"Tôi là dân quê, ra Hà Nội học đến nay đã được hơn bốn năm. Nhờ chịu khó, chăm chỉ, những ngày đầu tiên đặt chân lên thủ đô, tôi đã cố gắng học nói giọng Bắc, xin đi làm thêm rất nhiều công việc khác nhau. Nhờ đó, tôi dư dả hơn so với các bạn học cùng lớp. Tuy vậy, tôi lại mắc phải một sai lầm là chi tiêu không hợp lý. Tiền làm ra, ngoài mua đồ cho bố mẹ, tôi lại học đòi theo các bạn khác, muốn ăn ngon, mặc đẹp, thậm chí còn mời mọc, bao bạn bè suốt. Tôi không ngờ rằng, sau này, chính những người đó lại quay ra nói sau lưng rằng tôi là người hoang phí.
Một ngày nọ, tôi ốm nặng, trong túi không còn đồng nào, hỏi mượn bạn bè nhưng ai cũng kêu không có. Lúc ấy, chỉ có mẹ tôi gọi điện từ quê lên bảo rằng: "Con mà thấy khó chịu quá thì mẹ mua vé ra Hà Nội lo cho con, nếu mà thấy vẫn còn liệu được thì để mẹ nhờ mợ bên xóm chuyển tiền cho...". Nghe những lời mẹ nói, tôi chợt tỉnh ngộ, khóc ướt gối, nói mẹ đừng lo. Ấy vậy mà 10 phút sau, tôi thấy tiền về tài khoản. Sau này, tôi mới biết là giữa trưa nắng, mẹ đã chạy đi nhờ vả khắp nơi để có tiền lo cho tôi.
Vậy đó, lúc có tiền mà không biết tiết kiệm, khi ốm đau, bệnh tật sẽ vô cùng khổ sở. Bây giờ, dù vẫn chưa thể ra trường vì dịch bệnh, nhưng ít nhất, tôi thấy mình đã thay đổi lối sống tốt hơn rất nhiều. Dĩ nhiên, phía trước với tôi vẫn là một chặng đường dài còn phải học hỏi.
Sau lần đó, tôi cũng giành được học bổng, những không tiêu phung phí mà để tiền đó mua sắm đồ thiết yếu cho gia đình. Về mấy vật ngoài thân như điện thoại, quần áo, tôi cũng không quan tâm mấy. Tôi dùng điện thoại cũ, chỉ hơn một triệu đồng, dùng vài ba năm vẫn quá đủ cho nhu cầu truy cập internet. Quần áo tôi cũng chỉ mua đủ mặc. Hiện tôi cũng ăn chay. Nói chung, cuộc sống của tôi giờ rất nhẹ nhàng. Quan trọng nhất là nhờ tiết kiệm mà tôi có thể mua được thêm đồ cho bố mẹ, lúc cần cũng không phải vay ai".
Đó là chia sẻ của độc giả Minmin961999 về bài học đắt giá xung quanh câu chuyện "Lương 20 triệu không tiết kiệm được đồng nào". Chuyện tiết kiệm tiền bạc có thể không giúp bạn giàu có, nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn có cuộc sống bền vững, cân bằng. "Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu mà hãy chi tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm", đó là lời khuyên của tỷ phú Warren Buffet.
>> Gia đình tôi 'kiếm mười, tiêu bảy'
Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Chiến Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ: "Những người xem trọng vật chất, hình thức bề ngoài, có thể nói là những người sĩ diện, hời hợt và thiếu sâu sắc. Chẳng nói đâu xa, ở một số nước phát triển như Đan Mạch, Nhật Bản, từ học sinh, sinh viên cho đến người đi làm, công nhân không những tận dụng xe đạp để làm phương tiện để đi lại, làm việc (ngoại trừ mùa đông), mà còn tạo công ăn việc làm cho các đối tượng cao tuổi khác. Mặc dù văn hóa khác nhau, nhưng nói vậy để biết, cho dù người ta giàu có ở ngay tại thời điểm đấy, nhưng họ vẫn biết lo xa, làm để có của ăn, của để cho con cháu thế hệ sau này.
Thế nhưng có nhiều người lại biện minh rằng "không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời". Thực ra không hẳn là như vậy, ông bà, bố mẹ bạn tích lũy, tiết kiệm để có sẵn của ăn, của để, công cụ, tư liệu sản xuất, đến thế hệ của các bạn sinh ra đã ở 'vạch đích', chỉ việc bước một chân qua là đã giàu có. Còn ngược lại, nếu không có bố mẹ làm bệ phóng thì bạn chỉ ở mức trung bình khá là may mắn lắm rồi.
Tôi cho rằng, sống tiết kiệm thể hiện bản chất con người biết nhìn xa trông rộng, tư duy sâu sắc. Chúng ta không thể dám chắc 100% rằng tương lai mình sẽ không xảy ra biến cố: bố mẹ nhiều tuổi dễ bệnh hoạn những ngày trái gió trở trời; nhiều người đặt lợi nhuận lên trên hàng đầu nên rau củ quả, cá, thịt được làm ra với bao nhiêu thuốc trừ sâu, thức ăn nhanh thay vì cám tự nhiên như ngày trước; bản thân bạn không may bị bệnh, nhiễm Covid-19... Những lúc đó, tiền đâu ra để bạn xoay xở khi cái chết cận kề?".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.