Miền Tây đang bước vào cơn bão hạn mặn, cơ quan chức năng xác định, đầu tháng 2, lượng nước sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 40 cm và 20 cm so cùng kỳ năm 2016.
Nông dân miền Tây đang gặp nhiều khó khăn vì hạn mặn. Độc giả có nickname Mr Rạng than thở: Vụ 3 này xứ tôi coi như mất trắng. Lúa đang làm đồng mà kênh thì trơ đáy, thua rồi bà con à. Thanh long, dưa hấu còn có mà giải cứu. Lúa và hoa màu giờ có đâu mà cứu chứ!
Độc giả có nickname Hai lúa: Phù sa đâu nữa để bồi đắp? Khoảng 20 năm về trước, cứ đến tháng 5 âm lịch là nước từ thượng nguồn đổ về, nước đỏ au. Còn bây giờ nước về không có bao nhiêu mà lại trong veo, đâu còn phù sa nữa. Các đập thủy điện ở thượng nguồn tích nước làm phù sa lắng đọng lại hết rồi, chưa hết nếu trong dòng nước mà không có phù sa thì nước sẽ chảy nhanh hơn gây ra tình trạng sạt lở bờ sông.
Đồng bằng sông Cửu Long giờ đây chỉ còn mỗi Đồng Tháp là chưa bị nhiễm mặn, mà không biết sẽ trụ được không khi mỗi năm xâm nhập mặn càng sâu. Ngẫm mà buồn cho miền Tây quê tôi nơi tự hào là vựa lúa của cả nước.
Trong khi đó, độc giả Văn Vân cho rằng cần chủ động đối phó trước diễn biến thất thường của thiên nhiên:
Dẫu rằng vạn vật vô thường, nhưng trước dòng Mekong ngày càng đuối sức không thể đẩy mặn được thật xót xa. Có lẽ nước dòng Mekong suy yếu do lượng mưa suy giảm trên toàn lưu vực sông.
Đồng bằng Nam bộ phải biết quý, và tích trữ nước ngọt để canh tác hơn là cứ nhìn quanh than vãn. Thái Lan họ đã phát triển những hồ chứa nước ngọt để canh tác mùa khô từ lâu. Hãy hành động từ việc nhỏ để tự cứu mình.
>> Mùa nước nổi thất thường ở miền Tây và viễn ảnh tương lai
Đồng ý kiến, độc giả Lê Minh Thọ đề xuất: chúng ta phải làm những hồ nước lớn dự trữ sinh quyển nước ngọt đồng thời phải làm những con đê lớn để cho nước biển khỏi tràn vào khi thủy triều lên.
Độc giả Nguyễn Trung Kiên: Cần có một chiến lược ngăn mặn dài hạn, vì tương lai mực nước biển càng ngày dâng lên. Rất mong nỗ lực của các cấp lãnh đạo, nông dân đã khổ lắm rồi, mấy đời chân lắm tay bùn vẫn chưa thể nào giàu lên nổi. Chúng ta phải chung tay phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp.
"Cần phải có các giải pháp cấp bách xây hồ điều tiết nước ngọt ở các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long. Cách đây 10 năm, không ai nghĩ đồng bằng sông Cửu Long lại hạn hán, thiếu nước ngọt trầm trọng đến như thế này. Phải cứu lấy đồng bằng sông Cửu Long, cứu lấy vựa lúa lớn nhất nước này", độc giả có nickname quynhonthoitrang.
Trước khi có giải pháp cụ thể, một số độc giả cho rằng cần chuyển đổi mô hình nông nghiệp để người nông dân ổn định cuộc sống:
Nên chuyển đổi mô hình nông nghiệp. Thay vì trồng lúa nước có thể trồng các loại cây khác cần ít nước hơn để tránh phụ thuộc vào nguồn nước sông Mekong.
Bây giờ quay lại mỗi năm trồng hai vụ lúa như hồi xưa có vẻ có lý hơn. Không xuất khẩu lúa gạo nhiều thì xuất khẩu lúa gạo loại cao cấp cho thị trường châu Âu, Mỹ, Canada... Campuchia với Thái Lan làm được không lẽ mình làm không được. Ít nhưng mà chất.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.