Ước tính gần 800 sản phụ tử vong do các tai biến sản khoa mỗi năm, 15-20% có nguy cơ sảy thai trong 20 tuần đầu thai kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các tai biến sản khoa.
Tai biến sản khoa là gì?
Tai biến sản khoa là một trong những mối đe dọa lớn đến sức khỏe và cuộc sống của sản phụ cũng như thai nhi. Tai biến sản khoa có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ mà không tiên lượng trước được.
Bất kỳ người mẹ nào cũng có nguy cơ đối diện với tai biến sản khoa. Vì vậy, việc dự phòng và sớm đưa ra những biện pháp ngăn ngừa, can thiệp kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho sản phụ lẫn thai nhi.
Bên cạnh những tai biến sản khoa thường gặp như thuyên tắc ối, tiền sản giật, vỡ tử cung... thì với sự phát triển của y học hiện đại, các chuyên gia y tế đã phát hiện thêm những biến chứng thai kỳ khác như nhiễm trùng hậu sản, chửa ngoài tử cung, nhau bong non, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, sinh non, vỡ ối sớm, sảy thai, dị tật bẩm sinh, hội chứng truyền máu...
Nguyên nhân gây ra tai biến sản khoa
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tai biến sản khoa. Một vài trong số đó đã được các chuyên gia trong lĩnh vực y tế liệt kê như sau:
- Phụ nữ mang thai có độ tuổi nhỏ hơn 17 và cao hơn 40 tuổi.
- Mẹ làm việc trong môi trường độc hại hoặc tiếp xúc với độc chất, tia X... Có lối sống không lành mạnh: hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng ma túy...
- Mẹ tự ý sử dụng thuốc khi mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ.
- Mẹ có tiền sử phẫu thuật: phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật khối u ở tử cung, các phẫu thuật ở ổ bụng.
- Biến chứng thai kỳ: vị trí thai bất thường, thai nhi phát triển chậm và hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh (rhesus).
- Đa thai: có thể gây ra tiền sản giật, sinh non và sinh sớm.
- Bệnh lý nền có thể gia tăng khả năng có tai biến sản khoa như thừa cân và béo phì, tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang, tiểu đường, bệnh thận, bệnh tự miễn và các bệnh lý khác như bệnh tuyến giáp, HIV/AIDS, nhiễm Zika trong thai kỳ.
Nguyên nhân gây ra biến chứng thai kỳ còn do thai phụ không được tiếp cận máy móc, kỹ thuật hiện đại trong quá trình thăm khám, dẫn tới phát hiện muộn và không kịp xử trí.
Những tai biến sản khoa thường gặp
Những trường hợp biến chứng thai kỳ nếu không được can thiệp kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật, dị dạng cho thai, trẻ chậm phát triển sau này. Thậm chí, tai biến sản khoa có thể còn ảnh hưởng đến cả tính mạng của mẹ và bé.
Thuyên tắc ối
Thuyên tắc ối là tình trạng dịch nước ối vào tĩnh mạch tử cung khi thai phụ bị vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung, áp lực buồng tử cung cao.
Theo Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thuyên tắc ối là biến chứng đáng sợ nhất trong tai biến sản khoa. Theo thống kê, có đến 50% sản phụ tử vong trong giờ đầu tiên khởi phát triệu chứng thuyên tắc ối. 50% còn lại nếu sống sót cũng để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết, ai cũng có thể gặp tình trạng thuyên tắc ối trước, trong hoặc sau khi sinh. Các yếu tố tăng nguy cơ thuyên tắc ối bao gồm thai phụ hơn 35 tuổi, đa thai, sinh nhiều lần, bất thường nhau thai, bị tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ, mổ lấy thai và nhau bong non.
Những triệu chứng thường gặp khi bị thuyên tắc ối:
- Thai phụ khó thở, ngưng thở Sp02 (oxy máu) nhỏ hơn hoặc bằng 90%, cơ thể trong tình trạng tím tái.
- Sản phụ tụt huyết áp, mạch đập nhanh và nhẹ, thậm chí ngưng tim.
Vỡ tử cung
Thai phụ bị vỡ tử cung khi xuất hiện một vết rách trên thành tử cung, vết rách này toạc qua các lớp của thành tử cung cho đến khi vỡ hoàn toàn. Khi tử cung bị vỡ, phần lớn thai nhi sẽ chết. Người mẹ trong trường hợp này cũng có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Vỡ tử cung thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ và cả thời kỳ mang thai. Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là do thai quá to, ngôi thai bất thường (ngôi ngang), đa thai hoặc từng có tổn thương tử cung (mổ lấy thai, nạo phá thai...). Trước khi vỡ tử cung sẽ có một giai đoạn dọa vỡ tử cung. Lúc này, việc phát hiện sớm và can thiệp đúng lúc sẽ ngăn chặn được nguy cơ vỡ tử cung nguy hiểm.
Triệu chứng nhận biết nguy cơ vỡ tử cung: cơn co thắt dồn dập làm cho sản phụ đau đớn vật vã, biểu hiện sốc (tái nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt, ngất), có thể ra máu âm đạo, mất tim thai...
Băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh (postpartum hemorrhage) là tình trạng mất máu tích lũy 1.000 ml hoặc mất máu do các dấu hiệu giảm thể tích máu trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Bác sĩ Mỹ Nhi dẫn nghiên cứu cho thấy, băng huyết sau sinh chiếm đến 35% trong tổng số nguyên nhân gây tử vong ở sản phụ trên toàn thế giới.
Tùy vào mức độ mất máu mà băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau như choáng (giảm thể tích tuần hoàn), suy thận, suy đa cơ quan và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, băng huyết sau sinh cũng là yếu tố gây ra hiện tượng nhiễm trùng hậu sản.
Về lâu dài, băng huyết sau sinh còn có thể gây ra hiện tượng thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên gây suy nhược, rụng tóc, vô kinh và mất sữa). Nguy hiểm nhất là trường hợp phải cắt tử cung, dẫn đến tình trạng không thể có thêm con.
Băng huyết sau sinh thường gặp ở những mẹ từng sinh nhiều lần, con to. Nạo thai quá nhiều và có vết mổ ở tử cung cũng là nguyên nhân dẫn tới biến chứng thai kỳ nguy hiểm này.
Những triệu chứng nhận biết nguy cơ băng huyết sau sinh gồm:
- Cơ thể mệt mỏi, tím tái, da xanh xao, khát nước, mạch đập nhanh và nhỏ, tụt huyết áp.
- Chân tay lạnh, vã mồ hôi. Âm đạo và khu vực gần đó sưng, đau, nếu chảy máu là do tụ máu.
- Ra máu ở nhiều mức độ và hình thái khác nhau.
- Chảy nhiều máu từ tử cung qua âm đạo ra ngoài. Một số trường hợp máu bị đọng lại trong buồng tử cung hoặc tạo thành các khối huyết tụ.
Tiền sản giật
Tiền sản giật là biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ trong 3 tháng cuối. Cụ thể, huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên cùng với đó là tình trạng xuất hiện protein trong nước tiểu, gây ra bởi sự tổn thương đến thận.
Tiền sản giật thường xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà giai đoạn này có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, tỷ lệ xảy ra cơn sản giật 50% trước đẻ, 25% trong đẻ, 25% sau đẻ và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não khiến sản phụ hôn mê sâu. Đối với bé, tiền sản giật có thể dẫn tới tình trạng sinh non, thai chậm tăng trưởng, thậm chí tử vong.
Hiện tại, nguyên nhân gây ra tiền sản giật vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những nhóm thai phụ sau đây sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn:
- Thai phụ mang đa thai.
- Thai phụ sinh con đầu lòng (con so).
- Mang thai khi tuổi đã cao (lớn hơn 40 tuổi).
- Tăng huyết áp trước tuần 20 (huyết áp mạn).
- Thai phụ có tiền căn đái tháo đường hoặc bệnh lý ở thận.
- Thai phụ từng bị tiền sản giật trước đây.
- Di truyền từ gia đình.
- Thai phụ bị thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ.
- Mẹ bị thừa cân béo phì trong khi mang thai.
Những dấu hiệu cho biết mẹ có nguy cơ cao bị tiền sản giật bao gồm nhiễm độc thai nghén nặng (phù, tăng huyết áp, protein niệu...)
Sinh non
Chuyển dạ sinh non là quá trình chuyển dạ bắt đầu trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh non có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bại não (thường kéo dài suốt đời), khiếm khuyết về nhận thức, có thể xuất hiện muộn khi đến tuổi trưởng thành.
Một số tình trạng làm tăng nguy cơ sinh non bao gồm:
- Thai phụ từng có tiền sử sinh con sớm.
- Khoảng cách giữa hai lần mang thai gần nhau.
- Từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung.
- Rối loạn khi mang thai: đa thai hoặc chảy máu âm đạo.
- Cổ tử cung ngắn.
- Thai phụ có thể trạng yếu như nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
- Trong quá trình mang thai, mẹ có lối sống không lành mạnh, ít vận động, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu).
Phòng ngừa tai biến sản khoa và sinh con an toàn
"Có rất nhiều thai phụ không hề xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tai biến xảy ra và hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ lẫn bé. Nếu đang hoặc chuẩn bị mang thai, bạn cần bảo vệ bản thân và thai nhi bằng cách tìm hiểu các dấu hiệu và biến chứng thai kỳ, đồng thời chọn cơ sở uy tín để được chăm sóc trước, trong và sau khi sinh đúng cách", Bác sĩ Mỹ Nhi nhấn mạnh.
Những hoạt động thai phụ cần lưu ý để phòng ngừa tai biến sản khoa:
- Khám thai định kỳ đầy đủ, đúng lịch; nhất là các mốc 11-13 tuần, 20-24 tuần, 30-32 tuần nhằm phát hiện và chẩn đoán sớm, nhằm can thiệp kịp thời.
- Thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm cần thiết để tầm soát dị tật thai và bất thường nếu có.
- Tiêm phòng uốn ván đầy đủ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết (sắt, canxi...).
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng, tập luyện và nghỉ ngơi khoa học.
- Ngay lập tức đến các cơ sở y tế khi gặp những dấu hiệu bất thường như: đau bụng, chảy máu âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở.
- Thực hiện chăm sóc kỹ lưỡng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (cả sinh thường và sinh mổ).
- Tránh chuyển dạ kéo dài.
- Từ bỏ các thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích...
Để theo dõi và chăm sóc sức khỏe thai kỳ toàn diện; hạn chế tối đa những ảnh hưởng nguy hiểm trong suốt thời gian mang thai và sinh con, bạn có thể đăng ký dịch vụ thai sản - sinh con trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bạn sẽ được các bác sĩ sản khoa tại đây trực tiếp thăm khám, theo dõi và chăm sóc sức khỏe toàn diện từ khi mang thai đến lúc sinh con.
Bên cạnh đó, Trung tâm sản phụ khoa còn sở hữu hệ thống trang thiết bị tiên tiến như máy siêu âm Voluson E10, hệ thống Laser Dornier, hệ thống nội soi Karl Storz (Đức),... sự kết hợp của nhiều chuyên khoa khác khác như Nhi, Sơ sinh, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm... hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe thai kỳ, đặc biệt là trường hợp nguy cơ cao.
Trung tâm sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn là một trong những nơi đi đầu trong các phương pháp tiên tiến như thăm khám, điều trị sàn chậu trong và sau sinh; đẻ không đau; da kề da; sàng lọc sơ sinh, trữ máu cuống rốn ...
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Hotline: 1800 6858
TP.HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Hotline: 028 7102 6789
Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Website: https://tamanhhospital.vn