Trả lời:
Đi tiểu là quá trình khá phức tạp của cơ thể. Khi bàng quang đầy, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu đến não để chuẩn bị đi tiểu. Khi nhịn tiểu lâu, các dấu hiệu buồn tiểu ở trạng thái gấp gáp, thôi thúc cơ thể cần đi tiểu ngay lập tức.
Hầu hết trẻ có thể tự kiểm soát bàng quang khi 3 tuổi. Đến 5 tuổi, 90% trẻ em có thể tự kiểm soát được việc đi tiểu của bản thân trong ngày. Không ít trẻ nhịn tiểu vì một số lý do như ngại nhà vệ sinh nơi công cộng bẩn, mải chơi, sợ đi tiểu một mình...
Trẻ mắc tiểu thường không có biểu hiện gì. Tuy nhiên, cha mẹ nếu để ý quan sát sẽ biết được một số dấu hiệu trẻ đang nhịn tiểu như bồn chồn, vặn vẹo người, bắt chéo chân, dùng tay giữ vùng kín, ngồi xổm hoặc siết chặt đùi, mất tập trung...
Trẻ em thường đi tiểu mỗi 2-3 giờ một lần vào ban ngày, khoảng cách giữa các lần khoảng hơn 3 giờ nếu trẻ uống ít nước. Trẻ thỉnh thoảng nhịn tiểu gần như không nguy hiểm đến thận và bàng quang, không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm thần. Tuy nhiên, nhịn tiểu xảy ra liên tục, lặp lại quá nhiều lần, về lâu dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.
Nhịn tiểu lâu làm nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Khi trẻ nhịn tiểu thường xuyên, bàng quang phải giữ nước tiểu lâu, dễ gây giảm trương lực co bóp bàng quang. Bàng quang mất khả năng co bóp bình thường có thể gây khó tiểu hoặc tiểu són, tiểu không kiểm soát. Nếu bàng quang quá căng vì nhịn tiểu, nước tiểu có thể chảy ngược lên thận, gây viêm bể thận, lâu dần có thể mắc bệnh thận mạn.
Tuy vậy, thường đến lúc bàng quang căng quá mức không thể chịu nổi, trẻ buộc phải đi tiểu. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng. Bạn cần hướng dẫn, giáo dục con hạn chế tối đa nhịn tiểu, tập thói quen đi tiểu mỗi 2-3 giờ một lần.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Trẻ nặng 10 kg cần một lít nước một ngày (kể cả sữa), trẻ nặng hơn 10 kg thì mỗi kg thêm 50 ml nước. Trẻ từ 10 tuổi trở lên, lượng nước uống bằng người lớn là 2-2,5 lít mỗi ngày. Phụ huynh cần quan sát và hỏi han con nếu thấy dấu hiệu nhịn tiểu hoặc có triệu chứng bất thường.
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức
Trưởng khoa Tiết niệu
Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |