VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ ba, 17/12/2024

Bé nhà em ăn được nhưng hấp thu kém, chậm tăng cân hay ốm vặt, xin bác sĩ tư vấn thêm làm sao để có thể cải thiện tình trạng này?

Nguyễn Như Thủy, 32 tuổi, Tân Minh, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào chị!

Đầu tiên bác sĩ rất chia sẻ với lo lắng của chị về tình trạng của con. Để bé tăng cân tốt và ít ốm vặt, ngoài chế độ ăn uống đủ chất và lượng, bé cần được vận động phù hợp (chơi, hoạt động ngoài trời...) và ngủ đủ giấc. Ngoài ra, bé cần có hệ tiêu hóa khỏe mạnh (bé không bị bón, rối loạn tiêu hóa...).

Trong 3 năm đầu đời, hệ miễn dịch của bé còn chưa hoàn chỉnh, còn phải thich nghi với môi trường xung quanh nên giai đoạn này bé dễ ốm vặt. Trong lứa tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi), bé cũng sẽ bị lây bệnh từ bạn bè xung quanh nên ho, cảm, sổ mũi... là không thể tránh khỏi. Để cải thiện tình trạng ốm vặt, chị nên chú ý giữ gìn vệ sinh cho bé, nhất là giữ tay bé và tay người chăm bé sạch. Chích ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng cũng là một trong những biện pháp giúp bé có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Mến chúc chị và bé sức khỏe! Nếu có khó khăn cụ thể nào, chị có thể đưa bé đến khám, các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ. Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về chương trình.

Chào bác sĩ, bé em được 5 tuổi 10 tháng, gần đây bé thỉnh thoảng kêu bị đau đầu và cảm giác ớn ở miệng (hỏi bé nói không đau và há miệng chỉ vào họng). Người nhà có cho bé đi khám ở bệnh viện nhi. Bác sĩ chỉ định chụp CT, kết quả bé chỉ bị viêm xoang bướm nhẹ, chụp CT xong ...

Trà My, 32 tuổi, TP HCM

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn,

Bác sĩ ở một bệnh viện nhi chỉ định chụp CT scan cho con bạn là phù hợp với triệu chứng của bé.

Chụp CT có hại hay không là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chụp CT là một phương thức chẩn đoán hình ảnh khá an toàn bởi các bác sĩ thường sử dụng liều thấp nhất của bức xạ đặc biệt là trẻ em để có được thông tin y tế cần thiết mà ít xảy ra nguy cơ và biến chứng sau chụp nhất.

Bạn đọc trên mạng thấy thông tin trẻ chụp CT scan dưới 15 tuổi có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 2-3 lần thì bác sĩ phải biết nguồn tài liệu thì mới phân tích được. Vì hiện nay có một số nghiên cứu lẻ tẻ có nói về vấn đề này nhưng chưa chính thống và chưa được công nhận.

Về việc iều trị viêm xoang bướm thế nào, bạn vui lòng đưa bé đến khám, bác sĩ thăm khám cụ thể sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp ạ.

Chúc bạn sức khỏe. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng.

Cháu tôi mỗi khi ngủ dậy đi tiểu, sau đó khoảng 20-30 phút lại đi tiếp. Lần tiếp thì khoảng 2 giờ. Nước tiểu có mùi hôi khác Amoniac khi để một lúc sau. Cháu hay dụi mắt, như bị viêm nhiễm, phân táo vón cục như phân dê. Mẹ cháu bị viêm gan B. Tôi muốn kiểm tra cho cháu tất cả các bệnh ...

Nguyễn Thanh Liêm, 60 tuổi, Tân Uyên, Bình Dương

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Xin chào ông/bà,

Với những thông tin ông/bà chia sẻ về tình trạng của bé, bác sĩ thấy bé có tình trạng tiểu lắt nhắt. Tiểu lắt nhắt được định nghĩa là trẻ đi tiểu rất nhiều lần, khoảng cách giữa các lần rất ngắn có khi cứ vài phút trẻ lại đòi đi tiểu một lần, nhưng mỗi lần chỉ một chút nước tiểu. Thông thường trẻ đi trên 7 lần một ngày.

Tiểu lắt nhắt có thể kèm theo những biểu hiện khác: đau buốt, nóng rát khi đi tiểu, thay đổi tính chất nước tiểu. Các nguyên nhân của tiểu lắt nhắt như nhiễm trùng tiểu, táo bón, tiểu lắt nhắt vô căn (thói quen, tâm lý, stress). Với tình trạng tiểu lắt nhắt và nước tiểu có mùi khác amoniac, đi phân vón cục như phân dê, có thể táo bón là nguyên nhân gây cho bé tình trạng tiểu lắt nhắt.

Ông/bà nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời. Nếu mẹ cháu bị nhiễm viêm gan siêu vi B, các bác sĩ có thể làm xét nghiệm để tầm soát tình trạng viêm gan siêu vi B của bé. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tầm soát tất cả các bệnh truyền nhiễm lây từ mẹ sang con cho bé. Sau đó tùy vào kết quả xét nghiệm, tùy vào trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho gia đình.

Cảm ơn ông/bà đã gửi câu hỏi về chương trình. Chúc ông/bà sức khỏe. Trân trọng.

Con tôi 5 tuổi, mỗi lần côn trùng đốt (thường là bọ chét) là bị ngứa và vết thương khó lành. Vết thương thường lúc đầu đỏ, sau đó nổi sần cứng lên, cũng có lúc ngứa quá cháu gãi thì lở loét và bội nhiễm làm cục u sần đó to ra. Nếu lúc bé bị ngứa mà ăn thêm thịt gà, thịt bò... ...

Tây Nguyên, 41 tuổi, Thị trấn Di Linh, Di Linh, Lâm Đồng

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,

Hầu hết khi mọi người bị côn trùng cắn hoặc đốt đều có phản ứng châm chích nhẹ tại chỗ, một số bé bị đau, tấy đỏ và sưng tại chỗ, và trong một số trường hợp có thể rất ngứa. Các triệu chứng thường sẽ cải thiện trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, mặc dù đôi khi chúng có thể kéo dài hơn một chút. Chính khi bé ngứa và gãi làm chỗ sưng đỏ bị lở và có thể bội nhiễm thêm vi trùng vào gây tình trạng nhiễm trùng.

Để hạn chế tình trạng này, bạn cần cắt ngắn móng tay cho bé, có thể đánh lạc hướng của trẻ như chơi trò chơi, cùng con đọc sách... Ngoài ra, nếu bé có bị dị ứng một số thức ăn, tốt nhất là bạn nên tránh cho bé ăn các loại này để hạn chế tình trạng ngứa. Nếu trẻ ngứa nhiều, bạn cần cho trẻ đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp với tình trạng của bé, không nên tự cho uống thuốc hoặc bôi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Chúc bạn sức khỏe. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng!

Con gái em 36 tháng tuổi, bộ phận sinh dục của bé hay bị dính môi lớn, đã tách nhiều lần nhưng vẫn tái phát. Cho em hỏi nguyên nhân và cách điều trị như thế nào?

Thang Hải Đăng, 36 tuổi, 114 Phan Ngọc Hiển, phường 5, TP Cà Mau

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn,

Khi đọc những thông tin của bạn chia sẻ về tình trạng dính âm môi của bé đã được tách nhiều lần nhưng vẫn tái phát, bác sĩ rất thông cảm và chia sẻ với sự lo lắng của bạn.

Bộ phận sinh dục ngoài của nữ bao gồm hai môi lớn và hai môi bé. Những bộ phận này nằm chắn ở phía trước cửa lỗ âm đạo và lỗ tiểu. Bình thường thì hai môi bé tách biệt nhau tạo ra khoảng trống ở giữa.

Dính âm môi hay dính môi bé là hiện tượng hai môi bé bộ phận sinh dục nữ dính lại với nhau chỉ còn một khoảng trống nhỏ, một số trường hợp hầu như bịt kín. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi và có thể kéo dài đến lúc trẻ dậy thì. Có ba mức độ dính môi bé: nhẹ (dính một phần, che một phần âm đạo, lỗ tiểu không bị che lấp...); trung bình (âm đạo bị che lấp nhưng lỗ tiểu vẫn còn); nặng (âm đạo và lỗ tiểu đều bị che hoàn toàn).

Nguyên nhân gây dính hiện nay vẫn chưa rõ ràng, có thể do suy giảm nồng độ Estrogen trong máu của bé (thường xảy ra vào thời điểm bé 3-6 tháng) khiến hai môi bé có khả năng dính vào nhau; viêm nhiễm vùng âm hộ: hăm tã, viêm nhiễm vùng âm hộ, do kích ứng bởi xà bông hay sữa tắm tạo điều kiện cho hai môi bé dính nhau.

Nếu dính âm hộ gây khó chịu cho bé hoặc gây viêm nhiễm tái phát nhiều lần thì cần tách dính. Tách dính là tiểu phẫu thực hiện ngoài phòng khám, rất nhanh chóng, không gây đau và an toàn. Trường hợp của bé tách dính nhiều lần vẫn tái phát thì bạn nên đưa bé đến khám bác sĩ lại để tìm nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chương trình. Chúc bé và gia đình sức khỏe! Nếu có khó khăn cụ thể nào, bạn có thể đưa bé đến khám, các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Trân trọng!

Tôi muốn hỏi bác sĩ, trẻ em từ khi sinh ra đến 10 tuổi thì nên đi xét nghiệm máu, khám tổng quát vào các thời điểm nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

Salalala, 33 tuổi, Bình Tân, TP HCM

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Cám ơn bạn đã có một câu hỏi rất thực tế, chứng tỏ bạn rất quan tâm đến chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bé. Từ khi sinh đến khi bé 10 tuổi, bé nên có các lần gặp bác sĩ vào các thời điểm sau:

- 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng.
- 2 tuổi, 2 tuổi rưỡi.
- Sau đó mỗi một năm cho đến khi bé đến tuổi vị thành niên.

Mục đích của các lần thăm khám là để chích ngừa, theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng cũng như phát triển tâm thần vận động của trẻ. Đồng thời cũng qua các lần thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện sớm các bệnh lý hoặc bất thường của bé. Hy vọng thông tin trên có thể giúp ích cho bạn để có kế hoạch theo dõi cho bé nhằm giúp bé phát triển hoàn chỉnh để trở thành một người lớn hạnh phúc. Chúc bé và gia đình sức khỏe!

Bé trai nhà em sinh tháng 1/2014, hiện nặng 27 kg, cao 124 cm. Thời gian gần đây, bé ngủ hay bị đổ mồ hôi ướt lưng dù phòng bật máy lạnh 27 độ và bật thêm quạt nhẹ. Thỉnh thoảng đêm ngủ, bé hay kêu bị tê tay hoặc mỏi và đau bắp chân, bàn chân. Hàng ngày bé cũng hoạt động ngoài trời ...

Hạnh, 34 tuổi, TP.HCM

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào chị!
Theo như những thông tin chị chia sẻ về tình trạng của con trai, bác sĩ nghĩ cháu đang bị tình trạng đau cơ do vận động nhiều và đau xương do tăng trưởng. Thực tế, đau xương do tăng trưởng là những cơn đau lành tính với những biểu hiện như:
- Đau chân hoặc đi kèm với đau nhức mỏi tay.
- Cơn đau có cảm giác không rõ ràng, không tìm được vị trí đau, thường là ở mặt sau bắp chân, mặt trước đùi hoặc mặt sau của gối.
- Hay xảy ra vào ban đêm, nhất là sau một ngày vận động nhiều. Ban ngày hoàn toàn binh thường.
- Cơ thể trẻ vẫn bình thường và không bị ảnh hưởng.
- Đối với trẻ từ 6 đến 12 tuổi có thể mô tả cơn đau như chuột rút, mỏi, tê.
- Khi được xoa bóp thì trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Về việc bé hay nhiễm bệnh thì chị đã cho bé uống nước cam, nước chanh... để bổ sung vitamin mỗi ngày, cho bé vận động chơi thể thao là rất tốt. Còn về việc bé có thiếu calci hay cần bổ sung vitamin hay không thì chị nên đưa bé đến để bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm để đánh giá chính xác tình trạng của bé và có tư vấn phù hợp.

Chúc chị sức khỏe!

Kính chào bác sĩ. Gia đình tôi có cháu bé 5 tuổi (sinh tháng 4/2016). Cách đây ba năm lúc cháu được 22 tháng, cháu bị viêm tủy cắt ngang (MRI: Tổn thương tủy từ C1 đến T8) điều trị tại một bệnh viện nhi ở TP HCM được ba tháng (có mở khí quản, thở máy). Sau đó chuyển về bệnh viện nhi ở ...

Trần Văn Đức, 45 tuổi, Tiến Thanh - Đồng Xoài - Bình Phước

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào Anh!

Tôi rất cảm thông với tình trạng của cháu và sự khó khăn của gia đình khi chăm sóc cháu. Viêm tủy cắt ngang là bệnh rối loạn hệ thần kinh do tình trạng viêm ở một đoạn của tủy sống. Một số bé bị mắc bệnh sẽ bị những tổn thương vĩnh viễn làm ảnh hưởng đến khả năng thực hiện những hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Như đối với nhiều bệnh rối loạn của tủy sống, hiện chưa có một phương thức chữa trị hữu hiệu cho những người bị mắc bệnh viêm tủy cắt ngang, kể cả phương pháp tế bào gốc. Các phương pháp điều trị được xây dựng chỉ nhằm kiểm soát và hổ trợ làm giảm bớt các triệu chứng.

Bé đã bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh khi thở máy là một điều đáng tiếc vì có thể làm kéo dài thêm thời gian nằm viện của bé. Tuy nhiên anh đừng quá lo lắng vì bác sĩ chỉ cho bé xuất viện khi đã chữa khỏi hoàn toàn tình trạng nhiễm trùng kèm theo.

Chúc gia đình sức khỏe!

Bé gái nhà tôi 6 tuổi, nặng 18,5 kg, bị táo bón nặng, có khi một tuần mới đi 1 lần. Mỗi lần đi dạng phân cứng (như phân dê) gây chảy máu hậu môn. Bé rất sợ đi cầu nên hay nín đi cầu. Bé đi khám và được bác sĩ kê toa uống thuốc. Bé uống 1,5 gói lại đi tiêu chảy.

...
Trịnh Thị Phương, 39 tuổi, Vũng Tàu

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào chị!

Tôi rất hiểu lo lắng của chị về tình trạng bón của bé. Tuy nhiên, 90% nguyên nhân gây táo bón là do chế độ ăn và thói quen sinh hoạt, chỉ có tỷ lệ rất nhỏ táo bón do bệnh lý. Do đó, điều trị táo bón cho bé chủ yếu là thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt:

1. Thay đổi chế độ ăn:

- Ăn nhiều trái cây và rau quả (trừ carotte, hồng xiêm, ổi).
- Uống nhiều nước, nhưng hạn chế đồ uống có caffeine như soda và trà.
- Ăn các bữa theo lịch trình đều đặn. Các bé thường sẽ đi tiêu trong vòng 30 đến 60 phút sau khi ăn. Nếu có thể, nên ăn sáng sớm và tại nhà, điều này sẽ giúp trẻ có thời gian đi tiêu ở nhà trước khi đến trường.

2. Thay đổi thói quen sinh hoạt:

- Cho bé thường xuyên vận động và tập thể dục, hạn chế xem TV hoặc chơi trò chơi ít vận động.
- Tập thói quen đi tiêu hàng ngày theo khoảng thời gian nhất định
- Trong thời gian tập cho trẻ có thói quen đi vệ sinh đều đặn, nên cho trẻ ngồi vào bồn cầu ít nhất hai lần một ngày, mỗi lần khoảng 10 phút, tốt nhất là ngay sau bữa ăn.

3. Kích thích nhu động ruột:

Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 3-4 lần trong ngày vào khỏang thời gian như sáng ngủ dậy, hoặc giữa các bữa ăn để kích thích tăng nhu động ruột.

Chúc gia đình chị nhiều sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Bé nhà em 9 tuổi. Từ sau Tết đến nay cháu thường xuyên đau bụng, lúc đói đau, no cũng bị đau, khi thần kinh căng thẳng (học bài) cũng đau, đau khắp ổ bụng. Đặc biệt đau nhiều hơn lúc buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng mới thức dậy. Em cho cháu đi khám, làm xét nghiệm máu, siêu âm ổ ...

Nhữ Thị Hằng, 35 tuổi, Tổ 1 - thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào chị. Theo chị kể thì con có đau bụng từ sau Tết, và đã được nội soi dạ dày nhung kết luận hoàn toàn bình thường. Đau bụng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau không chỉ riêng viêm dạ dày, ngoài các bệnh lý đường tiêu hóa (ví dụ như viêm dạ dày, viêm đại tràng....) thì các bệnh lý không thuộc được tiêu hóa cũng có thể gây đau bụng. Các bác sĩ có kê cho bé một số thuốc hỗ trợ đường tiêu hóa nhưng con không đỡ. Vậy để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân đau bụng của bé chị nên đưa con đi khám lại để các bác sĩ có thể thăm khám toàn diện và khai thác thêm một số các triệu chứng và dấu hiệu của cơn đau cũng như vị trí để có thể đưa ra những tư vấn phù hợp chị nhé.
Nếu có khó khăn cụ thể nào, chị có thể đưa bé đến khám, các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ chị. Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về chương trình.

Xin bác sĩ tư vấn làm thế nào để trẻ không dung nạp đường Lactose có thể uống được sữa có đường. Không dung nạp đường Lactose có khỏi được không?

Lã Thị Chuân, 36 tuổi, Tân Tiến, TP Bắc Giang

Bác sĩ Dương Thùy Nga

Chào chị, không dung nạp đường lactose là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ em châu Á, phần nhiều là tình trạng bất dung nạp lactose thứ phát sau nhiễm khuẩn (có thể phục hồi được), số ít là do bẩm sinh, nguyên nhân là do trong cơ thể bé không có men lactase để thủy phân đường lactose.

Lactose chỉ là một trong các loại đường có trong sữa. Vì vậy, bé vẫn có thể uống được các loại sữa ít đường lactose mà vẫn được bổ sung đầy đủ canxi như sữa dê hoặc bé sẽ được bổ sung các loại sữa đã có sẵn men lactase giúp thủy phân đường lactose trong sữa.

Bố mẹ nên cho bé đi thăm khám bởi bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh và có được các biện pháp điều trị và dự phòng phù hợp. Chúc bé khỏe mạnh. Nếu chị còn thắc mắc gì, vui lòng gửi câu hỏi về chương trình để được giải đáp. Trân trọng.

Em có 1 bé trai gần 20 tháng tuổi, nhưng bé chưa biết nói (em đã cho bé đi học được 1 tuần). Mọi người bảo bé dài lưỡi nên chậm nói. Bác sĩ cho em hỏi như thế có đúng không? Có cách nào giúp bé nhanh biết nói không? Nếu phải đi khám thì em nên cho bé đi khám ở bệnh viện ...

Đinh Thị Ngoan, 27 tuổi, Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn, bé nhà bạn 20 tháng tuổi, bạn thấy bé chưa biết nói. Mọi người bảo bé lưỡi dài nên chậm nói và bạn thắc mắc về việc này. Vấn đề nói của trẻ phải do sự toàn diện của trí tuệ cũng như sự toàn vẹn của các cấu trúc tạo âm. Để dễ hiểu là nói được cần có các cơ quan và cấu trúc như dây thanh âm, miệng, lưỡi, răng... bình thường, kèm theo sự phát triển trí tuệ tương đương với lứa tuổi. Bé nhà bạn 20 tháng, thì tiêu chuẩn cần nói được câu trên 2 từ, vốn từ bé hiểu cần rộng hơn vốn từ bé nói (có thể bé nói ít nhưng bé hiểu hết những điều bạn nói chẳng hạn). Để khẳng định bé có bất thường về cấu trúc cơ quan phát âm như miệng, lưỡi, răng... thì bạn cần cho bé đi khám để đánh giá.

Nếu chưa thể đi khám, một vài biện pháp hỗ trợ giúp bé mau cải thiện tình trạng này như sau: Cung cấp một môi trường an toàn, yêu thương. Điều quan trọng là nhất quán và có thể dự đoán được:

- Khen ngợi hành vi đúng nhiều hơn phạt hành vi sai (chỉ dùng thời gian cách ly rất ngắn).
- Mô tả cảm xúc của trẻ. VD, nói "à con rất vui khi chúng mình đọc sách".
- Khuyến khích chơi giả vờ.
- Khuyến khích sự đồng cảm. Ví dụ, khi thấy một trẻ khác đang buồn, khuyến khích trẻ ôm hoặc vỗ về trẻ đó.
- Đọc sách và nói về các bức tranh bằng các từ ngữ đơn giản.
- Lặp lại các từ mà trẻ nói.
- Sử dụng từ ngữ mô tả cảm xúc và cảm giác.
- Sử dụng các cụm từ đơn giản, rõ ràng.
- Hỏi các câu hỏi đơn giản.
- Giấu các thứ dưới chăn, gối và khuyến khích trẻ đi tìm;
- Chơi với các khối, xếp hình, bóng, sách, đồ chơi mà dạy nguyên nhân - kết quả và giải quyết vấn đề.
- Gọi tên các bức tranh trong sách và các bộ phận cơ thể.
- Đưa ra các đồ chơi để khuyến khích trẻ chơi giả vờ, ví dụ, điện thoại đồ chơi, búp bê.
- Cung cấp những khu vực an toàn để trẻ đi và di chuyển xung quanh.
- Cung cấp đồ chơi để trẻ có thể kéo hoặc đẩy một cách an toàn.
- Cung cấp bóng để trẻ đá, ném và lăn.
- Khuyến khích trẻ tự uống từ cốc, tự ăn bằng thìa, không bận tâm tới sạch bẩn.
- Thổi bong bóng và để trẻ làm nổ chúng...

Bạn thử áp dụng các biện pháp kể trên trước, nếu không cải thiện, có thể cho bé đi khám tại các chuyên khoa Nhi để được tư vấn.

Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng gửi câu hỏi về chương trình Tuần tư vấn để được giải đáp. Chúc bé và gia đình khỏe mạnh.

Trân trọng.

Con tôi đã 6 tuổi mà hàng đêm vẫn đái dầm (con đái dầm từ bé). Tôi đã cho con đi khám ở bệnh viện và bác sĩ kết luận không bị bệnh gì, chỉ khuyên ban ngày uống nước nhiều. Tôi nghe nói có biện pháp dùng chuông báo đái dầm. Bác sĩ có thể hướng dẫn cho tôi về phương pháp này được ...

Trần Thu Huyền, 30 tuổi, Hà Nội

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào mẹ,

Trẻ em đến 5 tuổi là trong não vùng dưới đồi đã tiết đủ hormon vasopressin, sau đó được tích lũy tại vùng thùy sau tuyến yên nên gần như không còn tiểu đêm nữa. Con bạn đã 6 tuổi thì không còn gọi là tiểu dầm sinh lý nữa mà cần đi khám.

Các bác sĩ cần biết con bạn có uống nước đêm không, cả ngày tiểu bao nhiêu ml để loại trừ tiểu đêm do bệnh thận mạn. Nếu bạn đã đi khám bác sĩ loại trừ bệnh thận mạn thì con bạn có thể dùng đồng hồ báo thức. Nếu sau 3 tháng không cải thiện, con bạn cần đi khám.

Đồng hồ báo thức cho trẻ là loại đồng hồ có hai phần: một phần gắn với quần lót (có phần cảm nhận với độ ẩm nên khi trẻ chỉ cần có một giọt nước ra quần là máy sẽ báo động), một phần là chiếc loa. Khi trẻ nghe tiếng loa kêu sẽ thức giấc và sau 3 tháng trẻ tạo được phản xạ cứ nước ra quần là thức giấc và tự dậy đi tiểu.

Hạn chế của phương pháp này là:

- Mùa hè khiến trẻ nóng, chảy mồ hôi nên bộ nhận cảm có thể kêu nhầm

- Khi loa kêu sẽ làm người ngủ cạnh cũng thức giấc

- Nếu trẻ không tỉnh ngủ hẳn khi loa kêu mà bố mẹ thức dậy giúp trẻ và trẻ vẫn mơ màng thì lúc đó dùng đồng hồ sẽ không hiệu quả

- Không có tác dụng nhiều nếu trẻ đêm tiểu dầm đêm không

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi có bác sĩ chuyên gia thận nhi được đào tạo chính quy tại Pháp. Nếu không đỡ bạn có thể cho bé qua bác sĩ khám và điều trị cho con bạn.

Chào bác sĩ. Con em được 7 tháng, cháu đã ăn dặm và ăn thêm sữa ngoài vì em ít sữa. Tuy nhiên cháu hay đi ngoài kèm sủi bọt, ngày nhiều cũng trên 6-7 lần, ít cũng 4-5 lần. Những lần sau thì đi ít và toàn nước. Em có cho uống men tiêu hóa nhưng chỉ được vài hôm lại bị đi ngoài ...

Nguyễn Thị Út, 33 tuổi, Lào Cai

Bác sĩ Phan Thị Thu Minh

Chào chị, hiện tượng đi ngoài phân lỏng nhiều lần là dấu hiệu trẻ bị bệnh đường tiêu hóa (có thể không dung nạp thức ăn, nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus, nhiễm nấm...). Tuy nhiên, con chị nếu xuất hiện đi ngoài phân lỏng sau ăn sữa ngoài mà phân mùi chua, hậu môn đỏ thì hay gặp nhất là tình trạng không dung nạp đường lactose. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do bẩm sinh hay thứ phát sau nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Chị nên cho bé đi khám các bác sĩ chuyên khoa nhi để các bác sĩ trao đổi kỹ hơn về tình trạng của con như thời điểm xuất hiện các triệu chứng là trước hay sau khi ăn dặm, hay sau một đợt tiêu chảy, tính chất phân... và làm các xét nghiệm phù hợp.

Ở đây chúng tôi đã chữa khỏi rất nhiều trẻ bị tiêu chảy kéo dài mà đã từng điều trị với nhiều loại thuốc khác nhau không đỡ. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi.

Trân trọng!

Bé nhà em được 10 tháng tuổi; cách đây khoảng 1 tháng, cháu bị viêm họng nên ăn rất ít cháo dù trước đó bé ăn được bát khoảng 200ml. Từ khi khỏi đến nay đã được 4 tuần nhưng bé rất lười ăn cháo; mỗi bữa được khoảng 50ml thường sau ti mẹ khoảng 1,5-2h và dù đã thay đổi thực phẩm. Bé vẫn ...

Giang Thanh, 41 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội

Bác sĩ Phan Thị Thu Minh

Xin chào bạn, bé của bạn 10 tháng, mỗi bữa trẻ phải ăn được ít nhất hai phần bát, và một bữa ti mẹ không được quá 30 phút. Dựa trên tiêu chuẩn này thì bé đang lười ăn. Việc bé bị viêm họng đã khỏi được 4 tuần, không có ảnh hưởng đến việc lười ăn của bé.

Các bé rơi vào tuần wonder week, có thể làm bé biếng ăn sinh lý, nhưng sau đó sẽ trở về binh thường nhanh chóng. Vậy bé của bạn nên được đi khám để phát hiện nguyên nhân vì sao bé biếng ăn. Nếu không, việc biếng ăn sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất, cũng như trẻ có thể có vấn đề về sức khỏe khác mà không được phát hiện.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, và đã tin tưởng bệnh viện, các bác sĩ khoa Nhi rất luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Chúc hai mẹ con một ngày vui vẻ, chúng em bé hay ăn chóng lớn.

Bé nhà em 15 tháng, mọc 8 răng nhưng răng bé bị mòn dần lớp men bên ngoài. Lúc đầu răng có mảng bám trắng đục, em nghĩ là do vệ sinh muộn, không sạch. Nhưng dùng khăn chà nhẹ thì mảng bám không bong ra. 2 răng ngoài cùng bên trên đang bị lộ lớp sau men răng, nhìn rất thương. Em hỏi sơ ...

Ngụy Vy, 31 tuổi, B9 Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Bác sĩ Phan Thị Thu Minh

Xin chào bạn, bé của bạn 15 tháng mọc 8 răng, về số lượng như vậy là đủ, nhưng về chất lượng chưa đủ răng bé bị mòn dần lớp men, có mảng bám trắng đục. Bạn nên đưa bé đi khám để đánh giá có bị thiếu vitamin D, hay flour, hay trẻ có thói quen ngậm sữa lúc ngủ.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, và đã tin tưởng bệnh viện, các bác sĩ khoa Nhi rất luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Chúc hai mẹ con một ngày vui vẻ, chúng em bé hay ăn chóng lớn.

Con tôi bị nổi cục hạch bên nách trái, to khoảng 20mm. Bác sĩ cho em hỏi là bé bị gì, nguyên nhân từ đâu và có nguy hiểm không? Em cảm ơn bác sĩ.

Phạm Hồng Đức, 38 tuổi, Đồng Nai

Bác sĩ Dương Thùy Nga

Chào anh/chị, hạch nách vùng bên trái có thể là hạch phản ứng sau tiêm phòng Lao. Tuy nhiên hạch khoảng 20 mm là khá to, vì vậy gia đình nên cho bé đi thăm khám để được các bác sĩ Nhi khoa thăm khám và tầm soát thêm về hạch để có được chẩn đoán và hướng theo dõi và điều trị tiếp theo.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào, anh/chị vui lòng gửi câu hỏi cho chương trình để được tư vấn. Chúc bé và gia đình khỏe mạnh.

Bé gái nhà em gần 19 tháng, nặng 10kg, chiều cao không rõ nhưng một tháng trước đo thì khoảng 81 cm. Bé được 16 răng. Bé rất hiếu động, ít ốm vặt và rất nhanh nhẹn. Vấn đề hiện tại là bé ăn cũng được nhưng lại chậm lên cân.
Bé ăn ngày 3 bữa chính (cháo, cơm, bún, phở...). Em đổi món liên ...

Nông Thuyết, 28 tuổi, Hà Nội

Bác sĩ Phan Thị Thu Minh

Xin chào bạn, bé của bạn 19 tháng, tức là 1 tháng trước, khi bé 18 tháng cân nặng 10 kg, cao 81 cm. Tức là xét về một thời điểm cắt ngang chiều cao và cân nặng vẫn trong giới hạn bình thường, nhưng việc đánh giá các chỉ số tăng trưởng cần theo dõi dọc. Bạn cần cung cấp thêm thông tin thì bác sĩ sẽ đánh giá việc tăng trưởng trên biểu đồ tăng trưởng là đi ngang hay đi xuống, hay đi lên. Nếu như đi xuống hoặc đi ngang là không tốt, cần thăm khám bác sĩ.

Bạn chỉ nói trẻ chậm lên cân thì chưa đủ khách quan đánh giá vì tất cả mọi trẻ tốc độ tăng trưởng sau 1 tuổi sẽ chậm hơn lúc trước 1 tuổi. Bé nên được ăn đa dạng, việc bé không thích ăn rau xanh, món mới thì bé không ăn, hoặc ít ăn, tức là bé có vấn đề dinh dưỡng không hợp lý. Bạn nên kiên nhẫn lại mời lại bé, thường sau khoảng 20 lần giới thiệu món mới bé vẫn không thích, và các món khác bé vẫn ăn, thì mới kết luận là bé không thích món đó.


Chúc bé khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Nếu mẹ có thêm bất cứ thắc mắc nào, có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được tư vấn thêm.

Trân trọng.

Bé nhà em 8 tuổi. Mấy tháng gần đây lợi của cháu thường xuyên bị sưng to thành cục cảm giác như có mủ nhưng không thấy cháu kêu đau. Sau một thời gian thì chỗ sưng tự xẹp xuống. Như vậy có phải cháu bị viêm lợi không ạ?

Thế Ken, 8 tuổi, Từ Liêm - Hà Nội

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào anh/chị!

Theo mô tả của anh/chị, nhiều khả năng bé mắc phải tình trạng viêm lợi (nướu) nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này do bé chưa biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách nên mảng bám và vi khuẩn tại chỗ gây ra tình trạng viêm nhiễm này. Không phải trường hợp viêm lợi (nướu) nào bé cũng cảm thấy đau hay sốt, các triệu chứng hay gặp nhất là lợi sưng to và bé có cảm giác ngứa.

Để biết chính xác tình trạng của bé, bố mẹ nên cho bé đi thăm khám tại chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa răng hàm mặt khi bé xuất hiện lại tình trạng này, để tránh viêm nhiễm tái phát hoặc lan vào sâu hơn.


Chúc bé khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh/chị có thể gửi câu hỏi về chương trình để được tư vấn.

Trân trọng.

Bé trai nhà em nay được hơn 15 tháng. Nhưng bé chưa nói được thì có xem là chậm nói không và có thể khám ở đâu? Hiện tại bé vẫn ăn uống và ngủ bình thường nhưng một tuần bé đi ngoài ít 1-3 lần. Tôi có đi khám bác sĩ cho thuốc bổ sung chất sơ nhưng vẫn không khỏi (từ khi bị ...

Nguyễn Minh Tiến, 32 tuổi, Phú Hoà, Thủ Dầu Một, Bình Dương

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn, bé nhà bạn được 15 tháng, tuổi này bé thường sẽ có các phản ứng với các mệnh lệnh đơn giản bằng lời, sử dụng những cử chỉ đơn giản, nói vài từ đơn... Nếu bé chưa nói được bất cứ từ nào nhưng bé hiểu và có các đặc điểm như bác sĩ mô tả ở trên thì chưa thể khẳng định bé có chậm nói hay không. Trước hết để giúp bé cải thiện, bạn có thể áp dụng một vài biện pháp đơn giản như sau:

- Khi phản ứng với các hành vi không mong muốn của trẻ, hãy nói "không" một cách dứt khoát. Không đưa ra những lời giải thích dài dòng hoặc mắng mỏ, phát vào mông. Cho khoảng thời gian time out từ 30 giây tới 1 phút có thể giúp chỉ dẫn lại cho trẻ.
- Khi trẻ có hành vi tốt, hãy ôm, hôn và khen ngợi nhiều.
- Dùng nhiều thời gian để khuyến khích những hành vi mong muốn, hơn là để trừng phạt hành vi không mong muốn (khoảng gấp 4 lần).
- Nói cho trẻ biết bạn đang làm gì. Ví dụ "mẹ đang lau tay bằng khăn".
- Đọc cho trẻ nghe hàng ngày. Hãy để trẻ tự giở trang sách. Lần lượt gọi tên các bức tranh với trẻ.
- Mở rộng lời nói khi trẻ nói hoặc cố gắng phát âm, hoặc khi trẻ chỉ ngón. VD, trẻ chỉ vào ô tô, và phát âm "tô tô", hãy nói "ừ đúng rồi, ô tô màu xanh".
- Đưa cho trẻ bút và giấy và để trẻ vẽ tự do. Hãy cho trẻ xem cách bạn vẽ đường thẳng ngang, dọc tờ giấy. Khen ngợi khi trẻ cố gắng bắt chước bạn.
- Cho với khối gỗ, hình hộp, và các đồ chơi khác để khuyến khích trẻ sử dụng hai bàn tay.
- Giấu những đồ chơi nhỏ và các thứ khác rồi để trẻ đi tìm.
- Hát các bài hát kèm theo động tác, hãy để trẻ cùng làm các động tác cùng bạn (ví dụ đưa tay ra nào...).
- Cho trẻ cái lọ, cái xoong hoặc một dụng cụ âm nhạc nào đó như trống, khuyến khích trẻ tạo ra âm thanh.
- Cho trẻ nhiều khoảng không an toàn để khám phá (chú ý khóa, cất các thiết bị nguy hiểm trong nhà, chú ý cửa).
- Cho trẻ đẩy đồ chơi ví như một cái xe kéo, cần cẩu...
Nếu sau một thời gian áp dụng biện pháp trên mà bé không cải thiện bạn có thể phải cho bé đi khám. Bạn nên cho bé đến các cơ sở có chuyên khoa Nhi để khám toàn diện cho bé và đánh giá. Chúc bé nhà bạn mau cải thiện.