Em có tiền sử một lần thai sinh hóa và một lần thai chết lưu tám tuần phải nạo hút. Trong lần mang thai tới, em cần chú ý gì? Em có cần tiêm hay uống thuốc giữ thai không? Cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Bạn đã hai lần mang thai hỏng thì chắc chắn bạn phải đi kiểm tra rất kỹ để tìm nguyên nhân gây nên tình trạng này. Trước tiên bạn cần làm các xét nghiệm về di truyền để xem bố mẹ có mang gen bất thường về nhiễm sắc thể hay không (50% thai bị hư là do nguyên nhân này). Tiếp đến là xét nghiệm máu xem bố mẹ có bất đồng nhóm máu hay không.
Ngoài ra, bạn từng nạo hút thai thì cần kiểm tra xem tử cung của mình có bị dị dạng (tử cung có vách ngăn, tử cung đôi, dính buồng tử cung, buồng tử cung có polyp...) hay không. Tất cả những nguyên nhân này đều có thể làm cho thai lưu. Bên cạnh đó, bạn cầm làm các xét nghiệm miễn dịch để xem mình có mắc một số bệnh lý như viêm gan, HIV, giang mai... hay không. Nếu có thì cần điều trị tích cực để tránh tình trạng lây truyền cho em bé, làm hỏng thai.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Tử cung em ngả sau, muốn mang thai thì làm thế nào dễ mang thai nhất. Cụ thể là chế độ ăn uống, sinh hoạt vợ chồng có chú ý gì đặc biệt không? Cám ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Tử cung ngả sau, tử cung ngả trước hay tử cung trung gian chỉ là tư thế của tử cung, trừ những trường hợp tử cung ngả sau mà gập quá sâu thì có thể do một số loại bệnh lý như người phụ nữ sinh nở quá nhiều khiến dây chằng quá nhão, không thể giữ được tư thế của tử cung. Hoặc trường hợp lạc nội mạc tử cung, u tử cung kéo dính làm tử cung dính chặt và kéo về phía sau.
Trường hợp tử cung ngả sau hay gập sâu cần được thăm khám để xem thử có phải do những nguyên nhân kể trên không. Nếu không phải những nguyên nhân trên, tử cung chỉ hơi ngả sau thôi thì không ảnh hưởng gì, bạn vẫn có thể quan hệ và mang thai bình thường, không cần có bất kỳ tác động nào để hỗ trợ thụ thai và giữ thai.
Cảm ơn bạn vì đã tin tưởng bệnh viện Tâm Anh. Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Em năm nay 32 tuổi, đã có hai con trai 7 và 5 tuổi. Cách đây 2 năm, từ tháng 3/2019-11/2019, em có bị mất kinh và trong khoảng thời gian đó có dấu hiệu mang thai. Tháng 5/2019, em có test que thử thai nhưng không có thai (một vạch) nhưng trong bụng có cảm giác thai nhi máy và đạp, sờ bụng có ...
Chào bạn,
Nếu bạn mang thai, chắc chắn thử que phải cho kết quả 2 vạch, làm xét nghiệm phải thấy được sự có mặt của thai (dù là nằm trong hay ngoài từ cung). Thêm nữa, khi bạn siêu âm mà không thấy thai trong tử cung thì khi siêu âm ổ bụng sẽ thấy, thậm chí thai nằm sau phúc mạc sát với vùng thận cũng thấy luôn. Nói vậy để thấy, có rất nhiều phương pháp giúp xác định chính xác bạn có mang thai hay không. Quan trọng nữa là, từ năm 2019 đến giờ nếu bạn có thai nằm trong ổ bụng thì chắc chắn thai nhi phải lớn lên, chứ không thể không phát triển sau hai năm trời. Bạm cảm nhận nhịp tim đập ở vùng thượng vị, đó có thể là động mạch của mẹ chứ không phải tim thai. Còn cảm giác thai máy chỉ là một tình trạng tự kỷ ám thị của bạn. Bạn có cảm nhận như thế chứ thực sự không hề có thai đạp bên trong.
Chúc bạn và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Em đang mang thai tuần 26 nhưng bụng rất xệ và tụt. Có người bác lớn tuổi trong nhà nhìn thấy bảo em đi lại ít không thì em bé sẽ sinh non. Em thấy hơi lo không biết phải làm gì để cải thiện tình trạng này? Rất mong bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cho em phương án tối ưu cho hai ...
Chào bạn,
Bụng tụt và xệ là do hình dáng bên ngoài cơ thể mình. Tử cung nằm bên trong của tiểu khung, được nâng đỡ bởi hệ thống dây chằng và bảo vệ bởi áp lực của ổ bụng nên không thể tụt ra ngoài.
Sở dĩ bạn có hình dáng bụng như vậy có thể là do bạn đã từng sinh nở nên mô mỡ tích tụ, cơ chùng xuống tạo cảm giác tụt bụng. Lo lắng của bạn là không có cơ sở. Thay vì vậy, bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được tầm soát nguy cơ sinh non. Các yếu tố nguy cơ của sinh non là xuất hiện những cơn gò, cổ tử cung ngắn. Bác sĩ sẽ xem xét những yếu tố này để kết luận bạn có khả năng sinh non không, chứ không phải cái bụng tụt có nghĩa là sinh non.
Chúc bạn và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng.
Tôi có đi khám và siêu âm, hình ảnh siêu âm cho thấy dây rau bám màng. Về tìm hiểu cháu thấy hoang mang quá. Đây là trường hợp hiếm gặp và nguy hiểm khi thai chuyển dạ. Vậy, trong thời kỳ mang thai có nguy hiểm gì và cần kiêng cữ gì cho cả mẹ lẫn con? Tôi đọc thấy nguy cơ sinh non ...
Chào cháu,
Dây rau bám màng làm một bệnh lý thực sự hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1-2% ở những phụ nữ mang thai. Dây rau bám màng thường được chẩn đoán bằng siêu âm.
Ở những sản phụ bình thường, dây rau bám ở vị trí trung tâm của bánh rau vì bánh rau là nơi trung chuyển, tuần hoàn của mẹ và con, mạch máu nuôi dưỡng đi từ mẹ đi qua bánh rau, từ bánh rau đi qua dây rau để nuôi em bé. Khi dây rau bám ở vị trí trung tâm thì sẽ có nhiều mạch máu tập trung vào dây rốn cung cấp nguồn dinh dưỡng cho em bé nhiều. Đối với dây rau bám màng là khi dây rau bám ở vị trí ngoài rìa, không bám vào vị trí của các gai rau hay múi rau, chính vì lý do đó các mạch máu đi vào dây rốn sẽ ít hơn rất nhiều so với vị trí dây rau bám ở trung tâm.
Nguy cơ với thai nhi có dây rau bám màng là thai chậm phát triển trong tử cung, tuy nhiên không phải tất cả những em bé bị dây rau bám màng đều chậm phát triển trong tử cung, có những trường hợp em bé bị dây rau bám màng nhưng cân nặng lúc sinh vẫn nặng 3,1kg, 3,2kg cho nên cháu cũng không cần quá lo lắng.
Dây rau bám màng thì có 2 vị trí, vị trí thấp và vị trí cao, vị trí thấp là khi dây rau bám gần sát với lỗ trong cổ tử cung, vị trí như thế này khá nguy hiểm vì khi xuất hiện những cơn co, cổ tử cung xóa mờ, màng ối vỡ thì có thể kéo theo làm đứt các mạch máu của dây rau, cắt đứt tuần hoàn giữa mẹ và con, thai nhi có thể bị suy thai cấp hoặc có thể chết ở trong bụng. Còn nếu dây rau bám ở vị trí cao ở gần phía đáy của tử cung thì lúc đó chúng ta có thể đỡ lo ngại hơn và có thể xử lý trong quá trình chuyển dạ. Nếu trong trường hợp dây rau bám ở vị trí cổ tử cung thì bao giờ cũng được các bác sĩ theo dõi rất là chặt chẽ trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa thì nguy cơ dây rau bám màng không quá lớn, tuy nhiên ở 3 tháng cuối khi đã xuất hiện những cơn gò thì nguy cơ cổ tử cung xóa mờ có thể làm vỡ ối, đứt mạch máu lớn hơn, các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ mỗi lần khám, siêu âm, cho chạy máy để kiểm tra xem có cơn gò hay không, đo chiều dài cổ tử cung xem cổ tử cung có bị ngắn hay không. Nếu xuất hiện những dấu hiệu sớm thì có thể có chỉ định mổ cấp cứu, nếu không vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi thai kì đủ đáng để mổ chủ động tránh nguy cơ em bé gặp nguy hiểm trong lúc chuyển dạ.
Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, cháu có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Em chuẩn bị mang thai lần 2 sau 9 năm, vợ chồng em cần chuẩn bị những gì để mang thai khỏe mạnh, sinh con an toàn?
Chào bạn,
Sau 9 năm mới mang thai lại thì thời gian rất là lâu, 9 năm trước mình còn là phụ nữ trẻ còn giờ thì cũng đã có tuổi. Do đó trước tiên là bạn nên đi khám sức khỏe tổng thể xem có bệnh lý gì không về huyết áp, tim mạch, tử cung, phần phụ, làm các xét nghiệm về sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú... làm các xét nghiệm xem có bị nhiễm virus gì chưa như rubella, viêm gan, HIV.. , đã tiêm phòng những loại vắc xin gì rồi. Sau khi khám tổng quát hết rồi thì bạn có thể sẵn sàng để mang thai.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Vợ em năm nay 33 tuổi, đã sinh mổ 3 lần (lần gần đây nhất là tháng 11 năm 2018). Xin hỏi là có nên mang thai lần thứ 4 không?
Chào bạn,
Nếu vợ bạn đã mổ 3 lần rồi mà giờ tiếp tục mang thai nữa thì có rất nhiều nguy cơ bởi vì sẹo mổ có thể sẽ rất mỏng. Khi mang thai có thể có nguy cơ mang thai ở vị trí vết mổ, sau đó là nguy cơ rau tiền đạo, rau cài răng lược. Rau tiền đạo là rau bám rất thấp, có thể bọc qua trong lỗ cổ tử cung. Rau cài răng lược là bánh rau có thể ăn sâu, xuyên qua vết mổ, có thể xuyên qua cả bàng quang. Những trường hợp này rất nguy hiểm, khi sinh nở có thể gây băng huyết dữ dội.
Trường hợp mổ 3 lần rồi thì vết sẹo rất mỏng, khi thai lớn lên có nguy cơ nứt vết sẹo cũ, có nguy cơ gây vỡ tử cung rất nguy hiểm. Do đó, vợ bạn cần cân nhắc kỹ có nên sinh thêm bé thứ 4 hay không. Trường hợp vì một lý do nào đó bạn muốn có em bé thứ 4 thì vẫn được, tuy nhiên, bạn cần biết khi mang thai lần thứ 4 sẽ tiềm ẩn những nguy cơ, do đó vợ bạn cần có bác sĩ đồng hành trong suốt thai kỳ để đảm bảo thai kỳ an toàn. Nhiều trường hợp mang thai mổ lần 4, lần 5 vẫn có thai kỳ an toàn và vượt cạn thành công.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Tôi mang thai được 3 tháng, gần đây hay bị đau vùng thắt lưng, mỗi lần đau nháy 1 cái. Không biết có ảnh dấu hiệu ảnh hưởng tới sức khỏe không?
Chào bạn,
Bạn 26 tuổi thì con trẻ, mang thai 3 tháng cũng chưa phải là lớn, thỉnh thoảng có nhói trong tử cung cũng là chuyện bình thường. Bởi vì từ cung bình thường rất nhỏ, khi mang thai thì tử cung lớn dần lên cùng sự phát triển của thai. Trong tử cung thì có rất nhiều hệ thống dây chằng để giữ tử cung, khi thai lớn lên thì dây chằng sẽ căng kéo có thể gây nên tức hoặc đau.
Ngoài ra khi tử cung to chèn ép vào bên trong vùng tiểu khung cũng có thể làm cho các mạch máu tuần hoàn bị ứ trệ và chèn vào các dây thần kinh lân cận chẳng hạn có thể cũng làm nhói đau. Tuy nhiên vấn đề đau này thình thoảng mới có thì cũng bình thường, hầu hết thai phụ đều xuất hiện tình trạng này. Nếu bạn đau thường xuyên, xuất hiện có chu kỳ thì sẽ đáng ngại, lúc đó có nguy cơ xuất hiện các cơn gò chẳng hạn.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bác sĩ cho em hỏi câu hỏi sau: người mẹ mới sinh con được 10 tháng và mang thai tiếp. Trong thời gian mang thai mẹ thường xuyên bị ra huyết thì con sinh ra có bị ảnh hưởng về trí tuệ không?
Chào bạn,
Theo câu hỏi của bạn thì mô tả chưa rõ là đã mang thai được bao nhiêu tuần, ra huyết như thế nào nên rất khó để tư vấn. có những người chỉ rỉ rả ra huyết trong thời gian đầu mang thai như các cụ ngày xưa hay gọi là máu báo. Đó có thể là thai làm tổ chưa kín đầy kết buồng tử cung cũng có thể ra máu chút ít. Còn nếu ra máu dai dẳng thì cần tim nguyên nhân ra máu là do cái gì?
Trước tiền cần phải đi khám phụ khoa để kiểm tra xem là liệu có 1 polyp ở cổ tử cung hay không, có tổn thương ở cổ tử cung gây nên tình trạng ra máu hay không, siêu âm xem vị trí bánh rau thế nào, bánh rau bám ở vị trí bình thường hay bất thường, bánh rau có bị bong hay không, hoặc có mạch máu bất thường bám ở cổ tủ cung chẳng hạn... tất cả đều cần được kiểm tra cẩn thận.
Ngoài ra có thể thai của bạn không bình thường, thai trứng chẳng hạn, mình bị ra máu và cứ nghĩ mình đang mang thai và cứ để như vậy. Trường hợp nếu bạn đang có thai ở giai đoạn sớm mà ra máu cũng có thể là trưởng hợp thai ngoài tử cung chẳng hạn. Nếu suốt quá trình mang thai bạn cứ để ra máu, âm đạo của bạn lúc nào cũng có máu. Máu là môi trường rất tốt để vi khuẩn phát triển thì có thể có nguy cơ gây nên viêm nhiễm, gây viêm ngược ở trong buồng tử cung gây tổn thương bên trong.
Ngoài ra có thể gây nên tình trạng thiếu máu nếu ra máu nhiều và thường xuyên. Khi mẹ thiếu máu thì con cũng có thể bị thiếu máu, thiếu máu quá nặng thì có thể gây nên tinh trạng thai chậm phát triển trong tủ cung, và những tổn thương đó cũng có thể gây ảnh hưởng đến trí não của em bé. Còn nếu chỉ ra máu 1 ít thì không ảnh hưởng đến phát triển trí não của bé. Cái này phụ thuộc vào mức độ và các loại bệnh lý thì mới có thể trả lời được.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội: 1800 6858 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Xin hỏi bác sĩ, trứng gà lộn luộc tốt cho mẹ và bé phải không? Nên bổ sung thời gian nào của thai kỳ và liều lượng thế nào thì hợp lý?
Chào bạn, bản thân tôi chưa bao giờ ăn trứng gà lộn luộc nên không thể khẳng định tốt hay không. Các cụ hay nói ăn trứng vịt lộn thì tốt vì loại trứng này có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, vì nó chứa khá nhiều đạm nên nếu phụ nữ mang thai ăn nhiều sẽ dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Mỗi tuần chỉ nên ăn 1 - 2 lần, mỗi lần 1 quả.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bác sĩ cho em hỏi, những lưu ý cần chuẩn bị trước khi mang thai? Tử cung ngả trước có ảnh hưởng gì đến vấn đề mang thai không?
Chào bạn,
Bạn 39 tuổi thì cũng đã lớn tuổi nên cũng cần phải lưu ý. Ở độ tuổi của bạn nếu mang thai thi nguy cơ bất thường NST rất lớn nên khi mang thai cần phải thăm khám và sàng lọc rất kỹ. Ngoài ra nguy cơ về tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật cũng khá cao cho nên cũng cần đi thăm khám xem mình có những bệnh lý đó không. Và nguy cơ về ung thư cổ tử cung, kiểm tra xem có bị nhiễm HIV hay không, viêm nhiễm âm đạo như thế nào, trong dạ con có bị u xơ không, có u buồng trứng không.
Sau 35 tuổi phụ nữ phải đi kiểm tra vú định kỳ, mình kiểm tra xem có bị nhân xơ, u vú hay không, có khả năng bị ung thư vú hay không. Về vấn đề tử cung ngả trước hay ngả sau thì chỉ là tư thế của tử cung, không ảnh hưởng đến vấn đề thụ thai hay mang thai hay quá trình sinh nở, do đó bạn không có gì lo lắng về vấn đề này.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Hiện nay rất nhiều phụ nữ chọn sinh mổ, nhưng sinh mổ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của sản phụ và em bé. Xin bác sĩ tư vấn làm thế nào để hạn chế việc lựa chọn sinh mổ và nếu bác sĩ phải chỉ định sinh mổ thì bác sĩ tư vấn cho các mẹ cần phải làm gì để hạn chế ...
Chào bạn,
Trên thực tế thì cái gì tự nhiên cũng tuyệt vời nhất, sinh nở cũng thế, khi sản phụ sinh bằng đường âm đạo thì bao giờ cũng là tốt nhất vì khi em bé đi qua ống đẻ lồng ngực được ép lại và các dịch ép ra ngoài, hệ hô hấp của em bé sẽ tốt hơn, phổi giãn nở tốt hơn. Và sản phụ sinh tự nhiên thì chỉ hôm trước hôm sau có thể xuất viện, mẹ khỏe mạnh và không phải mang 1 vết sẹo trên bụng, tránh được những hệ lụy của phẫu thuật như thời gian lưu viện lâu, nguy cơ nhiễm trùng, sẹo mổ cũ tử cung thì có nguy cơ nứt sẹo vết mổ, chửa ở vết mổ, rau bám vào vị trí sẹo, rau tiền đạo, rau cài răng lược đó là những hệ lụy khi người phụ nữ mổ đẻ có thể có.
Rất nhiều người thắc mắc là em đã có sẹo mổ cũ rồi thì em có thể sinh thường được không thì vẫn có thể sinh thường đường, khi đó bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn, duy trì cận nặng, cân nặng thai bao nhiêu là vừa đủ để tránh nguy cơ nứt sẹo thì cơ may sinh thường rất cao.
Chúng tôi cảm ơn bạn vì đã tin tưởng bệnh viện Tâm Anh. Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Tôi 38 tuổi, hai bé đầu đều khá lớn 10 và 7 tuổi, một trai và một gái. Hiện tôi dự định sinh con và đã tháo que cấy tránh thai. Tôi cấy được sáu năm hai que. Sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường, đã khám định kỳ hàng năm và có thể dục thường xuyên. Tôi cũng đã tiêm các vaccine chuẩn ...
Chào bạn,
Thường ở phụ nữ mang thai bao giờ cũng có tình trạng đau lưng, vì khi mang thai tử cung lớn dần chèn lên vùng tiểu khung, làm hệ thống lưu thông tuần hoàn bị hạn chế, các tĩnh mạch trở tim cũng chậm hơn điều này có thể chèn ép lên các dây thần kinh làm cho mẹ bầu có thể đau ở vùng tiểu khung và vùng thắt lưng. Tuy nhiên khi mang thai mà bạn bị đau thì cũng có nguyên nhân là bạn bị gai đôi cột sống, thoát vị cột sống và không được loại trừ những nguyên nhân như thế.
Vì vậy với lần mang thai lần này, tốt nhất là bạn nên đi chụp cộng hưởng từ, kiểm tra xem vùng cột sống của mình có vẫn đế gì không vì cần loại trừ xem mình có bị thoát vị hay gai đôi cột sống không vì đó có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau, tê bì vùng thắt lưng. Thứ 2 là bạn cần đi khám với bác sĩ phụ khoa để kiểm tra xem liệu tử cung, buồng trứng có khối u gì chèn ép làm mình bị đau hay không, thêm nữa là tầm soát các loại bệnh lý về ung thư cổ tử cung, ung thư vú để có thể yên tâm mang thai lần nữa.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Cháu muốn triệt sản bằng phương pháp thắt ống dẫn trứng, phương pháp này có ảnh hưởng đến nội tiết tố hay sức khoẻ phụ nữ sau này không ạ?
Chào bạn,
Trước đây nhắc đến từ triệu sản thì ai cũng suy nghĩ về điều này rất nặng nề, nhưng thực ra đây là thủ thuật bác sĩ chỉ thắt 2 ống dẫn trứng vì vai trong của ống dẫn trứng là dẫn tinh trùng gặp trứng để tiến hành quá trình thụ thai và đưa phôi đã được thụ thai đi vào buồng tử cung. Vì vậy khi mình không có nhu cầu mang thai nữa thì có thể kẹp hai vòi trứng lại để không có quá trình dẫn truyền tinh trùng đi gặp trứng nữa và điều này không ảnh hưởng gì đến nội tiết của người phụ nữ vì nội tiết của người phụ nữ do 2 buồng trứng tạo nên, khi thắt 2 vòi trứng không liên quan gì đến buồng trứng.
