Ông Vương (quốc tịch Trung Quốc) thắt ống dẫn tinh vào năm 2017 sau khi ly hôn vợ cũ. Năm 2021, ông kết hôn với chị Bích, 31 tuổi, ba năm sau vẫn chưa có con.
Vợ chồng khám sức khỏe sinh sản ở Trung Quốc, kết quả ông Vương không có tinh trùng nên không thể có con. Ông muốn phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh, tuy nhiên do lớn tuổi nên tỷ lệ thành công thấp. Bác sĩ khuyên phẫu thuật tìm tinh trùng, nhưng quá trình này phải chờ gần hai tháng. Họ quyết định về Việt Nam vào đầu năm 2024, đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) điều trị.
Ngày 18/3, ThS.BS Dương Quang Huy, Trưởng Đơn vị Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nam giới sau triệt sản, về lý thuyết thì tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng nhưng không có tinh trùng khi xuất tinh, vì các ống dẫn tinh đã bị chặn.
Trường hợp ông Vương, bên cạnh việc triệt sản trước đây, bác sĩ Huy ghi nhận thêm tình trạng tinh hoàn teo nhỏ, thể tích chỉ 3,3 ml (trung bình 15-25 ml). Nội tiết testosterone cũng rất thấp và các nội tiết khác phản ánh tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng. Nguyên nhân có thể do quá trình triệt sản trước đây đã gây tổn thương động mạch ống dẫn tinh, dẫn đến suy giảm lượng máu đến nuôi tinh hoàn, khiến tinh hoàn teo nhỏ, tổn thương các tế bào mầm sản xuất tinh binh. Bên cạnh đó, tinh hoàn trái có tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh mức độ khá nặng.
Bác sĩ Huy đánh giá khả năng tìm thấy tinh trùng cho bệnh nhân này rất thấp, kể cả khi thực hiện kỹ thuật hiện đại nhất là vi phẫu tích mô tinh hoàn tìm tinh trùng (micro-TESE).
"Dù 1% hy vọng vẫn mong bác sĩ mổ cho tôi", ông Vương nói bằng tiếng Anh bập bõm.
Trường hợp mong muốn làm cha ở tuổi xế chiều như ông Vương không phải hiếm. Đơn cử, ông Trần, 62 tuổi, Việt kiều Mỹ, triệt sản 12 năm trước khi vợ chồng đã có đủ con, tập trung phát triển kinh tế. Năm 2020, họ ly hôn, lập gia đình riêng. Sau 4 năm không con, ông cùng người vợ mới 32 tuổi về Việt Nam vào tháng 8/2023 để thụ tinh ống nghiệm.
IVF Tâm Anh TP HCM cũng từng tiếp nhận không ít trường hợp nam giới lớn tuổi đến điều trị hỗ trợ sinh sản. Hầu hết đã có con, vô sinh thứ phát do sức khỏe sinh sản suy giảm hoặc tiền sử triệt sản. Ngoài khám lâm sàng, các xét nghiệm cần thiết, họ được tư vấn tâm lý, các nguy cơ bất thường di truyền và khó khăn trong chăm sóc con cái khi ở độ tuổi lớn.
Theo bác sĩ Huy, khả năng sinh sản của nam giới không dừng lại đột ngột như phụ nữ. Tinh hoàn có thể sản xuất tinh trùng từ tuổi dậy thì đến cuối đời, giúp người đàn ông vẫn có con ở độ tuổi xế chiều. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng tinh trùng cũng có nhiều thay đổi và suy giảm theo tuổi tác.
Một phân tích tại Mỹ kiểm tra chất lượng tinh trùng ở hơn 5.000 nam giới từ 16,5 đến 72,3 tuổi cho các thông số đo được của các lần xuất tinh không thay đổi trước 34 tuổi. Ngay sau độ tuổi này, tổng số lượng tinh trùng khi xuất tinh (và tổng số tinh trùng di động) sẽ giảm xuống. Mật độ tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng có hình thái bình thường giảm sau 40 tuổi. Khả năng di chuyển của tinh trùng và các thông số di động tiến tới của tinh trùng giảm sau 43 tuổi và thể tích xuất tinh giảm sau 45 tuổi.
Nam giới lớn tuổi sẽ tăng nguy cơ bị tổn thương và phân mảnh DNA của tinh trùng dẫn đến khó có con hoặc trẻ sinh ra mang những bất thường di truyền, khiếm khuyết phát triển, tự kỷ...
Đầu tháng 3, bác sĩ Huy cùng ê kíp thực hiện vi phẫu micro-TESE cho ông Vương. Đúng như tiên lượng, các ống sinh tinh ở hai bên tinh hoàn đều thoái hóa. Sau gần 3 giờ, bác sĩ Huy phát hiện một ống sinh tinh tiềm năng.
Các chuyên viên phôi học xé mô, tìm thấy 6 tinh binh, khả năng vận động khá yếu. Nhờ kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) và hệ thống tủ nuôi cấy phôi trang bị camera quan sát liên tục, tích hợp trí tuệ nhân tạo, vợ chồng ông Vương có 4 phôi. Bác sĩ sàng lọc bất thường và thu được 3 phôi tốt, mang lại hy vọng có con khỏe mạnh cho người đàn ông lớn tuổi.
Còn ông Trần sức khỏe tốt, tinh hoàn vẫn có khả năng sản xuất tinh trùng. Bác sĩ thực hiện kỹ thuật trích tinh trùng từ mào tinh (MESA) bằng kim chuyên dụng đồng thời tiến hành thông nối lại ống dẫn tinh cho bệnh nhân trong cùng một lần can thiệp. Chuyên viên phòng lab lọc rửa, chọn lựa tinh trùng khỏe mạnh đủ điều kiện và thụ tinh ống nghiệm cùng trứng của người vợ, được 6 phôi chất lượng tốt.
Sau sàng lọc phôi tiền làm tổ, còn 3 phôi khỏe mạnh. Cuối tháng 10/2023, người vợ được chuyển một phôi vào tử cung, thai nhi đến nay được 20 tuần và phát triển khỏe mạnh.
Bác sĩ Huy khuyên nam giới lớn tuổi khó có con do tiến trình lão hóa tự nhiên hay tiền sử triệt sản cần gặp bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản. Sau khi khám toàn diện, tùy tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp, tiết kiệm chi phí. Kỹ thuật siêu vi phẫu cùng công nghệ thụ tinh ống nghiệm và nuôi cấy phôi hiện đại, kết hợp kỹ thuật sàng lọc phôi tiền làm tổ giúp nam giới lớn tuổi vẫn có con khỏe mạnh.
Hoài Thương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |