Video với tựa đề "Quốc kỳ của chúng ta" đang được chiếu liên tục trên truyền hình nhà nước Triều Tiên, cho thấy lá cờ nước này xuất hiện nhiều lần bên cạnh những hình ảnh cho thấy thành tựu phát triển của đất nước, theo AP.
Theo các nhà quan sát, đây dường như là một phần trong chiến dịch tuyên truyền của Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dự kiến diễn ra ở Việt Nam vào cuối tháng 2. Nội dung chủ đạo của chiến dịch này là kêu gọi lòng yêu nước và đoàn kết của người dân hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế mà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề ra.
Các hình ảnh khác trong video cho thấy những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực kinh tế và mức sống của người dân Triều Tiên, phản ánh sự thay đổi trong chính sách của ông Kim Jong-un chú trọng vào phát triển và thịnh vượng.
Lời bài hát "Quốc kỳ của chúng ta" cũng đang được phổ biến rộng rãi và được in trên những tấm poster cỡ lớn dán tại các nhà máy. Công nhân nhà máy dệt may Kim Jong-suk được yêu cầu học thuộc bài hát với lời mở đầu: "Khi ngước lên nhìn lá cờ màu đỏ - xanh bay cao trên trời, chúng ta nghe tiếng trái tim đập trong dòng máu yêu nước".
Lần đầu tiên được chiều trên truyền hình vào dịp năm mới 2019, video này khác xa so với những đoạn phim tuyên truyền trước kia của Triều Tiên. Giữa năm 2017, truyền hình Triều Tiên liên tục phát "Bài hát của Tên lửa Hwasong" mang thông điệp chống Mỹ khi căng thẳng liên quan đến chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này lên đến cao trào.
Lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu tiên hé lộ sự thay đổi chính sách trong bài phát biểu năm mới 2018. Sau đó, các cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6/2018 ở Singapore đã mở ra tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, đàm phán Mỹ - Triều sau cuộc gặp thượng đỉnh này gặp bế tắc do bất đồng về khái niệm "phi hạt nhân hóa". Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ tập trung làm rõ những bước đi cụ thể của Triều Tiên hướng tới mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo cũng như những hành động "đáp lễ" của Mỹ đối với các động thái này.
An Hồng