Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể trẻ bị thiếu hụt dưỡng chất bao gồm thiếu năng lượng, chất đạm, chất béo và các vi chất dinh dưỡng. Bệnh khiến trẻ bị nhẹ cân, còi cọc và thường phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vi chất, còi cọc, nhẹ cân ở trẻ em. Trong đó, phần lớn các nguyên nhân xuất phát từ việc bố mẹ chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ không đúng cách ngay từ giai đoạn bào thai đến giai đoạn cho con bú và ăn dặm bổ sung, khiến trẻ thiếu hụt dưỡng chất, chậm tăng trưởng.
Thiếu vi chất, suy dinh dưỡng được chia theo nhiều mức độ khác nhau như suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng gầy còm, suy dinh dưỡng thể phù, suy dinh dưỡng thể teo đét, suy dinh dưỡng thể hỗn hợp.
Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu chất mà không có giải pháp can thiệp kịp thời thì trẻ dễ gặp hàng loạt vấn đề gồm: không thể phát triển tầm vóc, nhẹ cân, thấp còi, dễ mắc bệnh, chậm phát triển trí não, ngôn ngữ, giao tiếp kém hơn, học tập khó đạt hiệu quả cao.
Theo tiến sĩ Lê Bạch Mai, hậu quả của suy dinh dưỡng cũng có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Phụ nữ từng bị suy dinh dưỡng khi còn nhỏ hoặc ở tuổi vị thành niên đến khi lớn lên có khả năng bị suy dinh dưỡng khi mang thai. Nếu mẹ bị suy dinh dưỡng, con sinh ra yếu ớt, nhẹ cân dễ dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc thấp còi ngay trong năm đầu sau sinh. "Nguy hiểm hơn, những trẻ này có nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ bình thường và khó có khả năng phát triển bình thường", bác sĩ Mai cảnh báo.
Vì vậy, để điều trị và phòng ngừa trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu vi chất hoặc nhẹ cân thì cần phải có sự thay đổi từ chế độ dinh dưỡng thai kỳ đến khi trẻ ra đời. Theo đó, trong thời gian mang thai mẹ bầu cần đảm bảo cân nặng tăng trong chuẩn 10-12kg. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, bổ sung đủ các dưỡng chất ở cả 4 nhóm: chất bột đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid), các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất; đảm bảo...
Ở giai đoạn sau sinh, cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và nên kéo dài đến 24 tháng tuổi. Sau 6 tháng, trẻ bắt đầu ăn dặm. Lúc này, thực đơn mỗi ngày của trẻ phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất: bột đường (cơm, cháo), chất đạm (thịt, cá, trứng), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả, sữa và các chế phẩm từ sữa...) để đảm bảo trẻ luôn được cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu hoạt động và tăng trưởng.
Đối với trẻ nhẹ cân, thiếu chất cần chú trọng bổ sung các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu trong chế độ ăn hàng ngày. Tiến sĩ Mai cho biết, những vi chất này không sinh năng lượng nhưng có nhiệm vụ rất quan trọng đối với quá trình chuyển hoá của cơ thể, thúc đẩy quá trình chuyển hoá, hấp thu dinh dưỡng và năng lượng, giúp cơ thể hoạt động, tăng trưởng, bảo vệ các tế bào và cơ quan của cơ thể.
Sắt: Tham gia vào quá trình vận chuyển và lưu trữ oxy, chuyển hóa các chất dinh dưỡng; tạo enzyme, tạo tế bào hồng cầu. Thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp dẫn đến thiếu máu. Thực phẩm giàu chất sắt gồm thịt bò, thịt gà, gan, cá, trứng, mộc nhĩ, mè, rau dền, đậu xanh, rau má...
Canxi: Giữ vai trò cấu tạo xương, răng, tham gia vào quá trình đông máu và chuyển hóa một số chất dinh dưỡng. Canxi có nhiều trong các thực phẩm như cá, trứng, các loại rau xanh đậm, sữa và các chế phẩm từ sữa...
Iốt: Giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe, trí tuệ. Thực phẩm giàu iốt gồm các loại hải sản, rong biển, muối biển...
Kẽm: Tham gia vào thành phần hơn 300 enzyme cho các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng và phân chia tế bào. Thực phẩm giàu kẽm gồm tôm, cua, hàu, ngao, thịt bò, thịt gà, hạt ngũ cốc, phô mai...
Vitamin các loại: Vitamin A, D, C, vitamin nhóm B là những loại vitamin mà trẻ suy dinh dưỡng thường thiếu hụt nhất. Thiếu vitamin dễ khiến trẻ suy giảm khả năng miễn dịch, còi xương, biếng ăn, suy dinh dưỡng, cơ thể kém hấp thu. Vitamin có nhiều trong rau xanh (bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây...) và trái cây (đu đủ, cam, ổi, nho, dâu...).
Song song với việc chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung dưỡng chất đúng cách và khoa học, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao có lợi như: bơi lội, bóng đá, bóng rổ...
Nhẹ cân, thiếu chất không chỉ ảnh hưởng đến thể trạng mà còn làm chậm sự phát triển trí tuệ của trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu hoặc bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi, bố mẹ có thể đưa trẻ đi thăm khám để được tư vấn, can thiệp và điều trị suy dinh dưỡng kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.
Ngữ Yên