Và thêm một điều nữa, chúng ta biết ung thư buồng trứng do các tế bào ung thư vòi trứng rơi ra và gắn kết trong buồng trứng và là tác nhân gây nên ung thư buồng trứng, vì vậy theo các nghiên cứu, việc kẹp 2 vòi trứng làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, vì vậy chỉ có tốt chứ không xấu đi.
Tuy nhiên đó là phương pháp tránh thai vĩnh viễn, nên sau này nếu bạn suy nghĩ lại và muốn có thêm em bé thì có thể làm thụ tinh ống nghiệm...
Chúc bạn và gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Em đang mang thai 33 tuần, con so. Em bị đau lưng nhiều nhất là khi ngủ, trở mình sang bên trái hay bên phải đều đau và chỉ có nằm ngửa là cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng nhiều người nói nằm ngửa không tốt cho em bé. Mong bác sĩ tư vấn em có nên nằm ngửa không và tư thế ngủ thế ...
Chào em,
Tuổi thai của em đã được 33 tuần, bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ nên cơ thể người mẹ có những thay đổi như mệt mỏi, đau xương, đau khớp. Nên tình trạng em gặp phải là hoàn toàn bình thường.
Trên lý thuyết, khi sản phụ nằm nghiêng sang trái thì lượng máu về tử cung nuôi bé được nhiều hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Điều này còn phải tùy thuộc vào cấu tạo riêng của từng cơ thể của mỗi mẹ bầu. Nếu em nằm ngửa mà thấy thoải mái thì tư thế này phù hợp với em nhất. Nói tóm lại, em có thể nằm ngửa, nghiêng phải, nghiêng trái tùy thích miễn em bé trong bụng không cựa quậy nhiều và bản thân mẹ cảm thấy khỏe nhất.
Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, em có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Em có tiền sử xảy thai và phá thai. Em phá thai cách đây 6 tháng, gần đây có cảm giác đau hai bên bụng dưới. Có vẻ như vị trí buồng trứng. Em có nguy cơ gì không và em đã nên có thai lại chưa?
Chào bạn!
Một trong những nguyên nhân gây ra đau hai bên buồng trứng là do viêm phần phụ có thể do khi xảy thai hoặc phá thai xong bạn có thực hiện điều trị và sử dụng kháng sinh chưa đúng hoặc có thể do nguyên nhân viêm nhiễm gây ra viêm phần phụ dẫn đến tình trạng bạn bị đau hai bên buồng trứng.
Với trường hợp này, bạn nên đi thăm khám và kiểm tra với bác sĩ để bác sĩ đưa ra một số xét nghiệm thăm dò thêm, đưa ra cho bạn chẩn đoán chính xác xem bạn có bị viêm phần phụ hay không. Bởi vì viêm phần phụ có thể gây ảnh hưởng đến sinh đẻ sau này.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858 và tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Em mang thai được tuần thứ tám nhưng dạo này hay bị chóng mặt mặc dù có uống canxi và sắt mỗi ngày. Bác sĩ cho em biết vì sao chóng mặt và nguyên nhân giải pháp để khắc phục triệu chứng. Em cảm ơn nhiều lắm ạ.
Chào em,
Chóng mặt là triệu chứng thường gặp khi có thai sớm. Nếu uống sắt và canxi ở giai đoạn này cũng chỉ là cách bổ sung cho thai và không có tác dụng điều trị chóng mặt. Nguyên nhân chóng mặt khi mang thai sớm có thể do môi trường làm việc kín, thiếu oxy thở hoặc bản thân em có một bệnh lý nội khoa nền tảng nào đó. Để giải quyết tình trạng này em nên có những hoạt động sau đây:
- Thay đổi môi trường làm việc thoải mái, thông thoáng và có nhiều khí trời.
- Áp dụng chế độ ăn uống bình thường.
