Con nhà em sinh tháng 6/2019, hay bị xưng vùng cổ. Cháu đã mổ cắt rò khe mang một lần nhưng vẫn tái phát. Bé có cần thiết phải mổ lần hai không? Xin tư vấn từ bác sĩ.
Chào bạn!
Bệnh lý khe mang là bệnh lý phức tạp, liên quan giải phẫu của những cấu trúc vùng đầu cổ. Bệnh xuất phát từ sự phát triển không bình thường của bộ phận mang trong quá trình phát triển phôi thai, làm tồn tại những nang, xoang hay đường rò khe mang vùng đầu cổ (theo như bình thường phải đóng lại và thoái triển).
Biểu hiện của những bệnh lý này là những khối u vùng cổ bên hay lỗ rò vùng cổ và tai kèm theo nhiễm trùng tái phát nhiều lần. Bệnh có thể diễn tiến thành những đợt nhiễm trùng nặng, áp xe hóa vùng cổ hay lan xuống trung thất và có thể gây ra hậu quả nặng nề đối với trẻ. Ngoài ra, do giải phẫu phức tạp của vùng đầu mặt cổ nên phẫu thuật lấy đường rò gặp nhiều khó khăn, dễ dàng nhầm lẫn hay bỏ sót đường rò. Bạn nên cho bé đi khám lại để bác sĩ đánh giá tình trạng bé và có chỉ định phù hợp. Chúc bé khỏe. Trân trọng!
Bé nhà em hiện tại 7 tháng rưỡi, cân nặng 7kg rưỡi. Lúc 1 tháng rưỡi, bé bị viêm tiểu phế quản phải nhập viện dùng thuốc 7 ngày. Từ đó bé khò khè dù về nhà em vệ sinh mũi có bớt 1 thời gian. Hiện tại bé cũng ho khò khè uống thuốc không bớt, em phải cho nhập viện điều trị 4 ...
Chào bạn!
Cảm ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của bé và rất thông cảm với sự lo lắng của bạn. Bé đã nhập viện điều trị 4 ngày rồi xuất viện nhưng hiện tại bé vẫn còn ho. Bạn nên đưa bé trở lại bệnh viện khám để bác sĩ đánh giá tình trạng hiện tại của con bạn có cần phải dùng thuốc hay làm thêm xét nghiệm để kiểm tra hay không.
Vì con bạn đã có hai lần nhập viện vì ho khò khè, đừng nên chủ quan với tình trạng của bé. Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Sinh mổ lần ba cần lưu ý gì thưa bác sĩ? Nhờ tư vấn giúp em.
Chào chị,
Sinh mổ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ nhiều hơn so với sinh thường, đặc biệt, sinh mổ lần 2, lần 3 sẽ nguy hiểm hơn so với lần sinh mổ đầu tiên. Do đó, trong lần mang thai này cho đến lúc sinh, chị cần đi khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để được tư vấn và theo dõi chặt chẽ các nguy cơ của thai kỳ lần này bao gồm cả dấu hiệu chuyển dạ và các dấu hiệu bất thường như vỡ, nứt vết mổ cũ....
Chúc chị khỏe và vượt cạn bình an. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bé nhà em từ lúc sinh ra đến nay được 4 tháng 3 ngày 6 kg, nhưng luôn bị nghẹt mũi khô cả ngày lẫn đêm, lúc thông lúc nghẹt. Trước đó bé 12 ngày thì nhập viện do viêm phổi, bé bị nghẹt mũi ướt, khi bé đầy tháng bé hết viêm phổi thì bé nghẹt mũi khô đến giờ. Bé có bị trào ...
Chào bạn!
Nghẹt mũi là tình trạng một hoặc hai bên mũi bị nghẹt, gây khó thở hoặc không thở được. Các nguyên nhân hay gây nghẹt mũi ở trẻ:
- Thời tiết thay đổi: trẻ dễ bị cảm lạnh, gây nghẹt mũi, sổ mũi, bị nhiều hơn khi trời gần sáng, lúc nhiệt độ không khí giảm xuống.
- Môi trường sống thay đổi: Trẻ mới được đi học, tiếp xúc với môi trường lạ, trong đó có nhiều trẻ đang mắc bệnh cũng dễ khiến trẻ bị các vấn đề về hô hấp như tắc nghẽn mũi, ho, viêm họng, viêm phế quản.
- Viêm mũi dị ứng: trẻ bị viêm mũi dị ứng ngoài nghẹt mũi, còn có thể hắt hơi nhiều, chảy nước mũi, ngứa mắt.
Sau đây là những cách bạn có thể làm để giúp bé bớt nghẹt mũi:
- Xịt rửa mũi với nước muối sinh lý: xịt nước muối có thể giúp làm giảm tình trạng viêm mũi và nghẹt mũi hoặc rửa mũi bằng nước muối sinh lý cũng giúp làm sạch dịch nhầy trong mũi xoang, làm thông thoáng đường mũi để dễ thở hơn.
- Chườm nóng: bằng khăn ẩm có thể giúp làm giảm tình trạng nghẽn xoang cũng như cảm giác nặng ở mũi và mặt. Tuy nhiên, cần lưu ý là khăn ẩm không nên quá nóng sẽ gây bỏng da.
- Giữ ấm cho trẻ: luôn luôn giữ ấm cơ thể trẻ, nhất là khi trời chuyển mùa từ nóng sang lạnh, hoặc về đêm khi nhiệt độ giảm xuống đột ngột.
- Cho bé nằm gối cao: nếu trẻ bị nghẹt mũi, khi trẻ ngủ, nhất là ban đêm, cần kê đầu bé lên cao hơn bình thường hoặc để bé nằm nghiêng.
- Cho bé uống đủ nước: khi cung cấp đủ nước, dịch nhầy trong mũi cũng giảm độ đặc, dễ thoát ra, giảm áp lực lên xoang và giúp giảm viêm, giảm kích ứng.
Chúc bé khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Trân trọng!
Bé nhà mình sinh được một tháng và vặn mình rất nhiều. Mình vẫn hàng ngày cho cháu uống vitamin D. Tình trạng vặn mình sinh lý kéo dài khoảng bao lâu và có nguy hiểm không ạ?
Chào bạn,
Hiện tượng vặn mình có thể gặp ở đa số các bé sơ sinh, thường gặp ở bé 2 - 3 tuần tuổi và kéo dài trung bình đến 2 tháng tuổi, khoảng vào 3 - 4 tháng tuổi thì hiện tượng này sẽ hết hẳn. Hiện tượng vặn mình ở bé sơ sinh đa phần là sinh lý, nguyên nhân do các tế bào não ở trẻ sơ sinh chưa được biệt hóa hoàn toàn, đặc biệt là tế bào vỏ não và vùng dưới vỏ, nên khi có những kích thích ở môi trường vào, những tế bào xung động ở não lan tỏa vào khu cư trú làm cho bé có động tác gồng mình hoặc múa vờn.
Ngoài yếu tố sinh lý, bố mẹ cần phân biệt một số trường hợp do bệnh lý. Khi bé gồng mình do bệnh lý thường kèm theo một số dấu hiệu khác như bé nôn trớ, ộc ra sữa, đổ mồ hôi trộm, khóc thét... Hoặc bé có những biểu hiện của bệnh lý còi xương, thiếu vitamin A, hoặc bệnh lý đường tiêu hóa. Khi bố mẹ phân biệt được tình trạng do sinh lý hay bệnh lý thì sẽ có biện pháp điều trị và phòng tránh cho bé hiệu quả hơn.
Để phòng tránh cơn vặn mình hoặc rướn người ở bé, bố mẹ cần chú ý:
- Ánh sáng và tiếng ồn: Không để phòng của bé quá ồn, nên yên tĩnh.
- Nhiệt độ phòng: Nên để mức 25 - 26 độ.
- Nhiều bé trước khi ngủ chưa được ăn, khi bé ngủ mà đói sẽ thức giấc và ưỡn người.
- Nhiều em bé đi vệ sinh ra bỉm nhưng chưa được thay sớm cũng rất khó chịu.
- Việc quấn ổ, tã, chăn... cho bé không nên chặt quá.
- Nhiều bé có hiện tượng viêm da do tã, chăn không được vệ sinh sạch sẽ khiến bé ngứa, ưỡn người. Để phòng tránh điều đó, bố mẹ cần vệ sinh, giặt giũ chăn, khăn, đồ dùng bé sạch sẽ hàng ngày.
- Tư thế ngủ cho bé cần thoải mái, không để bé nằm ở những nơi không thoải mái, có thể dùng chặn để tạo cảm giác an toàn cho bé.
Trường hợp vặn mình do bệnh lý có thể phòng tránh bằng cách bổ sung thêm vitamin D, tắm nắng cho bé, bổ sung probiotic cho bé...
Những trường hợp bé vặn mình kèm theo khóc thét, đổ mồ hôi trộm hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác bố mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn chính xác.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Chào bác sĩ. Hiện em có bé trai được 2 tuổi mà cả hơn 1 tháng nay bị ho có đờm xanh và khò khè, tiền sử thì bé mắc bệnh suyễn nhũ nhi. Nhưng cứ ngưng kháng sinh là bé lại sốt 39 độ, và đi khám lại rồi bác sĩ cũng cho thuốc là cefixim, prednisolon, salbutamon, phun khí dung cứ lặp đi lặp ...
Chào bạn!
Có nhiều nguyên nhân gây ra trình trạng ho và khò khè ở trẻ 2 tuổi như suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, dị vật đường hô hấp.... Ở trường hợp của con bạn, bé có tiền sử mắc bệnh suyễn, một tháng nay bị ho, khò khè phải phun khí dung và dùng thuốc kháng viêm, bác sĩ nghĩ nhiều con bạn bị suyễn. Tuy nhiên bé có sốt và tình trạng bệnh lặp đi lặp lại, bác sĩ khuyên bạn nên cho cháu đi khám lại để tìm thêm các nguyên nhân bệnh phối hợp và có hướng điều trị phù hợp nhất cho bé.
