Zona thần kinh còn gọi là zona hoặc shingles, là bệnh nhiễm trùng da do virus Varicella zoster (VZV), thuộc họ virus Herpes, gây ra. Virus này hay tấn công vào da và thần kinh.
ThS.BS.CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, VZV là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu. Sau khi một người bị thủy đậu và khỏi bệnh, VZV vẫn tồn tại trong cơ thể ở trạng thái "ngủ đông" nhiều năm tại các hạch thần kinh cảm giác mà không gây bệnh.
Khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể, stress, già yếu, mắc ung thư hay các bệnh về máu, đái tháo đường..., virus này sẽ tái hoạt động. VZV nhân lên và lan truyền theo các đường dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương da và dây thần kinh, dẫn đến bệnh zona.
Triệu chứng của zona trên da gồm ba giai đoạn. Bác sĩ An cho biết đầu tiên, người bệnh có cảm giác bất thường (dị cảm) trên một vùng da, như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm. Người bệnh có thể mệt mỏi, khó chịu, sợ ánh sáng.
Trong khoảng một ngày tiếp theo, bệnh vào giai đoạn khởi phát. Vùng da xuất hiện những mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, gồ cao hơn mặt da, nằm dọc theo đường phân bố của dây thần kinh và dần nối với nhau thành dải.
Ở giai đoạn toàn phát 3-4 ngày sau đó, trên những mảng đỏ da xuất hiện mụn nước, bọng nước tập trung thành đám, giống như chùm nho. Lúc đầu mụn nước chứa dịch trong rồi hóa đục, có mủ, dần vỡ đóng vảy. Đây là thời điểm đau và khó chịu nhất. Thời gian trung bình từ khi khởi phát tổn thương đến khi lành sẹo khoảng 2-4 tuần.
Người lớn tuổi thường tổn thương nhiều hơn, với vùng da bị bệnh rộng hơn. Mụn nước, bóng nước có thể xuất huyết, hoại tử da, nhiễm khuẩn, sẹo xấu và kéo dài.
Zona thường chỉ xuất hiện ở một bên người, không vượt quá đường giữa cơ thể và theo đường phân bố của một dây thần kinh ngoại biên. Đầu mặt cổ, lưng, ngực, bụng, vùng sinh dục, bẹn, đùi... là các vị trí dễ bị bệnh. Hạch bạch huyết vùng lân cận thường sưng to.
Đau là triệu chứng thường gặp khác của zona, theo bác sĩ An. Cơn đau có thể xuất hiện trước cả khi có tổn thương ngoài da và thay đổi trong thời gian bệnh tiến triển. Mức độ đau đa dạng, từ nhẹ (âm ỉ tại chỗ, rát bỏng) đến nặng (như kim châm, đau dữ dội, giật từng cơn).
Cơn đau thường nặng hơn ở người già, kéo dài vài tháng, thậm chí hàng năm dù da đã lành sẹo. Đây là biến chứng đau dây thần kinh sau zona. Tuổi càng cao, nguy cơ đau dây thần kinh nhiều hơn và bệnh dễ nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ An cho biết bệnh zona thường không nguy hiểm tới tính mạng, song gây khó chịu kéo dài. Người mắc zona ở mặt, nhất là vùng mắt nên đến khám sớm với bác sĩ chuyên khoa da liễu và khoa mắt, nhằm hạn chế tổn thương mắt và nguy cơ giảm thị lực hoặc dẫn đến mù lòa, sẹo vùng mặt. Biến chứng của zona có thể dẫn đến viêm phổi, các vấn đề về thính giác, viêm não hoặc viêm màng não nếu bệnh không được điều trị đúng và kịp thời.
Để phòng ngừa zona thần kinh, bác sĩ An khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh, ngay cả khi một người đã mắc và khỏi bệnh. Tiêm vaccine giúp hạn chế tái phát zona hoặc giảm nhẹ mức độ, biến chứng bệnh gây ra.
Bệnh zona có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất lỏng từ mụn nước của người bệnh. Virus có thể lây sang những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh zona và chưa bao giờ bị thủy đậu. Hạn chế tiếp xúc với dịch mụn nước của người bệnh, nhất là phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người già.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |