ nhảy việc chỉ vì đồng lương to
Kỹ năng mềm là lợi ích riêng của bạn chứ không liên quan gì đến công ty. Trong công việc, bạn cảm thấy thiếu kỹ năng mềm nào đó nên làm việc không thuận lợi, bạn sẽ tự đi học thêm kỹ năng mềm ấy. Kỹ năng mềm chỉ giúp hoàn thiện bản thân bạn thôi chứ công ty không được lợi gì. Bạn không hoàn thành nhiệm vụ thì hết thời hạn hợp đồng lao động người ta sẽ sa thải bạn (không ký gia hạn hợp đồng). Do đó, việc học thêm kỹ năng mềm để làm tốt công việc được giao là cố gắng tự thân của mỗi người, hoàn toàn mang tính tự giác. Nếu ai cũng viện cớ đó để đòi hỏi tăng lương thì mọi công ty sẽ không có đủ tiền để trả lương cho nhân viên.
Mọi nhân viên mới thường được ký hợp đồng lao động thời hạn một năm. Hết thời gian đó, nếu bạn làm tốt thì được gia hạn hai năm. Hết hai năm bạn được ký hợp đồng lao động vô thời hạn. Hợp đồng vô thời hạn là bạn không còn bị xem là nhân viên mới nữa và khi tăng lương (tăng lương chung toàn công ty) người ta sẽ tính phụ cấp thâm niên cho bạn. Khi có cơ hội đề bạt thăng chức, bạn cũng sẽ được đưa vào danh sách xét duyệt. Nếu bạn nhảy sang công ty mới, mọi thứ sẽ bắt đầu lại từ đầu bất chấp bạn đòi hỏi mức lương bao nhiêu (mức lương càng cao, vượt quá khung lương của công ty đó thì khi tìm được người chấp nhận mức lương thấp hơn, họ sẽ sa thải bạn). Đó là lý do nhiều người 30–40 tuổi rồi mà vẫn là "nhân viên mới" vì họ ưa nhảy việc xoành xoạch (và cũng bị sa thải xoành xoạch).
Đàm phán mức lương là những người chuyên nghiệp có chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dạn. Họ sẽ vào công ty để giải quyết những khó khăn nhất thời cho công ty. Xong việc thì đường ai nấy đi. Người có ý định làm việc lâu dài cho công ty sẽ không đàm phán mức lương mà sẽ cho công ty tự trả mức lương theo vị trí công việc. Nên nhớ, bảng lương đã được đăng ký thuế, công ty có muốn trả lương thấp hơn nữa cho bạn cũng không được. Tùy tiện trả lương thấp hơn hoặc cao hơn không đúng với bảng lương sẽ bị thuế phạt hành chính. Nếu bạn muốn công ty tăng lương riêng cho bạn thì hãy nỗ lực để được "thăng quan tiến chức". Nhảy việc xoành xoạch thì bao giờ mới có cơ hội này?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.