Để kiểm soát bệnh suyễn tốt ngoài điều trị cắt cơn lúc bé ho, khò khè, thở mệt, còn có điều trị dự phòng nhằm hạn chế tối đa các đợt bé lên cơn khò khè, thở mệt, đảm bảo chất lượng sống cho bé. Khi được thăm khám, bác sĩ sẽ quyết định bé có cần điều trị dự phòng không và dùng thuốc gì. Nếu tìm được đúng nguyên nhân bệnh của bé và điều trị phù hợp, bác sĩ tin rằng tình trạng của bé sẽ cải thiện.
Thân chào bạn! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bé nhà em được sáu tháng tuổi, nặng 6,4 kg, cao 63 cm. Em đang tập cho bé ăn bột nhưng chưa hợp tác. Xin bác sĩ tư vấn giúp em về dinh dưỡng và thực đơn ăn hàng ngày cho bé. Chân thành cảm ơn.
Chào bạn!
Con bạn 6 tháng tuổi, nặng 6,4 kg, cao 63 cm. Bạn không nói rõ bé là con trai hay con gái. Thông thường ở mức 6 tháng tuổi, bé trai sẽ nặng trung bình là 7,9 kg và cao 67,6 cm. Còn đối với bé gái 6 tháng tuổi nặng 7,3 kg và cao 65,7 cm nên dù con bạn là trai hay gái thì bé cũng đang ở mức tiền suy dinh dưỡng.
Con bạn chưa hợp tác ăn dặm cũng là điều thường gặp do ở độ tuổi 5-6 tháng, bé vẫn còn đang quen với nguồn sữa mẹ nên sẽ không có gì lạ nếu bé chỉ ăn với những chế phẩm từ sữa. Mẹ hãy bắt đầu cho bé ăn với các bữa nhỏ, ít để bé làm quen không nên cho ăn quá sớm khiến bé bị nôn, trớ, chán ăn, hơn nữa là hoảng sợ khi thấy thức ăn.
Như đã nói ở trên con bạn đang ở mức tiền suy dinh dưỡng, bạn nên đưa con đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bé và đưa ra thực đơn phù hợp với bé. Chúc bé nhiều sức khỏe! Trân trọng!
Vợ tôi bị sinh non, bác sĩ tư vấn giúp tôi chăm trẻ sinh non cần lưu ý gì?
Chào bạn,
Việc chăm sóc bé sinh non sẽ có 2 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1 là khi em bé mới sinh ra cần hỗ trợ tại bệnh viện. Hiện tại, khoa Sơ sinh BVĐK Tâm Anh đã có đủ trang thiết bị và máy móc tốt nhất, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, do đó bố mẹ hoàn toàn an tâm vào thời điểm bé được chăm sóc tại bệnh viện.
- Sau khi ra viện, việc chăm sóc em bé sơ sinh đặc biệt là bé sinh non bố mẹ cần lưu ý một số đặc điểm rất quan trọng, giúp bé phát triển tốt sau khi ra viện.
Đầu tiên, bố mẹ cần lưu tâm về mặt dinh dưỡng cho bé sinh non. Cũng như những bé đủ tháng, chúng ta cần trân trọng nguồn sữa mẹ dành cho bé sinh non. Trường hợp bé sinh non bú sữa mẹ mà tăng cân một cách bình thường thì không cần bổ sung thêm sữa công thức, còn trường hợp bé sinh non bú sữa mẹ nhưng không tăng cân hoặc sữa mẹ không đủ thì mới cần bổ sung thêm sữa công thức cho bé. Việc dùng sữa công thức cho bé sinh non cũng cần chú ý lựa chọn sữa phù hợp, bố mẹ cần tham khảo tư vấn của bác sĩ sơ sinh hoặc bác sĩ dinh dưỡng để có lựa chọn chính xác.
Thêm vào đó, bé sinh non sau khi ra viện cần được bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất, khi ra viện bố mẹ sẽ được hướng dẫn cách sử dụng các loại thuốc bổ sung cho đến thời điểm mà bác sĩ chỉ định.
Vấn đề quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà là cần quan tâm bảo vệ thần kinh cho bé, bé vẫn sẽ tiếp tục phát triển về mặt trí tuệ sau này. Trước đây, tỷ lệ bại não do sinh non rất cao. Hiện tại, với những tiến bộ trong chăm sóc và bảo vệ thần kinh tại khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh rất tốt, bé sinh non được chăm sóc tốt nhất, không để lại di chứng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngoài công sức của bác sĩ thì vai trò của gia đình cũng rất quan trọng.
Bố mẹ cần bảo vệ giấc ngủ cho bé, bởi bé sinh non ngủ ngon, đủ giấc mới đảm bảo phát triển trí tuệ. Tiếp theo, bố mẹ cần lưu ý về mặt tiêm chủng cho con. Các bé sinh non vẫn được tiêm chủng đúng lịch theo lịch tiêm chủng mở rộng của nhà nước. Bên cạnh đó, bố mẹ cần đưa bé sinh non đi thăm khám sức khỏe định kỳ đúng hẹn, phòng tránh và ngăn ngừa các biến chứng mà bé sinh non có thể gặp phải như võng mạc, giảm thị lực, giảm thính lực...
Bố mẹ có thể đưa bé sinh non đến những trung tâm chuyên môn để sàng lọc thính lực của trẻ sinh non. Hiện tại, khoa Sơ sinh BVĐK Tâm Anh đã có thể sàng lọc được tất cả các nguy cơ của trẻ sinh non, bố mẹ có thể đưa bé đến để được các bác sĩ thăm khám, sàng lọc và phát hiện sớm các bất thường để có can thiệp kịp thời.
Chúc gia đình bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bé nhà em sinh ngày 4/3/2021, có bị cái bớt ở ngay ngực, bớt màu đỏ phồng lên. Bé như vậy có sao không thưa bác sĩ? Nhờ bác sĩ tư vấn.
Chào bạn!
Bé con bạn sinh ngày 4 tháng 3, bạn không nói năm nào, nhưng tôi đoán có lẽ bé chỉ mới hơn một tháng tuổi. Bớt màu đỏ phồng lên (có lẽ ở trên da của bé) nhiều khả năng là bướu máu.
Bướu máu là một vết bớt màu đỏ tươi xuất hiện khi mới sinh hoặc trong tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai sau khi bé chào đời, được tạo thành từ các mạch máu phụ trên da. Bướu máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là xuất hiện trên mặt, da đầu, ngực hoặc lưng. Thường không cần điều trị bướu máu ở trẻ sơ sinh vì thường bướu phát triển nhanh chóng, nhanh nhất trong 5-7 tuần đầu tiên sau sinh, sau đó nhỏ dần và mờ đi.
Một bé bị u máu khi còn nhỏ thường sẽ biến mất ở tuổi lên 10. Chỉ cần điều trị bướu máu nếu việc nhìn, thở hoặc các chức năng quan trọng khác bị ảnh hưởng. Một số trường hợp do vấn đề thẩm mỹ, bác sĩ cũng cân nhắc việc điều trị cho bé.
Vì không có đầy đủ thông tin của bé nên tốt nhất bạn nên cho bé đến thăm khám tại các bệnh viện nhi hoặc khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ sẽ thăm khám và tư vấn cho bạn cụ thể hơn về vấn đề của bé.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng!
Em chào bác sĩ, bé trai con em nay được 5 tháng rưỡi. Lúc mới sinh, môi em bình thường; nhưng 1 tuần sau sinh em phát hiện có bớt đỏ lan ra tới môi. Đi khám bác sĩ bảo bướu máu. Mới đầu bác sĩ cho thuốc xức timolol, xức hơn một tháng thì bị loét, bác sĩ chuyển qua uống thuốc propranolol. Từ ...
Chào bạn!
Thông tin bạn cung cấp chưa đủ để bác sĩ có hướng chẩn đoán bớt đỏ của con bạn thuộc dạng gì. Tuy nhiên dựa vào chẩn đoán và điều trị của bác sĩ đã thăm khám cho bé, có khả năng bé bị bướu máu.
Bướu máu là một tập hợp các mạch máu thừa. Đây là một trong những vấn đề về da thường gặp nhất ở trẻ dưới một tuổi. Bướu máu có thể không có ngay lúc mới sinh mà thường xuất hiện trong khoảng 2 tháng đầu sau sinh và có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Bướu máu có thể bị lở loét hoặc chảy máu, thậm chí cho dù vùng đó không bị chấn thương.
Bướu máu thường không gây đau đớn cho bé trừ khi chỗ đó bị lở loét. Nguyên nhân gây lở loét có thể là bướu máu phát triển quá nhanh hoặc bướu máu nằm ở vùng da thường bị cọ sát. Đối với bướu máu nhỏ và nông, có thể bôi gel chứa thuốc lên vùng da bị ảnh hưởng.
Bướu máu nặng có thể được điều trị bằng thuốc uống, thường cần tiếp tục điều trị cho đến khi trẻ được một tuổi. Trong thời gian điều trị, bé cần được tái khám và theo dõi diễn tiến của bướu máu cũng như tác dụng phụ của thuốc. Đa số bướu máu sẽ dần mất đi khi bé được 5 tuổi và hầu hết biến mất vào tuổi lên 10 nhưng vùng da đó có thể không hoàn toàn bình thường trở lại: da có thể hơi đổi màu hoặc hơi gồ lên sau khi u máu biến mất.
Riêng việc bé bị thiếu khớp xương ở ngón cái cả hai bàn tay, bạn có thể đến khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi có các chuyên gia chấn thương chỉnh hình có thể khám và tư vấn cho bạn về tình trạng của cháu. Trân trọng!
Con trai em được 4 tháng 10 ngày, nặng 6,8 kg. Mới sinh bé được 3,5 kg và dài 63 cm. Bé bú mẹ hoàn toàn, bé rất lười bú,
bú mẹ được 5 phút là quay đầu ra. Em đã cho uống men vi sinh và kẽm nhưng chưa thấy hiệu quả. Hàng ngày cháu có uống D3, K2. Em thấy cháu hơi nhỏ, ...
Chào bạn!
Bé trai lúc mới sinh được 3,5kg, bú mẹ hoàn toàn là rất tốt, bạn nên duy trì. Hiện tại, bé 4 tháng 10 ngày, nặng 6,8 kg, theo bác sĩ cân nặng này là chấp nhận được (so với chuẩn trung bình là > 7 kg) ở tháng tuổi này.
Điều bạn lo lắng là bé lười bú. Có nhiều nguyên nhân gây lười bú:
- Tư thế bú không đúng sẽ làm cho bé khó chịu (mẹ ẵm bé không phù hợp, cách ngậm bắt núm vú của bé chưa đúng).
- Ti của mẹ bị thụt sâu hoặc quá to so với miệng bé.
- Sữa của mẹ xuống quá nhiều làm bé ngợp hoặc quá ít làm bé lười bú.
- Sữa mẹ có vị lạ: mẹ ăn thức ăn có chứa quá nhiều gia vị, quá cay hoặc quá chua cũng có thể làm ảnh hưởng đến mùi vị sữa mà bé bú.
- Sức khỏe bé có vấn đề: Khi bé đang gặp phải các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa hoặc tai mũi họng sẽ làm bé lười bú. Ngoài ra, bé cũng có thể không lười bú, mà do lực bú của bé mạnh, trong vòng 5 phút bé đã bú đủ lượng sữa bé cần.
Bạn nên kiểm tra những dấu hiệu sau cho thấy bé no sau mỗi cữ bú: bé ngủ ngon, vui vẻ, tay chân thả lỏng (bé đói sẽ cáu gắt), tiểu nhiều lần, đi ngoài phân tốt và quan trọng là bé tăng cân. Trên đây là một số chia sẻ của bác sĩ, tuy nhiên bạn nên cho bé đi khám chuyên khoa để bé được đánh giá toàn diện. Thân mến!
Con em năm nay 4 tuổi, cháu có tiền sử sốt co giật và đã bị 3 lần, nên gia đình rất lo lắng. Xin hỏi bác sĩ! Cháu có bị ảnh hưởng gì sau này không ạ và có nên đưa cháu đi khám tổng quát hay gì không ạ? Xin cảm ơn!
Chào bạn!
Sốt co giật là những cơn co giật xảy ra ở trẻ nhỏ và được kích hoạt bởi cơn sốt. Trẻ nhỏ trong độ tuổi từ khoảng 6 tháng đến 5 tuổi là đối tượng dễ bị co giật do sốt nhất; nguy cơ này cao nhất ở trẻ từ 1 đến 2 tuổi. Trẻ có nguy cơ sốt co giật nếu trong gia đình có ba, mẹ, anh, chị... đã từng bị sốt co giật.
Cơn co giật ở trẻ bị sốt cao co giật thường ngắn, kéo dài vài giây đến tối đa là 15 phút, trẻ co giật toàn thân, sau cơn giật trẻ hơi buồn ngủ chút nhưng sau đó hoàn toàn tỉnh táo, không có yếu chân tay sau cơn giật. Sốt cao co giật được xem là co giật lành tính vì sẽ hết khi trẻ được 6 tuổi và không để lại di chứng. Trẻ vẫn phát triển, sinh hoạt, học tập bình thường như những trẻ khác.
Bạn nên đưa bé đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Nhi để bé được thăm khám và loại trừ các nguyên nhân gây co giật khác cần phải điều trị. Thân mến!
Con em được 30 tháng tuổi. Từ khi sinh đến giờ da lành lặn, không một vết trầy xước trên da. 1-2 tháng gần đây bé hay gãi phần da chân, da tay nên hình thành các vết trầy, bị thâm và có mày. Đồng thời, 1-2 tháng gần đây, trên mặt bé xuất hiện một nốt ruồi màu nâu, đều màu, bờ đều hình ...
Chào bạn,
Theo như thông tin bạn cung cấp, thì con bạn có khả năng bị một dị ứng nào đó chưa rõ nguyên nhân, hoặc có thể bé đang bị viêm da cơ địa. Cả hai tình trạng này đều gây ngứa cho con, và cần phải đi đến bác sĩ chuyên khoa để con được thăm khám và tầm soát bệnh. Ngoài ra, bác sĩ tại bệnh viện cũng sẽ hướng dẫn cụ thể để làm sao giảm ngứa, vả hạn chế biến chứng sẹo xấu trên da của con.
Về vấn đề nốt rùi lớn nhanh như bạn mô tả, bác sĩ khuyên nên đưa con đi thăm khám đúng chuyên khoa da liễu để xe đây là nốt rùi lành hay ác. Từ đó có cách can thiệp kịp thời cho con.
Chúng tôi cảm ơn bạn vì đã tin tưởng bệnh viện Tâm Anh. Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bác sĩ tư vấn giúp trường hợp bé hay bị viêm phổi, viêm thanh quản và viêm họng thì làm cách nào để hạn chế bị bệnh này?
Chào bạn,
Viêm phổi, viêm thanh quản, viêm họng là những bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ. Có 3 cách để giúp cho con phòng được bệnh lý đường hô hấp như sau:
- Tiêm chủng mở rộng đúng và đủ theo lịch: hiện tại, có một số bệnh lý đường hô hấp có thể điều trị bằng vacxin như ho gà, Haemophilus influenzae tuýp b, phế cầu, cúm và sởi. Trẻ từ 2 tháng trở lên được khuyến khích chích ngừa phế cầu Haemophilus influenzae và ho gà. Từ 6 tháng trở lên, trẻ được khuyến khích chích ngừa cúm. Trên 9 tháng, trẻ khuyến khích được chích ngừa sởi.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con. Đối với trẻ dưới 6 tháng, bạn cố gắng duy trì nguồn sữa mẹ cho bé. Vì trẻ dưới 6 tháng khi được bú sữa mẹ sẽ nhận được miễn dịch thụ động từ mẹ truyền qua con thông qua sữa. Đây là nguồn thuốc vô giá với khi em bé bị bệnh, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp. Đối với trẻ trên 6 tháng và bắt đầu ăn dặm, bạn nên chú ý cho bé ăn đầy đủ chất và lượng. Cho bé tập trung ăn rau, củ, quả. Đặc biệt là trái cây có múi, nhiều vitamin C. Cho bé ăn thịt, cá để tăng cường đạm. Bên cạnh đó, trẻ phải được ngủ đủ giấc và đúng giờ thì để phát triển toàn diện hơn.
- Hạn chế cho con nhỏ tiếp xúc nguồn lây: để phòng tránh các bệnh đường hô hấp, phụ huynh cần để con tránh xa nguồn lây tối đa có thể. Vì đa số các bệnh lý mà lây qua đường hô hấp như viêm phổi, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm họng trẻ có thể bị nhiễm khi tiếp xúc từ cộng đồng, từ những người lớn xung quanh bị bệnh ho, cảm, sổ mũi. Hoặc khi đi học với các bạn đồng trang lứa bị bệnh, trẻ cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt, phải giữ vệ sinh sạch sẽ đôi tay của con và người chăm sóc con để hạn chế tối đa nguồn mang vi trùng.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bé nhà em được 4 tuổi. Từ lúc sinh ra có vệt lớn trắng da, phần da đó trắng hơn so với làn da ngăm đen. Xin hỏi bác sĩ, bé bị bệnh gì ạ? Em xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn!
Xin cảm ơn những thông tin bạn đã chia sẻ. Bạn không nói rõ về tình trạng da của bé nên bác sĩ không thể tư vấn cụ thể được. Bác sĩ cần biết thêm thông tin như hình dạng của sang thương, màu sắc có đồng nhất hay đậm nhạt khác nhau, có viền đỏ xung quanh, bề mặt láng hay gồ, diện tích có lan dần theo thời gian không, xuất hiện một vùng hay nhiều vùng trên cơ thể, có đối xứng 2 bên không, vùng da có tiếp xúc với ánh nắng không.
Có thể vùng da trắng của bé xuất hiện là do mất sắc tố melanin gây ra và có thể là do những nguyên nhân sau: bệnh bạch tạng, bệnh bạch biến hay mất sắc tố sau viêm. Để chẩn đoán chính xác bạn cần đưa bé đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để làm rõ nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp. Trân trọng!
Con tôi tháng 5 này 3 tuổi, bé đi học thường xuyên bị sổ mũi, ho và được chuẩn đoán viêm họng, viêm tiểu phế quản hay viêm phế quản cấp với tần suất cao (khoảng 1 tuần đến 10 ngày sẽ bệnh lại, mỗi lần bệnh sẽ sốt cao, lạnh bàn tay bàn chân nồi da gà và run cầm cập, và ho sổ ...
Chào bạn!
Nguyên nhân bệnh tái phát nhiều lần là do bé đang ở trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch (giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi). Theo đó, từ 6 tháng tuổi, lượng kháng thể trong máu của bé được truyền từ mẹ truyền trong thai kỳ đã bắt đầu giảm xuống, trong khi cơ thể bé chưa đủ khả năng tạo kháng thể một cách đầy đủ. Ngoài ra, có rất nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau và mỗi đợt bệnh bé có thể mắc một loại siêu vi hoặc vi trùng khác nhau. Bên cạnh đó, nếu đã đi học, bé sẽ tiếp xúc với nhiều bạn bị bệnh tương tự và có nhiều khả năng bị lây bệnh.
Để tăng cường sức đề kháng, miễn dịch cho hệ hô hấp, hạn chế mắc bệnh đường hô hấp cho trẻ lúc giao mùa bạn cần chú ý:
- Giữ ấm cho bé: Khi thời tiết trở lạnh, nếu đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, bố mẹ cần giữu ấm cho trẻ, đặc biệt là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Lưu ý, không nên để bé bị thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như từ nóng sang lạnh hoặc từ phòng máy lạnh ra ngoài thời tiết quá nóng.
- Vệ sinh thân thể cho bé: Rửa tay cho bé, hướng dẫn bé rửa tay trước khi ăn và sau mỗi lần đi vệ sinh, vệ sinh răng miệng, mũi họng cho bé. Ngoài ra, bạn cần chú ý rèn luyện ý thức vệ sinh cá nhân để bé tự biết cách bảo vệ, chăm sóc bản thân.
- Vệ sinh môi trường xung quanh như giường ngủ, phòng vệ sinh... và các đồ dùng thường nhật.
- Bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn vì ngoài thành phần dinh dưỡng phù hợp với trẻ nhỏ, trong sữa mẹ còn có những kháng thể giúp trẻ có khả năng chống lại bệnh tật. Nếu không có điều kiện, mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa ít nhất trong 2-3 tháng đầu để củng cố hệ miễn dịch cho trẻ.
Với bé lớn, chế độ dinh dưỡng hợp lý (thực phẩm đa dạng) có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh bữa chính, bạn nên cho bé ăn thêm các loại trái cây giàu sinh tố như đu đủ, dâu tây, cam... Có thể ăn trực tiếp hoặc ép lấy lấy nước.
- Tiêm vaccine: Ngoài các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia, bạn nên bổ sung thêm vaccine phòng bệnh do phế cầu và vaccine phòng bệnh cúm cho bé để ngăn ngừa bệnh hô hấp.
Hy vọng các thông tin trên giúp bé có sức đề kháng tốt để chống lại bệnh tật. Chúc bé khỏe mạnh!
Bé nhà em 4 tháng bị viêm da cơ địa, đã đi khám nhiều nơi, cũng bôi nhiều loại thuốc đều không khỏi. Theo em tìm hiểu thì đó đều là thuốc có thành phần cortiion nhưng không sử dụng thì tầm hai ngày cháu lại bị lại, mà sử dụng lại thuốc thì không hiệu quả như lúc đầu nữa, mong bác sĩ tư ...
Chào bạn,
Viêm da cơ địa là bệnh lý da thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi nhỏ. Bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm cho trẻ ngứa ngáy rất khó chịu. Viêm da cơ địa là một bệnh lý mãn tính, nên hiện tại không có biện pháp điều trị đặc hiệu nào giúp bé khỏi bệnh. Tuy nhiên, với liệu trình điều trị đúng của bác sĩ và sự tuân thủ điều trị của người nhà có thể giúp bé hạn được chế tối đa những biến chứng như: nhiễm trùng da, sẹo xấu trên da. Bác sĩ sẽ tập trung vào dưỡng ẩm da để giúp làm giảm khô da cho bé. Trong giai đoạn da bị viêm cấp như da đỏ, mụn nước và khô da thì bác sĩ sẽ điều trị cho bé bằng loại corticoid thoa da. Mỗi vùng da khác nhau sẽ được bác sĩ kê một loại corticoid khác nhau.
Ngoài ra, tùy theo tình trạng da bé sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ quyết định dùng thuốc giảm ngứa dạng thoa, dạng uống hay kháng sinh. Đối với tình trạng da của con bạn, dù đã thoa corticoid được vài ngày nhưng dùng lại thì không thấy hiệu quả. Bạn nên cho bé đi thăm khám để bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc phù hợp hơn cho bé.
Về chăm sóc em bé bị viêm da cơ địa, phụ huynh cần chú ý tắm cho bé với nhiệt độ ấm, phù hợp và không tắm quá lâu. Sau khi tắm, nên thấm khô da chứ không nên lau khô hoặc chà xát da quá mạnh. Chú ý thoa liền kem dưỡng ẩm mà bác sĩ đã kê ít nhất 2 lần/ ngày để giúp duy trì dưỡng ẩm cho làn da. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tránh những yếu tố có thể bùng phát lên bệnh của bé như bé vui chơi làm chảy mồ hôi nhiều, bé chà xát quá mạnh hoặc bị nhiễm trùng như viêm họng, viêm phế quản cũng là yếu tố kích thích lên bé một đợt viêm da cơ địa.
Chúng tôi cảm ơn bạn vì đã tin tưởng bệnh viện Tâm Anh. Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Bé nhà em được 3 tháng tuổi, có hiện tượng ho và ngủ giật mình khóc thét lên, đã đưa đi khám ở phòng khám chuyên khoa nhi những vẫn chưa giảm, bác sĩ kê cho uống siro ho và hút đờm, có tái khám cũng làm y cũ đến nay hơn 2 tuần vẫn còn thỉnh thoảng ho không hết hẳn, ngủ thì vẫn ...
Chào bạn,
Hiện tượng bé sơ sinh ngủ và hay giựt mình khóc thét trong đêm là trường hợp thường gặp đối với trẻ trong 3 tháng đầu đời. Vì thứ nhất, bé chưa quen với môi trường sống bên ngoài. Thứ hai, giấc ngủ của trẻ 3 tháng bị chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài. Một số nguyên nhân thường gặp như sau:
- Trẻ bị đói: độ tuổi của bé càng nhỏ, thì khả năng đói bụng làm bé khóc thét trong đêm càng cao.
- Nhu động ruột của bé: hệ tiêu hóa của bé chưa ổn định, nhu động ruột tăng cao khiến bé bị đau bụng dẫn tới hiện tượng đang ngủ khóc thét lên. Nếu do nguyên nhân này, thì cơn của bé sẽ kéo dài từ 5 phút đến nửa tiếng và lặp lại mỗi ngày nhưng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe bé. Sau khi khóc xong, bé vẫn bú và ngủ lại được bình thường.
- Ảnh hưởng từ điều kiện bên ngoài: phòng ngủ của bé có quá nóng hay quá lạnh hay không; có nhiều tiếng ồn hay không; ánh sáng trong phòng có phù hợp hay không.
Bên cạnh đó, việc bé mặc tả quá chật, hoặc tả ướt, bẩn cũng làm cho bé khó chịu và quấy khóc trong đêm. Nếu hiện tượng này kéo dài và không có chiều hướng thuyên giảm, bạn nên đưa con đến khám ở bênh viện chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám kịp thời và tìm ra nguyên nhân chính xác.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Cho em hỏi, cha mẹ chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng như thế nào để không lây sang trẻ khác sống chung nhà khi phải chăm sóc cùng lúc cả 2 trẻ?
Chào bạn,
Tay chân miệng là bệnh lây nhiễm từ người sang người, dễ lây lan thành dịch bệnh chủ yếu do nhóm virus đường ruột gây ra. Bệnh lấy chủ yếu từ đường tiêu hóa. Theo đó, trẻ sẽ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nước bọt, bóng nước hoặc phân của trẻ bị nhiễm bệnh. Khi trong một gia đình có bé bị tay chân miệng, những trẻ sống chung sẽ có khả năng lây rất cao.
Để hạn chế tối đa tình trạng lây lan này, bạn cần chú ý những điều sau:
- Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ còn lại đang sống chung trong một gia đình.
- Người lớn khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng phải đeo khẩu trang cho cả mình và trẻ. Sau khi chăm sóc xong thì phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Quần áo của trẻ bị tay chân miệng phải được giặt riêng. Nếu được, nên luộc bằng nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng và nước sạch.
- Những đồ vật dùng chung như đồ chơi, bình sữa, ly, chén của trẻ bị tay chân miệng phải dùng riêng với những trẻ khác. Đồng thời phải được làm sạch bằng xà phòng và nước sạch.
- Vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bị tay chân miệng mỗi ngày.
Như đã nói, bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất cao. Dù đã thực hiện đầy đủ các cách để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm, nhưng phụ huynh cũng phải thường xuyên quan sát, theo dõi những trẻ chưa bị bệnh mỗi ngày. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như sốt, đau miệng, bỏ ăn, nổi ban tay chân thì phải đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám ngay.
Chúc bạn và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!
Cháu đầu nhà em sinh năm 2014, khi hơn hai tuổi, bé được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ. Sau một thời gian can thiệp và khám lại, hiện bé được chẩn đoán tăng động giảm chú ý. Bé sáu tuổi và đi học lớp một bình thường.
Năm 2017, 2019, em có mang thai hai lần nhưng đều bị lưu không rõ ...
Chào bạn,
Rối loạn tự kỷ không phải một bệnh lý di truyền. Nó liên quan đến rất nhiều yếu tố như: tâm lý người mẹ (mẹ lao động vất vả khi mang thai, căng thẳng, lo lắng, bị bạo lực gia đình...), mẹ từng sử dụng thuốc trị trầm cảm trước đây, trẻ không được tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, trẻ xem các thiết bị điện tử quá nhiều...
Nguyên nhân thai lưu như bạn mô tả không liên quan gì đến việc em bé đầu bị tự kỷ. Tốt nhất vợ chồng bạn nên đến bệnh viện kiểm tra xem sức khỏe của mình như thế nào, có mang bệnh lý gì không, chất lượng tinh trùng và trứng có tốt không... để xác định nguyên nhân dẫn tới thai lưu. Còn em bé sinh sau thì nếu bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, tinh thần ổn định, em bé ra đời được chăm sóc tốt thì trẻ sẽ không gặp phải tình trạng như bé đầu.
Trong lúc mang thai, bạn cố gắng cho em bé nghe nhạc, nhạc giao hưởng chẳng hạn, để kích thích phát triển trí não thai nhi. Khi nghe nhạc, cơ thể người mẹ cũng sẽ sản xuất ra các loại nội tiết tố, những nội tiết tố ấy theo máu mẹ đi vào cơ thể thai nhi, sản xuất ra những nội tiết tố về thần kinh tốt cho sự phát triển của em bé. Cố gắng cho hai mẹ con nghe nhạc ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!