- Trong trường hợp, nếu đã ở trong môi trường thoải mái, không căng thẳng nhiều nhưng vẫn bị chóng mặt, em nên đi khám nội khoa tổng quát để bác sĩ có thể khám và phát hiện kịp thời những bệnh lý nội khoa gây ra tình trạng trên.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Tôi năm nay 29 tuổi, mang thai con đầu lòng được 31 tuần. Hiện, tôi cao 1,5 m, nặng 65 kg. Chân của tôi thỉnh thoảng bị sưng lên và đêm thỉnh thoảng bị chuột rút rất đau. Mỗi lần chuột rút khoảng 15 đến 20 phút. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi, tôi xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn!
Chân phù có thể do chèn ép hoặc là một dấu hiệu của tiền sản giật hoặc bệnh lý của thận. Đầu tiên, bạn cần khám kiểm tra huyết áp, protein niệu, loại từ bệnh lý của thận. Nếu huyết áp bình thường, protein niệu âm tính, chức năng thận bình thường có thể do chèn ép. Bạn không nên đứng lâu quá, nằm gác chân lên cao, có thể ngâm chân nước ấm ngày một lần từ 15 đến 30 phút. Dấu hiệu chuột rút do chân phù nên chèn ép vào dây thần kinh, ngoài ra bạn cũng nên bổ sung canxi đầy đủ 1200 mg/ngày.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được tư vấn với các chuyên gia. Trân trọng!
Em mang thai tuần thứ bảy, bị đau bụng ra máu. Kết quả siêu âm bình thường, chưa có gì bất thường. Có những nguyên nhân gì bị ra máu thưa bác sĩ?
Chào bạn Hoàng,
Có khoảng hơn 10% các thai kỳ ra máu bất thường. Nguyên nhân gây ra máu âm đạo trong thời kỳ đầu mang thai có thể do:
- Thai ngoài tử cung;
- Dọa sẩy thai;
- Sẩy thai;
- Viêm nhiễm hoặc chấn thương âm đạo - cổ tử cung;
- Polype cổ tử cung một số trường hợp thai giai đoạn sớm, túi thai bám vào lòng tử cung cũng có thể gây ra máu lượng ít và sẽ tự hết sau khi túi thai bám chắc vào lòng tử cung và lớn dần...
Tuy nhiên, bất kỳ tình trạng ra máu nào trong quá trình mang thai cũng nên được quan tâm và thăm khám cẩn thận để đánh giá cũng như điều trị kịp thời. Vì vậy, mặc dù bạn đã được siêu âm thai bình thường nhưng cũng nên tái khám theo hẹn của bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kỹ lưỡng.
Chúng tôi cảm ơn bạn vì đã tin tưởng bệnh viện Tâm Anh. Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Vợ tôi sinh mổ đứa thứ nhất, nay vợ tôi mang bầu đứa thứ hai cách đứa nhất 12 tháng. Bác sĩ cho tôi hỏi thời gian này có ảnh hưởng đến vết mổ hay không? Nếu ảnh hưởng cách bảo vệ mẹ và bé để đảm bảo an toàn?
Chào bạn,
Em bé đã được 12 tháng và giờ bạn đang mang thai lần hai. Đây là thời điểm khá an toàn, vì khoảng cách giữa chỉ định mổ lấy thai lần thứ hai so với lần thứ nhất nếu trước 18 tháng thì bắt buộc phải mổ lấy thai lại, còn bạn là trên 18 tháng.
Có rất nhiều chứng cứ cho rằng ở thời điểm 18 tháng, sẹo ở cơ tử cung đã lành và cơ hội để vợ bạn sinh thường ở lần sinh này khá cao. Nhưng nếu nguyên nhân của lần lấy thai trước ví dụ như khung chậu hẹp vẫn còn, chắc chắn lần này sẽ tiếp tục phải mổ lấy thai.
Anh cần đưa vợ đi khám thai đúng lịch hẹn. Bác sĩ sẽ xem xét một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như một người phụ nữ có vết mổ lấy thai cũ khi mang thai lần hai cần loại trừ khả năng có thai ngoài tử cung, thai bám sẹo mổ lấy thai hay không; hay trong thai kỳ, bánh nhau của thai lần này có đi xuống dưới hay không, có bị nhau tiền đạo hoặc cài vào trong vết mổ hay không. Đó là những nguy cơ có thể gặp ở những phụ nữ mang thai lần hai từng sinh mổ.
Chúc mẹ và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!