VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ ba, 17/12/2024

Vợ tôi năm nay 40 tuổi, từng bị thoát vị đĩa đệm ở lưng, đã sinh mổ hai lần. Giờ lại có bầu bé thứ 3 được hơn 4 tháng, vợ tôi cảm thấy đau và tê một bên hông trái (hay phải) có hiện tượng bị chuột rút chân, đi lại khó khăn. Tôi xin các bác sĩ tư vấn giúp, có phải vợ ...

khuong.thang83, 38 tuổi, Liên Hoa, Đông Hưng, Thái Bình

THS.BS Đinh Thị Hiền Lê

Chào bạn,

Mang thai em bé lần thứ 3 khi ở độ tuổi 40, đặc biệt là mổ đẻ rất ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, nếu trước khi mang thai được chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm thì vợ bạn có thể kết hợp với các bác sĩ đã từng chẩn đoán trước đó xem tình trạng bệnh của cô ấy có nặng lên không. Vì khi mang thai nếu thai to lên sẽ làm thay đổi trục xương sống, làm cho người mẹ ngay cả khi bản thân chưa bị thoát vị đĩa đệm trệ cũng sẽ có triệu chứng đau lưng.

Về tình trạng đôi khi bị chuột rút, ngay từ khi thăm khám, các mẹ bầu đã được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao để giảm bớt tình trạng đó. Hiện tượng chuột rút vào ban đêm chưa chắc là dấu hiệu của thiếu canxi vì ban đêm có thể là thở nong.

Do đó, ngoài việc bổ sung các viên vitamin tổng hợp bổ sung đầy đủ các khoáng chất như canxi, sắt, acid folic và DHA, nếu ban đêm vợ bạn vẫn bị chuột rút thì cách tốt nhất các bác sĩ hay tư vấn là cô ấy nên nằm im và hít sâu, thở đều ra vài cái. Nhờ cách này, hiện tượng chuột rút có thể giảm đi rất nhiều.

Chúc gia đình bạn và gia đình sức khỏe. Trân trọng!

Thoát vị địa đệm
 
 

Tôi đang mang thai lần đầu, đến tuần thứ 15 thì bị cúm (ban đầu sáng ngủ dậy thấy đau họng rồi chiều chuyển cúm) trong khoảng thời gian 10 ngày, triệu trứng gồm đau đầu, gai người, hơi mệt trong khoảng 3 ngày đầu. Tôi đã đi khám nhưng nhận thấy không có kết quả gì bởi bác sĩ cũng không tư vấn nhiều, ...

Minh Thịnh, 27 tuổi, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào bạn, giai đoạn 15 tuần, cơ quan bộ phận cũng đã hình thành, tuy nhiên theo như bạn chia sẻ đã được làm các test cúm A, B. Cúm A, B là cúm mùa và ở tuổi thai 15 tuần cũng không gây ảnh hưởng gì đến em bé. Tuy nhiên, tỷ lệ dị tật chung cho phụ nữ mang thai bình thưởng cũng đã 4,5-5/1000 cho nên cũng không loại trừ những dị tật do không phải cúm.

Như vậy, thăm khám thai định kỳ cũng như sàng lọc vào các thời điểm bạn cần tuân thủ theo lịch hẹn của bác sĩ. Từ đó, bác sĩ sẽ có những chỉ định thích hợp. Ví dụ vào lúc 12 tuần, bạn làm sàng lọc, đo độ mờ da gáy, siêu âm phát hiện dị tật thai lúc sớm hoặc làm double test, đến tuần 22 tiếp tục mình làm khảo sát.

Trong quá trình mang thai, ở tuần 12 thai nhỏ có thể chưa phát hiện được những dị tật khó phát hiện. Tuổi thai càng lớn càng dễ phát hiện được các dị tật, lúc đó bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên cụ thể ở mỗi trường hợp, mỗi giai đoạn.

Chúc bạn và bé sức khỏe. Trân trọng.

Cúm
 
 

Em từng có tiền sử hai lần mang thai bị phù nhau thai, lưu thai (đã loại trừ nguyên nhân thalassemia). Vậy có cách nào để phòng ngừa phù nhau thai trong lần mang thai tiếp theo không ạ? Trước khi mang thai, em cần làm những loại xét nghiệm nào để có sự chuẩn bị tốt nhất?

Phạm Hằng Nga, 26 tuổi, Huế

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào em,

Phù nhau thai là một bệnh lý của thai nhi và nhau thai có thể bị tràn dịch do nhau thai phù rất to hay tràn dịch ở một trong những cơ quan của bộ phận cộng với cả phù thai. Theo em nói đã loại trừ được nguyên nhân thalassemia có thể gây ra phù thai nhau, tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân ví dụ như các loại virus cytomegalovirus, toxoplasma... bị thiếu máu hay các bệnh khác như tan huyết, hoặc bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, đặc biệt là nhóm máu Rh âm tức mẹ Rh âm, con Rh dương sẽ gây ra hiện tượng phù thai rau.

Em đã có tiền sử bị hai lần trước khi mang thai. Lần này, em có thể đi thăm khám về chuyên khoa sản, các bác sĩ sẽ trao đổi và chỉ định làm một số xét nghiệm về nhiễm virus.

Chúc em và gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Tan máu bẩm sinh phù thai
 
 

Em 38 tuổi, đang mang thai đôi 15 tuần, 2 rau, 2 buồng ối. Em cũng đã có 1 bé 22 tháng, sinh mổ, nay em siêu âm bác sĩ bảo 1 thai bình thường, 1 thai bám màng ( hai bám màng rất lo). Xin bác cho em lời khuyên thai bám màng có nguy hiểm không? Khi thai lớn thì thai có chuyển ...

Dao Phan, 38 tuổi, TP Việt Trì

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào em,

Kết quả trên siêu âm của em là 2 buồng ối, 2 bánh rau mà hội chứng truyền máu chỉ xảy ra trong trường hợp có một bánh rau tức là 2 em bé chung nhau một noãn. Hai em bé có thể chia nhau 10% thì cũng không đáng ngại.

Em cần đi thăm khám để các bác sĩ theo dõi và tư vấn cho em, trong trường hợp nào có thể có vấn đề phát sinh cũng giống như những thai bình thường. Tuy nhiên với 15 tuần, 2 thai và em mới mổ đẻ 22 tháng thì việc giữ 2 thai đấy cũng khá khó khăn. Bởi vì thai to trên một người có vết mổ cũ sẽ khó khăn và có nhiều nguy cơ đặc biệt dọa đẻ non ở song thai. Nếu sinh non thì nuôi giữ em bé cũng sẽ rất khó khăn.

Cảm ơn bạn vì đã tin tưởng bệnh viện Tâm Anh. Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, em có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Rau trung tâm
 
 

Thai nhi bị thoát vị hoành bên phải, gan chèn ép phổi và bị tràn dịch phổi. Vậy em phải làm gì trước và sau sinh? Sinh con ở bệnh viện nào thì trị được bệnh này ạ?

Nguyễn Thị Lợi, 33 tuổi, Phúc Thắng, Phúc Yên, Vĩnh Phúc

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào em,

Trường hợp của em bị dị tật thoát vị hoành và được phát hiện khá sớm, tuy nhiên tiên lượng của thoát vị hoành này phụ thuộc rất nhiều vào những cơ quan tạng nằm lên trong bụng. Nếu thoát vị hoành chỉ có ruột non, tiên lượng sẽ nhẹ nhàng hơn. Nếu có ruột non còn thêm gan, dạ dày, ruột non nữa thì rất nặng.

Ở Bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi cũng có chẩn đoán trước sinh tuy nhiên đối với những dị tật này có thể theo dõi. Đối với thoạt vị hoành đơn thuần em bé có thể giữ được đến đủ tháng, sau khi sinh nếu điều kiện sức khỏe bé cho phép có thể mổ đóng lỗ thoát vị vào để cứu sống em bé.

Chúc bạn cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Thoát vị hoành
 
 

Em vừa phải đình chỉ thai kỳ tuần 20 vì dị tật bẩm sinh (hội chứng down). Vậy có cách nào để sàng lọc trước sinh để tránh vấn đề này vào lần mang bầu tiếp theo không?
Em cảm ơn bác sĩ.

Hạnh, 31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào bạn,

Bạn đã từng dừng thai kỳ một lần không có nghĩa lần mang thai tới thai kỳ vẫn mắc hội chứng Down vì hội chứng này không di truyền. Tuy nhiên, đây là lo lắng chính đáng của người mẹ trong lần mang thai kế tiếp. Do đó, ở lần mang thai tới, bạn nên đi thăm khám ngay từ giai đoạn đầu. Qua việc xác định sự phát triển của thai, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm sàng lọc cần thiết để phát hiện sớm hội chứng Down ở thai nhi.

Ví dụ như ở tuổi thai sớm sau 9 tuần, để chẩn đoán rối loạn 3 nhiễm sắc thể mà hiện nay hay nói đến là nhiễm sắc thể 21 (hội chứng Down), 18 (hội chứng Edwards) hay 13 (hội chứng Patau) có thể sử dụng test không xâm lấn. Sau 9 tuần đã có thể lấy máu mẹ để phân tích ADN tự do trong máu mẹ, phân tích bộ nhiễm sắc thể ở thai nhi. Đây chỉ là test sàng lọc nhưng cho kết quả có độ chính xác khá cao.

Thứ hai, nếu không làm test, đến tuần thứ 12, bạn có thể được thăm khám bằng cách khám thai định kỳ, ngoài việc đo mạch, nhiệt độ, huyết áp, khám tổng thể, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để đo độ dày da gáy, cũng như phát hiện sớm các dị tật vào thời điểm 12 tuần. Đồng thời, bạn có thể chỉ định làm Double Test vào lúc 12-13 tuần hoặc làm Tripple Test vào lúc 15-16 tuần.

Dựa vào các kết quả đó, bác sĩ sẽ tư vấn cũng như cho lời khuyên, cần thiết có thể thực hiện chọc ối vào thời điểm trên 16, 17, 18 tuần để xem bé có mắc hội chứng Down không. Ngoài hội chứng Down ra cũng có thể phát hiện nhiều bất thường nhiễm sắc thể khác.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858 và tại TP HCM 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Down
 
 

Em mang thai 38 tuần, ngôi mông, thai IVF, con so. Em có nên xin chỉ định mổ không hay sinh thường sẽ tốt ạ? Nếu chỉ định mổ thì có cần đợi sau 39 tuần không? Cảm ơn bác sĩ.

Vy, 31 tuổi, Bình Thạnh

BS.CKII Lê Thanh Hùng

Chào bạn,

Hiện tại, bạn đang mang thai lần đầu tiên, thụ tinh ống nghiệm, thai 38 tuần và ngôi mông. Bạn lo lắng không biết ngôi mông có thể sinh thường hay không. Câu trả lời của bác sĩ chuyên khoa là ngôi mông vẫn có thể sinh thường, tuy nhiên, phải trong điều kiện hết sức nghiêm ngặt: cân nặng em bé có quá to hay không (nếu bé trên 3,2 kg, bác sĩ sẽ khuyên bạn sinh mổ để tránh các rủi ro khi sinh qua đường âm đạo), em bé có đủ tuần tuổi hay không.

Các bác sĩ đều khuyến cáo khi em bé được mổ lấy thai một cách chủ động thì tuổi thai phải từ 39 tuần trở lên. Do đó, nếu bạn chọn mổ lấy thai thì lấy ngày dự sinh trừ đi 7 và sớm nhất là từ ngày đó mới có thể mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho bé.

Chúc bạn và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng.

IVF mang thai
 
 

Cách đây nửa tháng, em có đi chụp X-quang xương chậu. Do chụp lỗi nên phải chụp 2 lần liên tiếp. Nửa tháng sau em phát hiện đã có bầu được 6 tuần. Vậy em muốn hỏi em chụp X-quang khi đang mới có bầu vậy có ảnh hưởng nghiêm trọng không và cần làm những xét nghiệm gì để đảm bảo thai nhi hoàn ...

Nguyễn Như Quỳnh, 29 tuổi, Vĩnh Phúc

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào bạn,

Người ta đưa ra các thống kê là tia X-quang cũng có thể gây ra dị tật thai nhi. Trong giai đoạn mới bắt đầu thụ thai, nếu có ảnh hưởng đến lõi phôi hoặc lõi trứng thì thụ thai rất khó, có thể ảnh hưởng trực tiếp.

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn phát hiện có thai sau khi chụp X-quang, bạn cần đi thăm khám bác sĩ và tuân thủ các xét nghiệm thăm dò để được lời khuyên tư vấn cụ thể. Bởi vì dựa trên tình trạng thực tế, nếu bạn đã có con rồi và em bé này nằm ngoài kế hoạch, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình của hai bạn.

Nếu như quyết tâm giữ thì khi đi khám thai, ở mỗi giai đoạn bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên, cũng như hướng dẫn sàng lọc dị tật thai nhi và các xét nghiệm kèm theo. Bạn có thể trực tiếp trao đổi, tham khảo ý kiến của bác sĩ trực tiếp thăm khám để có hướng dẫn quyết định tốt nhất.

Chúc gia đình bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Khám thai
 
 

Tôi 34 tuổi, đã sinh 2 lần. Cháu đầu bị hỏng, mang thai lần 2 tôi có bị nhau tiền đạo trung tâm và sinh mổ cách đây 3 năm, được 1 cháu giờ 3 tuổi. Năm 2019, tôi mang bầu lại thì bị lưu thai lúc thai được 2 tháng. Năm nay tôi muốn có bầu lại, vậy bác sĩ cho tôi xin hỏi ...

Pham Men, 34 tuổi, Thái Bình

BS.CKII Lê Thanh Hùng

Chào bạn,

Bạn từng phải mổ lấy thai do bị nhau tiền đạo trung tâm và không thể sinh thường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu bạn bị nhau tiền đạo ở lần mang thai trước thì lần thứ hai nguy cơ bị tình trạng này sẽ cao gấp mấy lần so với người bình thường.

Về lo lắng của bạn rằng có bị hư thai tiếp hay không, tôi chưa thể trả lời chính xác được. Lý do tình trạng sảy thai, thai lưu xảy ra là do nhiều nguyên nhân. Bạn đã từng hư thai nhưng sau đó sinh bé khỏe mạnh, chứng tỏ vợ chồng bạn có bộ nhiễm sắc thể bình thường.

Tuy nhiên trong quá trình mang thai, ngoài vấn đề nhiễm sắc thể còn nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới hư thai. Do đó, khi có thai, bạn nên đến một cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và đưa ra câu trả lời chính xác về tình trạng thai hiện tại cũng như có nhau tiền đạo hay không. Cảm ơn bạn.

Nhau tiền đạo
 
 

Thưa các bác sĩ, em đang mang thai 19 tuần. Tuần 18, em siêu âm bác sĩ bảo nhau bám thấp, cổ tử cung 30 mm. Vậy hiện tượng đó có nguy hiểm quá không và làm cách nào để khắc phục ạ? Em cảm ơn bác sĩ?

Việt Xuân, 29 tuổi, Tây Ninh

BS.CKII Lê Thanh Hùng

Chào bạn,

Câu hỏi của bạn có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là bác sĩ siêu âm đã ghi nhận bánh nhau bám hơi thấp so với bình thường. Nhau bám thấp là tình trạng bánh nhau bám gần so với lỗ trong của cổ tử cung, dẫn tới nguy cơ chảy máu bất thường khi mang thai. Bạn mang thai 8 tuần và bác sĩ chỉ ghi nhận nhau bám thấp. Trong quá trình thai nhi phát triển, tử cung sẽ lớn dần theo và bánh nhau sẽ đi theo.

Thông thường, đa số các trường hợp vị trí bánh nhau có thể thay đổi. Do đó, bạn cần khám thai định kỳ để biết chính xác vị trí bánh nhau. Thường đối với những trường hợp bánh nhau bám thấp, chúng tôi có thể chẩn đoán chính xác vào tam cá nguyệt cuối cùng (từ tuần thai thứ 28 trở đi).

Vấn đề thứ hai là cổ tử cung của bạn có chiều dài 30 mmm. Thai phụ bình thường, chưa chuyển dạ, chiều dài cổ tử cung thường trên 35 mm. Một số trường hợp có nguy cơ cao sinh sớm thì chiều dài cổ tử cung là dưới 25 mm. Bạn có chiều dài cổ tử cung 30 mmm là ở mức trung bình. Bạn cần đi khám thai nhiều lần để bác sĩ thăm khám chính xác. Tại bệnh viện Tâm Anh, khoa sản với đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Cảm ơn bạn.

Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Nhau bám thấp
 
 

Tôi sinh con cách đây 10 năm và bị tiền sản giật. Cháu được sinh lúc 37 tuần, nặng 1,5 kg. Cháu sinh ra khỏe mạnh và phát triển như những đứa trẻ khác và không bị ảnh hưởng hay dị tật.

Năm 2015, tôi có thai cháu tiếp theo và đã bỏ do lo sợ sức khỏe không đảm bảo. Sau khi sinh ...

Pham Hien, 35 tuổi, Hà Nội

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Chào em,

Xin chia sẻ với em rằng khi mang thai lần đầu, em bị tiền sản giật là một trong các lý do khiến em bé bị suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng trong tử cung. Cho nên, dù bé đủ tháng nhưng khi sinh ra chỉ có 1,5 kg, chính vì vậy mà em sợ.

Tuy nhiên nếu để thời gian càng lâu, em sẽ càng mất đi cơ hội vì càng lớn tuổi sẽ càng nhiều nguy cơ. Vì em đã bị tiền sản giật 10 năm, khi mang thai chưa chắc em sẽ bị tiền sản giật lại.

Em bị huyết áp cao, đã và đang điều trị với bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì nên xin ý kiến với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch với tình trạng sức khỏe cụ thể của em có thể mang thai tiếp được không. Khi mang thai, em nên đi thăm khám ngay, kết hợp với các bác sĩ chuyên khoa sản để có thể theo dõi chặt chẽ. Khi có những biểu hiện hay dấu hiệu cảnh báo, bác sĩ sản khoa sẽ có thể đưa ra lời khuyên và có hướng điều trị tốt giúp cả mẹ và con đều an toàn.

Chúc em và gia đình sức khỏe. Trân trọng!

Tiền sản giật
 
 

Em 40 tuổi, kết hôn 1 năm, chưa từng mang thai. Hiện tại, em có khối u lạc nội mạc tử cung buồng trứng phải (kích thước 78x82 mm), nhân giảm âm thành sau tử cung (đường kính 5mm). Em đang có ý định mang thai. Xin bác sĩ tư vấn em có cần phẫu thuật khối u trước khi mang thai không hay có ...

Nga, 40 tuổi, Hà Nội

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Cảm ơn câu hỏi của em.

Em 40 tuổi mà mới kết hôn một năm thì khá muộn. Vì trên độ tuổi 35, phụ nữ cần đi thăm khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân vô sinh, chắc em cũng đã đi rồi. Tuy nhiên, khối u lạc nội mạc tử cung khá to và nhân xơ tử cung nhỏ chưa cần can thiệp.

Em cần được các bác sĩ tư vấn, thăm dò thêm vòi tử cung, kiểm tra cổ tử cung... Từ các thăm dò, xét nghiệm đó, tôi sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể có cần phải mổ khối u trước khi can thiệp gì không như thụ tinh ống nghiệm, bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

Chúc em và gia đình sức khỏe. Trân trọng!

Mang thai 40 tuổi
 
 

Bé nhà em sinh non ở tuần 30, nay đã gần một tuổi nhưng các chỉ số cơ thể và vấn đề nhận thức đều không bằng các trẻ cùng lứa khác. Trẻ sinh non cần được chăm sóc như thế nào và đến năm bao nhiêu tuổi ạ? Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có gói tầm soát bệnh lý cho trẻ sinh non ...

Thu Vân, 32 tuổi, Vũng Tàu

TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương

Chào chị Thu Vân,

Mình hiểu nỗi lo lắng của chị. Do bé sinh non 30 tuần nên khi tính tuổi cho bé, bác sĩ sẽ dùng tuổi điều chỉnh, tức là tháng tuổi của bé tính từ sau khi sinh trừ đi 2.5 tháng (tương đương với 10 tuần bé ra sớm hơn bé đủ tháng). Như vậy, nếu bé nhà chị đã được gần 12 tháng từ sau sinh, bác sĩ vẫn sẽ dùng các các chỉ số bình thường của trẻ 9 - 10 tháng để kiểm tra về thể chất cho bé.

Về phát triển tâm thần vận động, mỗi em bé dù đủ tháng hay non tháng sẽ có những ưu và khuyết điểm riêng. Tốc độ phát triển sẽ khác nhau trên từng cá nhân trẻ. Và sự phát triển của bé sẽ được bác sĩ đặt trong một bức tranh lớn hơn với các yếu tố gia đình và xã hội, nhất là sự quan tâm của ba mẹ đến sự phát triển trí tuệ cho con. Bác sĩ vẫn luôn khuyên phụ huynh dành thời gian chơi với bé, tương tác nói chuyện với bé nhiều hơn và "thử thách" bé qua các trò chơi để giúp bé phát triển nhận thức và ngôn ngữ.

Về vận động, nếu trong giai đoạn này, bé nhà chị đã ngồi tốt, đã biết đạp mạnh chân trên nền cứng khi được giữ đứng và biết cầm đồ chơi chuyền từ tay này qua tay kia thì chị đừng quá lo lắng. Bé đang làm được những kỹ năng phù hợp với lứa tuổi 9 - 10 tháng đấy. Nhưng nếu bạn thấy bé không có khả năng vận động như đã nói trên, hoặc bé không bập bẹ "baba","mama","dada" hoặc bé không phản ứng với tên gọi, có vẻ không nhận ra người quen, không nhìn theo tay chỉ trỏ, ... thì bạn nên cho bé đi khám sớm.

Bé sinh non cần được theo dõi càng lâu càng tốt. Đã có nhiều nghiên cứu báo cáo về tình trạng chậm phát triển tâm thần vận động và khiếm khuyết các kỹ năng cần cho lứa tuổi đi học như đọc, viết, làm toán, xử trí tình huống hoặc rối loạn hành vi phổ biến hơn trong nhóm trẻ sinh non so với trẻ đủ tháng. Và đã có những đoàn hệ nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của những người 50 - 60 tuổi trước đây bị sinh non.

BVđk Tâm Anh chúng tôi có gói khám thần kinh và theo dõi phát triển tâm thần vận động cho trẻ sinh non, có xét nghiệm tầm soát 73 bệnh lý bẩm sinh không chỉ cho trẻ đủ tháng mà cả cho trẻ sinh non, và có xét nghiệm tầm soát thính lực cho trẻ sinh non. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đều có thể thực hiện được khi có chỉ định, như MRI não, siêu âm tim, CT scan phổi... Việc thăm khám và theo dõi trẻ sinh non sẽ được chúng tôi thực hiện cho đến khi trẻ lớn lên, vào độ tuổi đi học và đến khi trưởng thành.

Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

82264
 
 

Bé em mới sinh được 3 ngày thì bác sĩ phát hiện cháu bị vàng da và phải nằm chiếu đèn, hiện bé đã chiếu đèn được 2 ngày và cho về nhà nhưng em thấy da bé vẫn chưa trở lại bình thường ạ. Bác sĩ cho em hỏi vì sao bé nhà em lại bị vàng da ạ? Vàng da khi nào nguy ...

Như Ngọc, 25 tuổi, TP.HCM

TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương

Chào bạn Như Ngọc,

Bạn nên cho bé tái khám sớm để bác sĩ kiểm tra mức độ vàng da của bé. Nếu bé vàng da do tăng bilirubin gián tiếp và tăng cao trong vòng 2 tuần đầu sau sinh thì bé có thể gặp nguy hiểm. Trong tình huống bé vàng da do tăng bilirubin trực tiếp, bé phải cần được kiểm tra và điều trị tại bệnh viện vì các nguyên nhân gây tăng bilirubin trực tiếp đều là bệnh lý.

Khi bạn cho bé tái khám, bác sĩ sẽ quan sát màu sắc và mức độ vàng da, sẽ kiểm tra các dấu hiệu đi kèm và hỏi bạn các triệu chứng có liên quan như tình trạng bú, ọc sữa, nước tiểu, màu phân,... Bác sĩ có thể sẽ cho bé làm xét nghiệm máu. Và tuỳ theo kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn cho chị về cách điều trị và theo dõi tiếp theo cho bé. Bạn nhớ cho bé đi khám sớm nhé.

Chúc bạn và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

82262
 
 

Bé nhà em bị vàng da, 3 ngày sau sinh bé bắt đầu được chiếu đèn. Sau 5 ngày, nồng độ bilirubin giảm còn 205, bác sĩ cho về tắm nắng, em cho tắm nắng 10 ngày nhưng không hết mà còn cao hơn lên tới 300, cho bé nhập viện lại thì các xét nghiệm đều bình thường, hiện giờ em đang ngừng cho ...

Kim Tuyến, 34 tuổi, Long An

TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương

Chào bạn Kim Tuyến,

Thông thường, em bé được bác sĩ chẩn đoán vàng da do sữa mẹ khi bé bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc sữa mẹ là chủ yếu, bé vàng da do tăng bilirubin gián tiếp trong máu, tổng trạng của bé khoẻ, bé tăng cân tốt và đã được bác sĩ loại trừ các nguyên nhân gây vàng da kéo dài khác như suy giáp, rối loạn chuyển hoá,...

Do đó, bé nhà bạn cần được bác sĩ kiểm tra chắc chắn vàng da không do các nguyên nhân bệnh lý trước khi kết luận do sữa mẹ, dù đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Một cách đơn giản để nhận định vàng da do sữa mẹ là mình tạm ngưng không cho bé bú sữa mẹ trực tiếp trong vòng 2 – 3 ngày. Trong thời gian này bé có thể dùng sữa mẹ đã qua xử lý nhiệt hoặc dùng sữa công thức. Làm như thế tình trạng vàng da sẽ giảm đáng kể.

Trong tình huống vàng da do sữa mẹ, bạn vẫn nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn và bú trực tiếp vì vàng da này hầu như không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé. Bạn cũng không cần phải xử lý nhiệt sữa mẹ vì điều này không cần thiết và có thể không khả thi trong nhiều hoàn cảnh. Tình trạng vàng da do sữa mẹ sẽ được cải thiện và mất dần khi bé được khoảng 3 tháng tuổi.

Chúc bạn và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

82260
 
 

Con em khi sinh ra bị chuẩn đoán thiếu men G6PD. Hiện tại, bé gần 5 tháng tuổi, bú sữa mẹ và sữa công thức (tỷ lệ khoảng 50:50) nhưng tăng cân khá chậm. Hiện tại, bé chỉ có 5,9 kg. Xin các bác sĩ tư vấn giúp em có phải do thiếu G6PD mà con em bị chậm phát triển không? Loại bệnh lý ...

Châu Đăng Khoa, 38 tuổi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM

TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương

Chào anh, mình hiểu anh đang rất lo lắng. Nếu được, anh có thể cho bác sĩ biết thêm về tiền sử mẹ và bé lúc sinh, bé được bao nhiêu tuần tuổi thai và cân nặng của bé lúc sinh? Như vậy bác sĩ sẽ có những thông tin tốt hơn cho anh.

Theo biểu đồ tăng trưởng của WHO, bé trai 5 tháng tuổi có cân nặng 5.9 kg thì được xếp vào nhóm nhẹ cân trung bình, tuy nhiên bé gái 5 tháng tuổi với cân nặng này vẫn xếp vào nhóm cân nặng bình thường. Bé được tầm soát phát hiện thiếu men G6PD cần được làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định thiếu men G6PD. Việc thiếu men G6PD đơn thuần không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bé. Tuy nhiên, anh sẽ được tư vấn và được cung cấp thông tin về các loại thực phẩm (đậu fava,..), thuốc (kháng sinh nhóm sulfamide, aspirin,...), hoá chất (naphlene,...) bé phải tránh để không xảy ra tình trạng tán huyết gây thiếu máu cho bé.

Chỉ khi bé vô tình tiếp xúc với các tác nhân này và bị tán huyết, gan và thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để đào thải các sản phẩm của tình trạng tán huyết. Nếu bé tránh không sử dụng các thuốc và thực phẩm có nguy cơ gây tán huyết, bé sẽ vẫn phát triển bình thường như các bé khác. Bé cũng có nguy cơ bị tán huyết nếu bị nhiễm siêu vi hoặc nhiễm vi trùng, do đó, anh cần giữ vệ sinh cho bé cẩn thận, nhất là phải rửa tay đúng cách và thường xuyên.

Cảm ơn bạn vì đã tin tưởng bệnh viện Tâm Anh. Chúc bạn và gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

82060
 
 

Bé nhà em hôm nay được 18 ngày tuổi. Bác sĩ chẩn đoán vàng da từ hôm được 3 ngày tuổi, hiện vẫn bị vàng da và phải chiếu đèn, chỉ số bilirubin hiện tại là 293. Nếu bé nhà em qua một tháng mà chỉ số vẫn cao thì ảnh hưởng đến sức khoẻ bé như thế nào? Bữa bé nhà em chiếu đèn ...

Nguyễn Thị Hương Giang, 33 tuổi, thôn Châu Thành, xã Đăk Ru, huyện Đăk R'lấp, tỉnh Đăk Nông

TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương

Chào chị Hương Giang,

Nếu được, chị có thể cho bác sĩ biết thêm về tiền sử lúc sinh, bé được bao nhiêu tuần tuổi thai và cân nặng lúc sinh của bé? Nếu bé bị vàng da tăng bilirubin gián tiếp, thì mức 293 ở 18 ngày tuổi hầu như không gây ảnh hưởng tới thần kinh của bé. Tuy nhiên bác sĩ cần xác định nguyên nhân của vàng da này, ví dụ như do suy giáp, tán huyết, rối loạn chuyển hoá, nhiễm trùng... hoặc chỉ đơn thuần do sữa mẹ.

Dựa vào nguyên nhân, bác sĩ có thể đánh giá ảnh hưởng lên sức khoẻ của bé và có hướng tư vấn chăm sóc theo dõi thích hợp cho phụ huynh. Một số bé sơ sinh bị vàng da có chỉ định chiếu đèn trong 14 ngày tuổi đầu. Ánh sáng của đèn chiếu sẽ chuyển bilirubin thành dạng không độc và đào thải nhanh qua nước tiểu. Tuỳ theo nguyên nhân tăng bilirubin máu, khi tốc độ tạo bilirubin mới chậm hơn so với tốc độ đào thải bilirubin nhờ chiếu đèn, vàng da sẽ giảm nhanh sau chiếu đèn 2 – 3 ngày. Khi bé ngưng chiếu đèn, bilirubin mới vẫn tiếp tục được tạo ra trong khi bilirubin được chuyển hoá do ánh sáng xanh lại giảm hẳn lại. Đó là lý do vì sao anh chị thấy bé lại bị vàng da và bilirubin tăng cao trở lại.

Tuy nhiên, anh chị có thể không cần lo lắng vì mức bilirubin hiện nay không còn ảnh hưởng đến thần kinh của bé nữa. Vậy trong thời điểm này, mình cần xác định nguyên nhân tăng bilirubin máu và đảm bảo bé được theo dõi và can thiệp kịp thời tuỳ nguyên nhân gây vàng da.

Chúng tôi cảm ơn chị vì đã tin tưởng bệnh viện Tâm Anh. Chúc chị và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

82043
 
 

Con em lúc sinh 38 tuần bị uống nước ối, phải thở oxy có ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này không? Em cần lưu ý gì khi chăm sóc bé? Mong bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ.

Thúy, 30 tuổi, Long An

TS.BS Cam Ngọc Phượng

Chào bạn Thúy,

Thông thường trong y khoa đây là tình trạng viêm phổi do bị hít nước ối vào phổi, gây tắc đường thở, làm trẻ thở mệt và cần thở oxy. Với bé đã có điều trị thở oxy, bạn có lo lắng khi bé lớn lên như có ảnh hưởng về sự phát triển của bé hay không thì một số trẻ lúc nhỏ bị viêm phổi hít thì lớn lên có nguy cơ sau này bị hen suyễn. Hen suyễn kích ứng đường thở ảnh hưởng đến phổi của bé. Chăm sóc bé, bạn cần lưu ý khuyến khích bé tập thể dục hàng ngày, tăng sức khỏe giúp tim và phổi khỏe. Tránh khói bụi, phấn hoa, khói thuốc... khi ra đường nên mang khẩu trang. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì cân nặng phù hợp so với tuổi, không nên để suy dinh dưỡng, sẽ giảm sức đề kháng, dễ có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Theo dõi đánh giá phát triển của bé qua chỉ số cân nặng chiều cao để bé có đủ sức khỏe.

Chúc bạn và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

82261
 
 

Nhờ các bác sĩ tư vấn ạh. Bé nhà em sinh mổ lần 3 ở 37w2d, bé đc 3,2kg. Hiện bé được 25 ngày tuổi. Từ khi ở viện về, mắt bé hay bị nhử, lúc nào cũng trong tình trạng toét nhoèn. Em đã nhỏ nước muối và vệ sinh cho bé nhiều lần trong ngày mà không tác dụng. Bé đã nhỏ tobrex ...

Thoa Lưu, 32 tuổi, Tiền Giang

TS.BS Cam Ngọc Phượng

Chào bạn Thoa Lưu,

Đây là trường hợp khá thường gặp ở những bé sơ sinh, người ta chia ra những giai đoạn thời điểm, nếu em bé dưới 3 tháng tuổi, chúng ta có thể điều trị thêm bằng các day (mát-xa) vùng túi lệ, rửa sạch tay, day vị trí tuyến lệ nằm ngay giữa mí mắt trong và góc mũi, có thể day ngày 4 lần, (sáng, trưa, chiều, tối) mỗi lần day 60 cái, không cần thông vì tỷ lệ tự khỏi rất cao trong thời gian này.

Vệ sinh mi mắt bằng nước muối sinh lý, nhỏ tại chỗ nếu có dấu hiệu viêm. Sau 3 tháng trở đi cho đến 7 tháng mà tình trạng vẫn không giảm thì sẽ không tự hết mà phải đến cơ sở y tế có chuyên khoa về mắt để làm thông tuyến lệ, nếu mắt bé có dấu hiệu bị sưng hoặc bị đỏ thì phải đưa bé đến cơ sở y tế ngay để các bác sĩ chuyên khoa mắt khám và đánh giá xem có cần phải điều trị thêm những loại thuốc kháng sinh hay những loại thuốc nhỏ mắt khác hay không.

Và với tình trạng môi của cháu bé bị dộp lên dù bú mẹ hoàn toàn thì đây là trường hợp thường gặp ở trẻ bú mẹ hoàn toàn, vì đây là sự tiếp xúc giữa môi bé và bầu vú mẹ, trẻ sẽ tự hết và đây không phải vấn đề bệnh lý, nên mẹ hoàn toàn có thể yên tâm.

Chúc bạn và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được hỗ trợ tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

82239
 
 

Bác sĩ tư vấn dùm em. Bé nhà em sinh non 32 tuần, nặng 2,15kg, sinh 26/2/2021. 1 tháng sau sinh (26/3), bé đựơc 2,5kg, bác sĩ tư vấn dùng một loại sữa công thức khác cùng sữa mẹ. Sau khi sử dụng 3 hộp sữa, đến nay, bé được 3,7kg. Nhà cùng cấp tư vấn sữa trên chỉ sử dụng khi bé dưới 3,6kg.
...

Đỗ Ánh Dương, 38 tuổi, 171A Hoàng Hoa Thám, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM

TS.BS Cam Ngọc Phượng

Chào bạn Ánh Dương,

Bé nhà em sinh non 32 tuần, nặng 2,15kg, chứng tỏ cân nặng lúc sinh so với tuổi thai rất tốt. Tuy nhiên quá trình chăm sóc em bé sau sinh sau 1 tháng bé chỉ đựơc 2,5kg, như vậy bé tăng cân chậm, chỉ tăng được 350 gr trong 1 tháng, trong khi trung bình phải tăng khoảng 800 – 900 gr/tháng. Vì vậy, bác sĩ tư vấn dùng thêm sữa ngoài bổ sung cùng với sữa mẹ.

Khoảng 3 tuần sau khi dùng thêm sữa công thức, bé được 3,7kg, như vậy cân nặng cháu hiện tại đã bắt kịp về mức bình thường so với tháng tuổi, do đó nếu sữa mẹ đủ, bạn không cần dùng thêm sữa công thức nữa. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho bé đến cơ sở y tế thì bác sĩ sẽ hướng dẫn biểu đồ tăng trưởng của con đang tăng như thế nào, nếu bé phát triển trong khoảng bình thường thì không cần bổ sung thêm sữa công thức nữa.

Chúc bạn và bé cùng gia đình sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

81938