Ngày 10/11, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Duyên, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bé trai (con sản phụ Bùi Minh Phương, 26 tuổi, ngụ Hòa Bình) chào đời an toàn ở tuần thai 36, cân nặng 2,7 kg, nhịp tim, huyết áp ổn định. Đây là trường hợp em bé bị rối loạn nhịp tim từ trong bào thai hiếm gặp, với tỷ lệ 1/10.000 ca.
Đầu tháng 10, khi mang thai ở tuần thứ 32, chị Phương đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám, bác sĩ phát hiện có hiện tượng rối loạn nhịp tim thai, xu hướng tiến triển nhanh gần gấp đôi bình thường, với tần suất 240 lần/phút, không đều (nhịp tim thông thường của thai nhi là 110-180 lần/phút). Kết quả siêu âm tim thai cho thấy, em bé bị cuồng nhĩ (một dạng rối loạn nhịp tim thai), suy tim, buồng tim giãn, tim giảm co bóp kèm tràn dịch màng phổi.
Tình trạng khẩn cấp bởi nguy cơ thai chết lưu trên 75%. Thai ở tuần 32, phổi chưa trưởng thành nên việc kết thúc thai kỳ sớm và điều trị em bé rất khó khăn, nhất là khi em bé bị suy tim. Sau khi cân nhắc các nguy cơ, khả năng thành công, bác sĩ Duyên quyết định dùng thuốc ngấm qua tuần hoàn bánh nhau điều trị cho thai nhi. Theo đó, mẹ được sử dụng thuốc chống loạn nhịp. Thuốc sẽ theo tuần hoàn bánh rau, tác động trực tiếp lên hệ dẫn truyền tim thai, cắt cơn cuồng nhĩ, duy trì nhịp tim thai ở mức ổn định.
Bác sĩ Duyên phân tích, sử dụng thuốc chống loạn nhịp gián tiếp qua người mẹ là phương pháp điều trị tối ưu trong trường hợp này, cho tỷ lệ thành công cao, hạn chế tối đa biến chứng so với phương pháp dùng trực tiếp trên thai. Tuy nhiên, chính thuốc chống loạn nhịp tim cũng có thể gây biến đổi điện thế tế bào cơ tim của mẹ, dẫn tới các rối loạn nhịp tim mẹ khi đang ở trạng thái bình thường. Vì vậy, bác sĩ phải đánh giá kỹ và theo dõi sát tình trạng mẹ trước, trong suốt quá trình điều trị để đảm bảo an toàn cho mẹ khi dùng thuốc.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Duyên siêu âm kiểm tra bất thường tim thai cho chị Phương tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau 5 ngày điều trị, nhịp tim thai nhi được kiểm soát tốt, nhịp tim thai dao động mức 140-150 lần/phút, chỉ còn một số nhịp bất thường ở tâm nhĩ, hết dịch màng phổi. Thai phụ dần được giảm liều và điều trị duy trì. Nhưng khi sang tuần thứ 36, nhịp tim thai có thời điểm giảm xuống còn 110 lần/phút, nguy cơ suy tim thai tiến triển. Ekip bác sĩ Sản - Tim mạch - Sơ sinh - Nhi đã đánh giá kỹ nguy cơ mất tim thai trong bụng mẹ và khả năng hồi sức, can thiệp điều trị thành công sau sinh, nhất là khi phổi em bé đã trưởng thành hơn, chưa có dấu hiệu tràn dịch tái phát, bác sĩ quyết định mổ khẩn bắt con và tiếp tục điều trị cho bé sau sinh.
Nhờ điều trị kịp thời ngay từ trong bụng mẹ, bé được cải thiện chức năng tim, ổn định nhịp tim, kéo dài thời gian trưởng thành phổi. Êkip bác sĩ Sản - Sơ sinh - Tim mạch nhi đón bé ngay tại phòng sinh, giúp bé ổn định thân nhiệt, hồi sức phổi bơm Surfactant (điều trị suy hô hấp cho trẻ sinh non), siêu âm tim kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tại khoa Sơ sinh. Song song đó, bác sĩ cũng hội chẩn với đồng nghiệp chuyên khoa sâu về rối loạn nhịp tim trẻ em ở một bệnh viện tuyến trung ương lên kế hoạch hỗ trợ, tiếp nhận, điều trị thêm cho bé. Hiện sức khỏe bé ổn định và đã xuất viện.

Em bé chào đời an toàn và được theo dõi tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nhịp tim thai là dấu hiệu quan trọng đánh giá sức khỏe thai nhi. Nhịp tim thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của thai. Tim đập không đều, quá nhanh hoặc quá chậm là biểu hiện của rối loạn nhịp.
Theo bác sĩ Duyên, tình trạng rối loạn nhịp tim ở thai nhi hiếm gặp, chỉ chiếm từ 1-2% các trường hợp thai phụ. Trong đó, 85% trường hợp chỉ cần theo dõi, 15% còn lại thuộc nhóm nặng cần điều trị. Trường hợp cuồng nhĩ tim thai như chị Phương chiếm khoảng 30% các loại rối loạn nhịp tim nhanh ở thai. Đây là tình trạng rối loạn nhịp nặng, ước tính cứ 10.000 ca mới có một trường hợp mắc phải.
Thai phụ cần khám thai định kỳ theo các mốc thời gian bác sĩ tư vấn. Các trường hợp như mẹ bị sốt, nhiễm virus, nhiễm trùng, mắc bệnh tuyến giáp, bệnh tự miễn hay dùng thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim như thuốc giãn phế quản... nên khám sàng lọc tim thai sớm tại các cơ sở y tế có sự phối hợp đa chuyên khoa Sản - Tim mạch - Sơ sinh - Nhi để được theo dõi chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Linh Đặng