"Làm mẹ ở tuổi 51 không dễ dàng nhưng có con rồi không gì là không thể", chị Vân chia sẻ hôm 18/11 trước khi rời Việt Nam để trở lại Mỹ với thai nhi gần 20 tuần trong bụng.
Chị Vân 40 tuổi mới kết hôn, sau đó đến Mỹ định cư cùng chồng 10 năm qua nhưng không có thai. Vợ chồng đặt lịch khám sức khỏe sinh sản và thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Mỹ nhưng thủ tục phức tạp, phải chờ đợi khá lâu nên quyết định đến Thái Lan điều trị. Tại đây, chị Vân được chẩn đoán vô sinh do lớn tuổi, dự trữ buồng trứng cạn kiệt, đa nhân xơ tử cung. Vợ chồng chị thụ tinh ống nghiệm tạo được 4 phôi nhưng chuyển phôi hai lần thất bại, tốn gần một tỷ đồng.
Năm 2022, chị Vân cùng chồng về Việt Nam điều trị ở một bệnh viện tại TP HCM. Bác sĩ chỉ định chị xin trứng để IVF bởi hoàn toàn không còn trứng. Chấp nhận có con dù không cùng huyết thống với mẹ, chị Vân xin trứng từ một người cháu 27 tuổi, tạo được 5 phôi nhưng chuyển phôi vẫn không thành công.
Chị tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) khi đã mãn kinh 5 năm nhưng vẫn quyết tâm có con. Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cho biết người bệnh lớn tuổi, nhiều lần chuyển phôi thất bại ngay cả khi xin trứng, cần kiểm tra toàn diện tử cung. Kết quả ghi nhận buồng tử cung của chị Vân có nang chứa dịch nằm trong lớp nội mạc tử cung, làm nội mạc lớn, gồ lên ở vị trí tiền đạo, gần cổ tử cung.
"Đây là một dạng bất thường cấu trúc bẩm sinh ít gặp, cũng là trường hợp đầu tiên được tiếp nhận và điều trị thành công tại IVF Tâm Anh TP HCM", bác sĩ Nguyên nói. Khối này do ống tuyến nội mạc tử cung bị tăng tiết dịch, bít tắc tạo thành nang.
Chị Vân còn được ghi nhận thêm tình trạng nội mạc tử cung mỏng do lớn tuổi. Những yếu tố này khiến tử cung của người bệnh không tối ưu để đón nhận phôi thai, giảm tỷ lệ thành công của IVF. Bác sĩ Nguyên chỉ định không phẫu thuật hay chọc hút dịch khối cấu trúc bất thường, bởi có thể làm ảnh hưởng đến lớp nội mạc. Thay vào đó, chỉ điều trị nội tiết, chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện cho người bệnh.
Nhờ xin trứng của một người cháu họ khác, chị Vân tạo được 8 phôi chất lượng tốt. Bác sĩ Nguyên đưa catheter (ống thông) lướt nhẹ qua khối nội mạc gồ lên, đưa phôi thai lên gần đáy tử cung để tránh va chạm, các phôi còn lại được trữ đông. Chị Vân đậu thai ngay lần đầu song do trở lại Mỹ gấp gáp và áp lực tâm lý lớn nên sẩy thai ở giai đoạn sớm.
Đầu năm 2024, chị Vân lần nữa trở lại Việt Nam chuyển phôi trữ đông. Chị được bác sĩ Nguyên chỉ định sử dụng thuốc nội tiết nhằm nuôi tử cung tối ưu, bổ sung nội tiết progesterone và estrogen trong ba tháng. Quá trình điều trị chặt chẽ, kiểm soát và điều hòa lượng thuốc phù hợp giúp mô phỏng lại nội tiết tự nhiên để tử cung thích nghi tốt hơn.
Một lần nữa, bác sĩ Nguyên đưa dụng cụ chuyên dụng lách qua cấu trúc tử cung bất thường, chuyển phôi vào đáy tử cung, giúp chị Vân đậu thai. Theo dõi thai kỳ ghi nhận khối nội mạc tử cung gồ lên không gây chèn ép thai nhi. Chị Vân quyết định trở lại Mỹ đoàn tụ cùng gia đình, tiếp tục theo dõi thai tại Mỹ.
"Nếu về Việt Nam từ đầu, có thể tôi đã được làm mẹ sớm hơn", chị nói.
Theo bác sĩ Nguyên, nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam rất phát triển, ngang tầm các quốc gia trong khu vực và các nước tiên tiến như Mỹ, Australia... Các công nghệ cao trong chẩn đoán hình ảnh giúp tìm kiếm triệt để nguyên nhân vô sinh, bên cạnh công nghệ nuôi cấy phôi trang bị camera quan sát liên tục tích hợp trí tuệ nhân tạo, trữ đông trứng hoặc tinh trùng, xác định cửa sổ làm tổ của phôi thai... làm tăng tỷ lệ thành công.
Chi phí điều trị tại Việt Nam rẻ hơn nhiều so với thế giới. Tại Việt Nam, chi phí cho một chu kỳ IVF khoảng 4.000-5.000 USD. Theo tạp chí Forbes, mức phí này tương đương 1/3 so với các nước ASEAN khác. Trong khi đó, tại Mỹ, một chu kỳ IVF khoảng hơn 30.000 USD (hơn 700 triệu đồng). Trang nghiên cứu và phân tích thị trường Research and markets đánh giá Việt Nam là điểm đến ưa chuộng với khách du lịch y tế, trong đó có bệnh nhân muốn điều trị IVF.
Tại IVF Tâm Anh, chi phí một chu kỳ IVF khoảng 100-120 triệu đồng. Các bác sĩ từng khám và điều trị cho nhiều vợ chồng từ nước ngoài, chiếm khoảng 20% số trường hợp điều trị IVF. Họ hầu hết vô sinh hiếm muộn lâu năm, điều trị thất bại tại nước sở tại hoặc các nước khác.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo phụ nữ nên mang thai và sinh con trước 35 tuổi giúp giảm những khó khăn khi thụ thai, mang thai và chăm sóc con. Trường hợp vô sinh hiếm muộn nên khám và điều trị càng sớm càng tốt giúp tăng tỷ lệ thành công, giảm chi phí.
Hoài Thương
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |