(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Ai nói người trồng lúa không thể làm giàu? Đời cha trồng loại nào bằng phương pháp nào đời con cũng y như thế không có gì thay đổi thì làm sao giàu được? Nghề nông là một trong những nghề tự do, việc tự đào tạo và cập nhật kiến thức càng phải thường xuyên hơn, không bỏ công bỏ sức ra thì làm sao sống được chưa nói đến làm giàu?
Trồng lúa muốn ngồi mát ăn bát vàng, ít nhất bạn phải có tầm một mẫu đất (10 nghìn m2, bằng một hecta). Nhìn bằng mắt thường, bạn có thể hình dung một mẫu đất có diện tích xấp xỉ một sân bóng đá (bao gồm cả khán đài). Với diện tích đó, một mình bạn không thể nào làm xuể được, buộc phải thuê người làm. Như vậy bạn sẽ kiếm được 40 triệu một vụ (tức là xấp xỉ lương của cử nhân mới tốt nghiệp).
Tuy nhiên, với tầm diện tích này, chủ đất sẽ tự mua sắm trang bị các loại máy móc nông nghiệp cần thiết. Như vậy "lương" của bạn sẽ là gấp đôi (tương đương chức vụ trưởng phòng của một công ty tầm 500 nhân viên). Đất ruộng lúa nước Việt Nam vốn thích hợp với phân hữu cơ (phân người, phân súc vật trộn với rơm rạ ủ cho phân hủy ra). Làm phân hữu cơ tốn nhiều công sức. Để tiết kiệm sức lực và "sạch sẽ" người ta bón phân vô cơ (phân NPK – viết tắt từ 3 nguyên tố Ni –tơ, Hydro và Kali). Bón loại phân này thay vì làm một vụ mất 4 – 5 tháng thì chỉ còn mất 3 tháng nhưng theo thời gian, đất và các mạch nước ngầm bên dưới sẽ bị nhiễm độc vì dư thừa hóa chất dẫn đến hoặc là năng suất kém hoặc là chất lượng gạo không ngon.
Ở thành phố, người ta mua gạo theo giá tiền thích hợp với khả năng tài chính của họ. Loại gạo từ giống lúa mà bạn huuphuoc đề cập chả mấy ai ăn, thường dùng để xuất khẩu. Gạo ngon đắt tiền không nhất định là gạo nhập khẩu, thường là những loại gạo thơm mà ta hay gọi chung là gạo "đặc sản" (tám thơm, nàng hương, tài nguyên....). Loại gạo này có năng suất rất thấp (khoảng 300 kg lúa một công đất), công chăm sóc cao nhưng giá gạo cũng cao tương ứng, thậm chí nhiều khi không có hàng để mua.
Nhược điểm của những loại gạo này là không thể trồng đại trà, chỉ thích hợp ở những nơi có khí hậu thổ nhưỡng nhất định và mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Giống như một bác kỹ sư nông nghiệp ở miền Tây lai tạo ra giống lúa cho ra loại gạo được đánh giá là "ngon nhất thế giới", bạn có thể tưởng tượng loại gạo đắt tiền này hút hàng đến cỡ nào.
>> 'Một công lúa chỉ thu về được 1,5 triệu đồng sau 3 tháng'
Thời nay chứ có phải thời "con trâu đi trước cái cày đi sau" đâu. Ừ, lại so sánh với nông dân Mỹ. Nông dân Mỹ không phải muốn trồng cái gì, bao nhiêu thì trồng. Dân số Mỹ vào khoảng 300 triệu người, nhu cầu lương thực là bao nhiêu sẽ được tính toán ra (chi tiết trên từng mặt hàng) rồi chính phủ phân bổ hạn ngạch xuống cho từng hộ nông dân (tùy theo diện tích đất mà họ sở hữu cũng như nhân lực máy móc các loại), sản phẩm làm ra nhà nước bao tiêu với tiêu chuẩn chất lượng đã quy định sẵn.
Trồng trọt chăn nuôi vượt quá hạn ngạch hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì anh tự ăn cho hết số lương thực ấy. Do vậy, nông dân Mỹ chỉ làm hàng vượt quá hạn ngạch khi có đơn đặt hàng từ nước ngoài (cụ thể là Trung Quốc).
Còn ta, cái thị trường cần thì không làm, làm cái thị trường không cần. Đã thế còn làm ra nông sản với số lượng vượt quá nhu cầu thị trường trong khi chất lượng ngày càng giảm sút, khắp nơi kêu gọi "giải cứu". Chừng nào mà nông nghiệp còn làm ăn manh mún tự phát như này, cơ quan quản lý chỉ quan tâm xuất khẩu, nhu cầu nội địa phó mặc cho thị trường, thì nông dân còn khổ dài dài.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm