Ca can thiệp cho bé Trà My được truyền hình trực tiếp từ phòng thông tim (DSA) của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Đây là một trong 6 nơi trên thế giới truyền hình trực tiếp các ca can thiệp bệnh lý tim bẩm sinh trong khuôn khổ hội nghị lần 11 diễn ra ngày 15-17/1. BS.CKII Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cùng êkíp luồn ống thông từ mạch máu đùi đến buồng tim, đưa dụng cụ vào bít lỗ thông thành công cho bé My. Bé được siêu âm tim qua thực quản kiểm tra chính xác kích thước lỗ thông liên nhĩ và chọn dụng cụ kích thước nhỏ nhất có thể để bít lỗ thông. Bé phục hồi nhanh và xuất viện ngày hôm sau.
Trước đó, bác sĩ Phúc chẩn đoán bé My bị thông liên nhĩ lỗ thứ hai lớn ngay sau sinh. Lỗ thông có đường kính 12,5 mm, gây biến chứng giãn buồng tim phải và giãn động mạch phổi. Bệnh nhi có nguy cơ suy tim bên phải, tăng áp phổi rất cao nếu không can thiệp đóng thông liên nhĩ sớm. Sau một thời gian điều trị bệnh hô hấp kết hợp chăm sóc dinh dưỡng, My được 9,2 kg, đủ điều kiện thực hiện thủ thuật.
Bé My là một trong hơn 30 bệnh nhân tim bẩm sinh được can thiệp thành công từ 6 bệnh viện ở Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam. Chương trình có sự tham dự và thảo luận của 300 chuyên gia tim mạch trong và ngoài nước.
Như Hòa, 21 tuổi, đã phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot hoàn toàn vào năm 3 tuổi, từng thay van động mạch phổi sinh học 10 năm trước. Nay van động mạch phổi sinh học của bệnh nhân hẹp trung bình và hở nặng, gây biến chứng giãn lớn thất phải, chức năng thất phải (RVEF) giảm còn 41%, bình thường trên 50%. Bác sĩ Phúc nhận định nếu không can thiệp sửa chữa tổn thương, Hòa có nguy cơ suy tim tiến triển, rối loạn nhịp, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (nhiễm trùng ở các van tim do vi khuẩn gây ra).
TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP HCM, cho biết đây là ca can thiệp phức tạp, cần đưa ống thông có gắn bóng đến vị trí van bị hẹp, sau đó bóng được bung ra để mở rộng van. Tiếp đến, các bác sĩ đặt stent có chứa van sinh học vào đúng vị trí dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để điều trị hẹp, hở van động mạch phổi. Kiểm tra sau đặt, van nhân tạo hoạt động tốt như van bình thường. "Các bác sĩ tự tin trình diễn các kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm can thiệp tim bẩm sinh của Việt Nam với thế giới", bác sĩ Tín nói.
Bác sĩ Phúc cho hay đóng thông liên nhĩ bằng dụng cụ và thay van động mạch phổi qua da là những kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật. Người bệnh không cần trải qua cuộc mổ lớn, không mở ngực, không phải thở máy, hồi phục sau vài giờ làm thủ thuật.
Giáo sư Kevin Patrick Walsh, Bệnh viện Mater Misericordiae, Ireland, đánh giá hệ thống phòng mổ hiện đại và trang thiết bị tiên tiến giúp bác sĩ có thể can thiệp ít xâm lấn để điều trị bệnh tim bẩm sinh.
Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sự ra đời của ngành can thiệp tim bẩm sinh đã giảm tải cho phẫu thuật tim, nhiều người bệnh được điều trị sớm. So với 10 năm trước, các cơ sở y tế phát triển theo hướng chuyên sâu, đầu tư mạnh mẽ trang thiết bị, máy móc siêu âm hiện đại giúp chẩn đoán sớm bệnh. Đầu tháng 1/2025, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong hai bệnh viện tư nhân được Sở Y tế TP HCM xếp cấp chuyên sâu về chuyên môn kỹ thuật.
Mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em trên thế giới chào đời bị dị tật tim bẩm sinh. Tại Việt Nam, con số này khoảng 8.000-10.000 trẻ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |