Theo thời gian, trứng trong cơ thể người phụ nữ cũng rơi vào trạng thái lão hóa và giảm số lượng đáng kể, dẫn đến khả năng thụ thai kém hơn. Do đó, nhiều phụ nữ trẻ có ý định lập gia đình muộn thường có nhu cầu đông lạnh trứng.
Đây là phương pháp mang trứng chưa thụ tinh trong buồng trứng đi bảo quản ở điều kiện sâu. Một quả trứng đông lạnh sau khi rã đông có thể kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm và cấy vào tử cung của người mẹ. Mới đây, một phát hiện từ các nhà khoa học tại Mỹ đã giúp các chị em thêm niềm tin vào giải pháp này.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Fertility and Sterility và có sự tham gia của 453 phụ nữ với độ tuổi trung bình là 38 tuổi. Những người này đang đối mặt với sự suy giảm khả năng sinh sản tự nhiên do tuổi tác và đã trải qua 800 chu kỳ đông lạnh trứng, 605 lần rã đông trứng và 436 lần chuyển phôi trong giai đoạn 2005-2020.
Kết quả cho thấy trứng đông lạnh không làm thay đổi tỷ lệ mang thai thành công ở phụ nữ. Cụ thể, những phụ nữ dưới 38 tuổi có từ 20 quả trứng trưởng thành trở lên được rã đông đạt tỷ lệ mang thai thành công là 70%. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện thêm 14 trường hợp đông lạnh trứng ở độ tuổi 41-43 đã có con thành công từ trứng đông lạnh của họ. Nhóm tuổi này gây bất ngờ lớn bởi đã bước qua độ tuổi sinh sản.
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết, quá trình thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước khi đông lạnh trứng đã góp phần dẫn đến tỷ lệ sẩy thai thấp và làm gia tăng khả năng đậu thai trên mỗi lần chuyển phôi cao hơn. Họ cũng nhấn mạnh việc sàng lọc sẽ giúp quá trình chuyển phôi đơn lẻ an toàn cho cả mẹ lẫn con.
Chuẩn bị gì khi đông lạnh trứng?
Phụ nữ nên thực hiện phương pháp đông lạnh trứng khi còn trẻ tuổi. Nếu đông lạnh trứng khi 30 tuổi, tỷ lệ trứng thụ tinh thành công phát triển thành thai là 13,2%. Trong khi đó, phụ nữ đông lạnh trứng khi 40 tuổi chỉ có tỷ lệ thành công đạt 8,6%.
Trước khi bắt đầu quá trình đông lạnh trứng, một số xét nghiệm mà các chị em cần thực hiện gồm: kiểm tra dự trữ buồng trứng, xét nghiệm máu, siêu âm buồng trứng. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện thêm tầm soát bệnh truyền nhiễm để sàng lọc trứng.
Khi khám sàng lọc xong, các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm hormone giúp buồng trứng sản sinh trứng nhiều hơn. Sau 10-14 ngày, việc lấy trứng sẽ được tiến hành bằng cách chọc hút siêu âm qua ngã âm đạo để lấy trứng ra khỏi nang và đem đi đông lạnh với kỹ thuật thủy tinh hóa. Một số các tác dụng phụ mà phái nữ có thể gặp phải sau khi thực hiện lấy phôi đông lạnh như bị chuột rút, cảm giác đau nhẹ và tăng cân.
Huyền My (Theo Science Daily, WebMD, Mayo Clinic)