(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Giống lúa mà bạn huuphuoc trong bài 'Một công lúa chỉ thu về được 1,5 triệu đồng sau 3 tháng' đề cập, là giống lúa cao sản, năng suất rất cao (8 tấn/ hecta/ vụ). Nếu nông dân trồng lúa nào cũng trồng như thế, Việt Nam mình sẽ dư ra hàng triệu tấn gạo một năm. Hàng dư thừa thì giá siêu rẻ, đó là quy luật kinh tế. Loại gạo cao sản này chất lượng không ngon, chỉ xuất khẩu để cứu đói cho các khu vực nghèo trên thế giới, giá xuất khẩu không bằng một nửa của gạo Thái Lan.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ loanh quanh ở mức 500-800 đôla/tấn tùy theo thế giới thất mùa hay trúng mùa. Giá xuất khẩu gạo của Thái Lan luôn ở mức 1500-1.800 đôla/ tấn với những thị trường toàn những nước giàu có như ở Trung Đông. Vận chuyển bằng tàu biển (hay bất cứ phương tiện vận chuyển nào), người ta cứ cân trọng lượng lên rồi tính tiền, họ quan tâm làm gì cái trọng lượng ấy có giá bao nhiêu tiền.
Như vậy, gạo càng rẻ, phí vận chuyển trong giá bán càng cao. Người nghèo ăn để sống thì gạo càng rẻ càng tốt, càng dễ bị ép giá vì người mua có rất nhiều nguồn cung khác nhau. Gạo càng đắt, càng ngon thì tính độc quyền càng cao, càng khó bị ép giá, tỷ lệ các chi phí ngoài cũng thấp hơn gạo giá rẻ.
>> 'Một công lúa chỉ thu về được 1,5 triệu đồng sau 3 tháng'
Trước kia, chỉ có Việt Nam và Thái Lan hoành hành thị trường gạo thế giới. Nay, hơn 10 quốc gia nữa gia nhập vào, trong đó có cả ông khổng lồ về nông nghiệp là Ấn Độ. Ấn Độ dù sao cũng là một quốc gia đông dân, họ vẫn phải đề cao số lượng hơn chất lượng - tức là họ đang trực tiếp cạnh tranh với ta.
Trong tình hình đó, muốn bứt tóp thì ta phải giảm số lượng đề cao chất lượng, nâng cao phân khúc hàng hóa của mình. Nếu cứ trồng lúa theo kiểu lấy số lượng bù chất lượng như hiện nay thì việc xuất khẩu gạo sẽ trở thành gánh nặng, ngoại tệ thu về càng ít ỏi.
Phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông cụ, nhiên liệu đa số đều nhập khẩu. Chỉ có công trồng lúa là của người Việt Nam. Như vậy có khác gì chúng ta trồng lúa "gia công" cho người ta.
Trong khi đó, xuất khẩu nông sản thực phẩm ở các nước mang lại lãi ròng gần như tuyệt đối - tức là họ có rất ít cái phải nhập khẩu để phục vụ cho cái việc trồng trọt ấy. Trồng lúa "gia công" thì càng phải nghiên cứu ra những giống lúa ngắn ngày năng suất cao để thâm canh tăng vụ khiến đất đai nhanh chóng bạc màu lại càng phải bón nhiều phân hơn.
>> Bài toán để nông dân trồng lúa lời 40 triệu đồng một vụ
Mật độ trồng trọt càng cao càng phát sinh ra đủ thứ dịch bệnh mà quá khứ không có, càng phải tăng hàm lượng hóa chất trừ sâu, hóa chất chống dịch bệnh. Như vậy, chi phí cho phân bón và thuốc trừ sâu mỗi năm một tăng mà giá lúa không tăng vì sản lượng quá dư thừa thì chả phải là ngày càng nghèo thêm?
Thái Lan mấy chục năm chỉ trồng vài giống lúa. Việt Nam thì vô số giống lúa khác nhau thay đổi xoành xoạch. Cái đó kêu bằng "phát triển bền vững"? Đây là tôi chỉ mới phân tích sơ qua cái kiểu trồng lúa cũ kỹ của ta, còn nếu đi sâu hơn nữa vào việc xuất nhập khẩu gạo thì, nói trắng ra là "lời giả lỗ thật". Càng xuất khẩu nhiều gạo nông dân càng lãi ít đi nếu chúng ta không thay đổi lại phương thức canh tác, phương thức bao tiêu.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm