Tần suất đi tiểu bình thường khác nhau ở mỗi người. Tùy vào tốc độ uống chất lỏng, kích thước bàng quang, độ tuổi và các yếu tố khác, nhìn chung bàng quang cần được giải phóng sau mỗi 2-5 giờ.
Bàng quang của phụ nữ có thể chứa tới 500 ml nước tiểu, còn ở nam giới trưởng thành là tới 700 ml. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có bàng quang bé hơn nên cần đi tiểu thường xuyên hơn. Trẻ sơ sinh thường ướt tã 6-8 lần một ngày, thậm chí nhiều hơn. Trẻ trên một tuổi có thể cần đi tiểu từ 10 lần trở lên mỗi ngày, nhất là trong quá trình tập đi vệ sinh.
Người trưởng thành đi tiểu 6-7 lần một ngày là trung bình. Đi tiểu ít nhất 4 lần và nhiều nhất 10 lần mỗi ngày vẫn nằm trong mức bình thường. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tần suất này như thuốc lợi tiểu điều trị huyết áp cao có thể khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn. Các tình trạng bệnh lý như tiểu đường, mang thai và thiếu máu hồng cầu hình liềm, cũng gây ra tình trạng tương tự.
Nếu cảm thấy không muốn đi tiểu thời gian dài có thể đây là dấu hiệu mất nước. Mất nước xảy ra khi lượng chất lỏng cơ thể mất đi nhiều hơn lượng hấp thụ. Khi mất quá nhiều chất lỏng, chức năng của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Các triệu chứng mất nước có thể bao gồm chóng mặt, đi tiểu ít, nước tiểu có màu nâu hoặc vàng sẫm, khô miệng.
Một số người muốn đi tiểu nhưng gặp khó khăn do một số tình trạng nhất định như suy thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, tiểu không tự chủ, bàng quang tăng hoạt, viêm bàng quang kẽ, bí tiểu.
Các bác sĩ khuyên mọi người nên đi tiểu khoảng ba giờ một lần và ngay khi có nhu cầu. Cơ thể thường mất 9-10 giờ để sản xuất lượng nước tiểu tối đa. Nhịn tiểu 1-2 giờ thường không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho sức khỏe. Đó là khoảng thời gian an toàn để mọi người có thể nhịn tiểu mà không gây tổn thương cho bàng quang. Tuy nhiên, trì hoãn quá lâu có thể gây nhiều nguy cơ cho cơ thể. Thường xuyên không đi tiểu đủ hoặc không đi tiểu hết trong vài ngày có thể khiến vi khuẩn tích tụ và nhân lên trong bàng quang, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Với người nhịn tiểu theo thói quen, bàng quang có thể bắt đầu teo lại, theo thời gian có thể dẫn đến tiểu không tự chủ. Nhịn từ 10 giờ trở lên có thể bị bí tiểu, nghĩa là các cơ ở bàng quang không thể thư giãn và giải phóng nước tiểu ngay cả khi bạn muốn. Trong trường hợp rất ít gặp, nhịn tiểu có thể khiến bàng quang bị vỡ. Người gặp khó khăn khi đi tiểu nên đến bác sĩ khám. Chức năng bàng quang suy yếu có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
Với trẻ em, khó biết được khi nào trẻ tiểu khó, nhất là trong giai đoạn trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi. Phụ huynh nên theo dõi số lần tã ướt của trẻ, nếu dưới 4 lần mỗi ngày thì nên liên hệ bác sĩ, ngoài ra chú ý đến màu nước tiểu của con. Nước tiểu phải có màu trong đến vàng nhạt bởi màu hổ phách hoặc sẫm hơn có thể cho thấy trẻ bị mất nước.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |