Sau thông tin cơ quan chức năng sẽ cơ cấu ngành hàng lúa gạo, nhiều độc giả đồng tình với quan điểm nên giảm diện tích trồng lúa.
Làm lúa cực dã man mà bán sản lượng lúa một vụ 3 tháng trời ra trả đủ cho phân bón lại hết, vòng luẩn quẩn cứ thế mà nghèo nếu bám lúa. Người dân bỏ quê lên thành thị làm công nhân nhiều là do vậy.
Làm lúa chỉ đủ ăn chứ không thể khá hơn được lý do là nguồn cung vượt cầu nên người dân không mặn mà. Nhà tôi có mấy sào ruộng cho người ta làm đã hai năm nay nên có thể nói chuyển đổi cây trồng khác mà mang lại lợi ích hơn thì rất được lòng dân.
Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án giảm diện tích trồng lúa. Lâu nay, chúng ta đã quan điểm hết sức sai lầm là lo diện tích đất trồng lúa giảm sẽ ảnh hưởng đến lương thực. Nhưng trong thực tế, đất ruộng bỏ hoang vì trồng lúa không còn cho thu nhập gì, thậm chí người nông dân còn bị lỗ. Thế nhưng, khi xin chuyển sang việc khác lại gặp khó khăn vì "đất đó quy hoạch trồng lúa rồi".
Phải nhìn rộng ra một chút. Giữ đất nhiều làm gì trong khi các nước như Hà Lan, Israel diện tích bé tẹo mà năm nào cũng thu hàng chục tỷ USD xuất khẩu nông sản. Gạo năm nào cũng thừa xuất khẩu mấy triệu tấn nên cái gọi là "an ninh lương thực" là tương đối xa vời. Phải quy hoạch lại, đất làm việc gì có lợi nhất thì làm, còn thu hẹp diện tích trồng lúa. Tất nhiên chỗ còn lại là những đất phù hợp, cho giá trị lúa gạo cao.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả "hiến kế" nông dân Việt đừng tập trung vào sản lượng mà hãy chú trọng chất lượng nông sản:
Cần cải tạo những vùng chuyên canh cây lúa sản lượng cao, thành trồng lúa giá trị cao. Chỗ nào giá thị thấp hơn chuyển qua trồng cây ăn trái. Tuy nhiên vẫn để một diện tích chuyên canh lúa để đảm bảo an ninh lương thực và thực hiện nghĩa vụ quốc tế...
Chỉ cần trồng lúa đủ ăn thôi. Còn lại tập trung làm các sản phẩm giá trị kinh tế cao, hàm lượng chất xám, công nghệ cao. Dần dần người nông dân sẽ không phải đi làm thuê, gia công cho nước khác. Nông sản chất lượng cao sẽ giúp đời sống nhân dân thoát nghèo thành giàu thực sự.
Tôi thấy nông dân Việt Nam hiện nay đa nuôi trồng đều chạy theo số lượng mà ít quan tâm tới chất lượng nông thuỷ sản, điều mà thị trường trong và ngoài nước đều rất quan tâm. Dẫn đến dù đạt năng suất cao nhưng mất giá.
Nông dân cần học hỏi nông dân Nhật, làm sao sản xuất ra nông thuỷ sản chất lượng cao và xây dựng hệ sinh thái bền vững ở các vùng nuôi trồng.
Lúa của ta nhiều nhưng rẻ hơn Thái, rẻ hơn Camphuchia. Chúng ta nên hướng tới tất cả các sản phẩm nông nghiệp đều phải đặt quy chuẩn thế giới.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.