Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, dễ lây lan, ảnh hưởng đến mũi, họng, xoang và khí quản. Có hơn 200 loại virus khác nhau có thể gây cảm lạnh, phổ biến nhất là rhinovirus. Mọi người đều có thể mắc cảm lạnh ít nhất vài lần trong đời.
Các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm chảy nước mũi (nước mũi lúc đầu có thể trong, sau đó đặc lại và có thể có màu xám, vàng hoặc xanh lá cây), hắt hơi, sốt cao, chán ăn, bỏ bú, chảy nước dãi nhiều do đau họng và khó nuốt, ho, cáu gắt, thở khò khè...
Ở người lớn, triệu chứng cảm lạnh thông thường xuất hiện theo từng giai đoạn. Các giai đoạn cảm lạnh thông thường bao gồm giai đoạn sớm, giai đoạn tiến triển và giai đoạn muộn.
Giai đoạn sớm (ngày 1-3)
Trong vòng 1-3 ngày sau khi nhiễm virus cảm lạnh, người bệnh cảm thấy ngứa ở cổ họng, hơi đau họng. Các triệu chứng cảm lạnh thông thường khác có thể gặp phải trong giai đoạn đầu này như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi có màu trong, giọng hơi khàn.
Giai đoạn tiến triển (ngày 4-7)
Các triệu chứng thường nặng hơn hoặc đạt đỉnh trong giai đoạn này. Ngoài các triệu chứng ở giai đoạn sớm, người bệnh thường đau nhức cơ thể, đau đầu, chảy nước mắt và nước mũi, ho, mệt mỏi, sốt (thường gặp ở trẻ em).
Giai đoạn muộn (ngày 8-10)
Ở giai đoạn này, bệnh có thể tiến triển theo hai xu hướng.
Thứ nhất: Cảm lạnh thường bắt đầu giảm, người bệnh khỏi bệnh và chỉ còn một số triệu chứng nhẹ không đáng kể. Một số trường hợp bị ho dai dẳng kéo dài vài tuần sau cảm lạnh.
Thứ hai: Triệu chứng cảm lạnh nặng hơn, người bệnh có thể bị sốt hoặc xuất hiện biến chứng khác như viêm phế quản viêm xoang hoặc viêm phổi. Người bệnh nên đi khám để được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để làm dịu triệu chứng cảm lạnh, người bệnh nên nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, súc miệng bằng nước muối giúp giảm đau hoặc ngứa cổ họng. Uống nhiều nước, kể cả nước lọc, nước trái cây, góp phần làm loãng đờm, nhầy, giảm nghẹt mũi và ngăn ngừa mất nước. Uống mật ong pha với trà hoặc nước ấm để bớt ho. Dùng máy phun sương hoặc máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ, góp phần bổ sung độ ẩm cho không khí, giảm tắc nghẽn đường hô hấp.
Cảm lạnh dễ lây lan từ người sang người. Để phòng cảm lạnh, bạn nên hạn chế tiếp xúc với người bị ốm, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc với người ốm hoặc các bề mặt ở nơi công cộng như thanh máy, tay cầm cầu thang... Ưu tiên thực phẩm giàu vitamin A (khoai lang, cà rốt, rau bina), vitamin C (trái cây họ cam quýt) và vitamin E (hạnh nhân, hạt hướng dương) để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.
Anh Chi (Theo Cleveland clinic)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |