(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Việt Nam ta có gần 100 triệu người. Mỗi người có sức ăn khác nhau, tính bình quân ra thì một người ăn một phần tư ký gạo mỗi ngày, một năm là 91,25 kg. Nhu cầu gạo của cả nước trong một năm là 9 triệu 125 nghìn tấn gạo. Tổng sản lượng gạo hàng năm của Việt Nam là 22 triệu tấn. Cung vượt quá xa cầu.
Như vậy, nếu bạn trồng ra loại gạo ăn không ngon, giá gạo của bạn chỉ vừa đủ "lấy công làm lời". Nếu chúng ta trồng lúa đặc sản, một năm một vụ thì sản lượng gạo của ta chỉ vừa đủ dùng giá gạo sẽ tăng mạnh. Một năm một vụ thì đất đai được nghỉ để tiêu độc, có thời gian làm thủy lợi để rửa phèn, rửa mặn, cây lúa được trồng đúng vụ (đúng lúc thời tiết thích hợp nhất), giống lúa sẽ không bị thoái hóa nhanh tạo khoảng trống thời gian để nghiên cứu ra giống mới.
Một vụ lúa 3 tháng thì 9 tháng còn lại làm gì? Trồng rau, nuôi gà vịt thả đồng, làm đất chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Với xuất khẩu, ai cần gạo để ăn thì đặt hàng cho ta. Như vậy, giá xuất khẩu sẽ cao hơn hẳn tình trạng tranh mua tranh bán hiện nay.
>> 'Trồng lúa chỉ đủ ăn, không thể giàu'
Người đặt hàng phải đặt cọc (bằng với chi phí làm ra hạt gạo), giao hàng thanh toán nốt phần tiền còn lại (cũng chính là lợi nhuận). Như vậy là ta nắm đằng cán trong việc xuất khẩu gạo (giữa chừng họ không mua thì họ mất tiền cọc và gạo của ta không bán được thì có thể để vào kho tạm trữ chờ người mua khác).
Để bình ổn giá nông sản, có hai biện pháp. Một là cơ quan chức năng mua hết lượng nông sản còn lại mà tư nhân không mua và bán lượng nông sản ấy ra khi giá cả thị trường có dấu hiệu tăng đột biến.
Hai là nhà nước đặt ra chính sách giá trần sau thuế với mọi loại nông sản. Ai bán hàng vượt quá giá trần sẽ bị đánh thuế nặng, bị rút giấy phép kinh doanh. Mục đích của chính sách này nhằm ngăn chặn đầu cơ tích trữ đẩy giá lên (tạo ra lạm phát).
Muốn chọn biện pháp thứ hai, nhà nước phải tính ra được chi phí làm ra hạt gạo hàng năm (dựa vào số liệu năm trước của cơ quan thuế). Tương tự với tất cả các loại hàng hóa khác. Biện pháp thứ hai đòi hỏi phải có quy trình tính toán khoa học và nghiêm ngặt, có cơ sở dữ liệu điện tử để có thể truy xuất mọi lúc mọi nơi. Cuối cùng, muốn có lợi nhuận ròng từ hạt gạo, từ phân bón, thuốc trừ sâu đến các loại máy móc nông nghiệp ta phải tự làm ra được.
>> Tìm sinh kế mới khi dòng Mekong đuối sức
Như hiện nay, nói xin lỗi, hạt gạo của ta là "gạo gia công". Ngoài công trồng lúa, chăm sóc và thu hoạch ra, máy móc phân bón các thứ cái gì cũng nhập ngoại, lợi nhuận ròng nhiều lắm là 15%, bất kể giá gạo là bao nhiêu (giá gạo bao nhiêu thì mấy chi phí nhập ngoại ấy cũng sẽ là bấy nhiêu vì ta không khống chế được).
Các quốc gia tây Âu và Mỹ có năng suất nông nghiệp vượt trội. Thuế suất nông sản của họ trong nội địa là bằng không do vậy giá cả lương thực của họ rất rẻ (so với thu nhập trung bình của họ).
Tuy nhiên, họ hết sức bóp chặt sản lượng nông nghiệp vừa đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, không bao giờ để cung vượt quá xa cầu như ta. Họ thà vứt rác hay làm gì đó với nông sản dư thừa chứ không xuất khẩu lương thực với giá rẻ mạt để bảo vệ người nông dân.
Nhập khẩu nông sản của họ với giá thị trường chứ có phải với giá rẻ mạt đâu. Cứ mua cao bán thấp như này bao giờ nông nghiệp Việt Nam mới có lời?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm