(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Vào mùa hạn mặn khốc liệt đang tàn phá đồng bằng ở miền Tây, có không ít những ý kiến chia sẻ cũng như trăn trở về hướng đi của cây lúa nói riêng và nền nông nghiệp của đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh ven biển miền Tây, tuy không phải là tỉnh chủ lực về cây lúa, nhưng gia đình tôi đã gắn bó bao đời với nghề trồng lúa. Tôi đã đi qua biết bao những thăng trầm cùng cây lúa và hiện thấy cây lúa ở miền Tây có hai vấn đề lớn cần phải được giải quyết.
Thứ nhất, vấn đề giá cả của hạt gạo. Xin quay lại thời gian về cách đây 20 năm, vào khoảng năm 2000, lúc đó giá gạo cao sản loại dùng để xuất khẩu khoảng 2,600 đồng/ kg. Nhà tôi lúc đó làm 3 ha ruộng, trừ hết chi phí, một năm chúng tôi dư được 27 triệu đồng, với số tiền đó và tại thời điểm đó, gia đình chúng tôi có một mức sống khá thoải mái ở chính quê hương mình. Rồi với đà kinh tế đất nước ngày càng phát triển nhanh, mạnh, gồm các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ..., cây lúa đã mất dần vị thế lẫn giá trị sản phẩm.
Hệ quả tất yếu như hiện nay, hầu hết nông dân ở các tỉnh ven biển đồng bằng Sông Cửu Long như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... vốn đã không mấy mặn mà với cây lúa do giá bán thấp mà giá vật tư nông nghiệp, nhân công ngày càng cao. Những khó khăn ấy như nhân lên gấp bội khi những năm gần đây miền Tây liên tục chịu những đợt hạn mặn khốc liệt. Cá nhân tôi gắn bó với cây lúa gần như cả đời vậy mà lúc này cũng cảm thấy bế tắc giữa hai luồng suy nghĩ: nên tiếp tục trồng lúa hay là chuyển đổi canh tác một loại hình nuôi trồng nào khác có giá trị kinh tế cao hơn?
Mùa vừa qua, ở chỗ của tôi, bà con nông dân chỉ làm có hai vụ là hè thu và thu đông mà thôi, còn vụ đông xuân được chính quyền địa phương khuyến cáo xâm nhập mặn, không nên gieo sạ, nhưng đây mới là vụ cho năng suất và phẩm chất lúa tốt nhất cả năm, bà con có lời chủ yếu là ở vụ này. Như vậy, người giỏi lắm cũng chỉ hòa vốn và lời được rơm cho bò ăn hoặc làm nấm thôi.
>> Đề xuất cách rửa mặn đồng bằng sông Cửu Long
Vấn đề tiếp nữa là về quy hoạch đất trồng lúa, Nhà nước luôn luôn đề cao chính sách về an ninh lương thực là điều tốt. Tuy nhiên, Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo đứng hàng top thế giới nên khó có chuyện chúng ta bị thiếu gạo được, mà giả dụ có thiếu cục bộ thì trong vòng ba tháng là có thu hoạch để bổ sung ngay.
Trở lại với các tỉnh ven biển miền Tây tôi đã nói ở trên, các tỉnh này đất nông nghiệp bao gồm đất ven biển để nuôi sản thủy nước mặn, đất nuôi thủy sản nước ngọt, đất trồng hoa màu và đất trồng lúa. Nhưng cái khó của những vùng này là đất trồng lúa không liên canh mà nó bị sen lẫn với đất nuôi thủy sản nước ngọt và đất trồng hoa màu, và diện tích của những thửa ruộng cũng không lớn. Nó không giống như những cánh đồng ở miệt Đồng Tháp, An Giang "cò bay thẳng cánh".
Từ những hạn chế về quy hoạch vùng chuyên canh đó làm cho người dân gặp vô vàn khó khăn trong việc đầu tư sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng. Đầu tiên là việc di chuyển phương tiện móc máy để làm đất, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch, gieo trồng... kéo theo là chi phí sản xuất gia tăng. Có một số bà con chán nản với nghề trồng lúa định chuyển đổi canh tác bằng cách lên liếp trồng hoa màu hoặc nuôi cá, nuôi tôm thì lại vướng phải chính sách an ninh lương thực, không cho chuyển đổi đất canh tác lúa sang loại hình canh tác khác. Có thể nói, những thửa ruộng này ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, người nông dân làm thì cực công cả năm trời mà chẳng có lợi nhuận gì, còn nếu bỏ không làm thì thấy cũng tiếc ai đời nông dân mà lại đi bỏ ruộng cho cỏ mọc chứ.
Cuối cùng, kinh tế đất nước ta trong hai thập kỷ trở lại đây đã có những bước tiến vượt bậc, điều đó đã tạo ra sự lệch pha đáng kể với đối với nền nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, làm cho sự chênh lệch về thu nhập của người trồng lúa và các ngành nghề khác ngày càng lớn. Cho nên, để giữ chân người trồng lúa trên chính mảnh đất của họ, theo tôi Nhà nước ta nên thực hiện chính sách bảo hộ lúa gạo. Chính phủ cần thống kê sản lượng lúa gạo sản xuất được trong năm, sản lượng xuất khẩu, sản lượng tiêu dùng trong nước để từ đó đề ra những phương án thu mua dự trữ, tính toán giá cả thu mua để bảo đảm cho người nông dân có lời và sống được với nghề trồng lúa.
Và để xây dựng nền nông nghiệp nước ta trở thành nền nông nghiệp tiên tiến, việc làm bắt buộc đó là phải lập quy hoạch vùng chuyên canh, bằng cách khuyến khích bà con nông dân dồn điền đổi thửa. Việc này cần phải làm quyết liệt, sau đó kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, tâm quyết với nông nghiệp vào đầu tư. Làm được điều đó, tôi nghĩ trong tương lai không xa, chúng ta sẽ nâng cấp được nền nông nghiệp của nước nhà và tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng có giá trị kinh tế cao, được các thị trường khó tính trên thế giới chào đón.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.