Trả lời:
Phẫu thuật tim bẩm sinh là ca mổ được tiến hành nhằm sửa chữa những khiếm khuyết của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn nuôi tim. Một số cuộc phẫu thuật tim bẩm sinh phổ biến bao gồm đóng thông liên thất hoặc thông liên nhĩ, đóng ống động mạch, sửa hoặc thay van tim, phẫu thuật tứ chứng Fallot...
Sau ca mổ, song song với chế độ chăm sóc đặc biệt về giảm đau, dinh dưỡng, bố mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ vận động hợp lý để tránh làm tổn thương vết mổ, giúp trẻ hồi phục nhanh hơn. Cụ thể, hướng dẫn về vận động dành cho trẻ theo từng độ tuổi như sau:
Đối với trẻ dưới 1 tuổi
Trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật: Thay đổi tư thế trẻ thường xuyên để tránh ứ đọng đàm nhớt, tránh xẹp phổi, tăng cường lưu thông máu; tránh các hoạt động có thể ảnh hưởng đến vết mổ như cho trẻ nằm sấp, nằm võng điện, trườn bò...
Trong 4 tuần tiếp theo: Cho trẻ vận động nhẹ nhàng; tránh để trẻ lật (lẫy) hay bò, ngồi xe tập đi...
Trong 8 tuần tiếp theo: Trẻ có thể vận động, sinh hoạt như bình thường; lưu ý tránh các hoạt động tác động đến vùng ngực của trẻ như té sấp, va đập...
Đối với trẻ trên 1 tuổi và thanh thiếu niên
Trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật: Không cho trẻ nằm sấp, cử động tay chân quá mạnh hay chơi thể thao.
Trong 4 tuần tiếp theo: Không để trẻ đẩy hoặc kéo vật nặng; có thể vận động nhẹ nhàng nhưng tránh cử động cánh tay quá mạnh; không chạy nhảy nhiều, không leo cầu thang quá 2 tầng.
Trong 8 tuần tiếp theo: Trẻ có thể đi học và sinh hoạt bình thường; tránh các hoạt động có nguy cơ gây ra lực tác động vào vùng ngực như chơi đá bóng, võ thuật, bóng rổ, bóng chuyền...
Bé nhà bạn 7 tuổi, sắp phẫu thuật sửa van tim. Trong giai đoạn hậu phẫu và 12 tuần đầu sau mổ, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ vận động phù hợp với bé. Sau khoảng thời gian này, bé có thể trở lại các hoạt động thường nhật, tập thể dục hoặc chơi các môn thể thao vừa sức. Tuy nhiên, nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ chậm, đạp xe, yoga..., sau đó tăng dần cường độ tập và tiến tới chơi cầu lông, bơi lội, bóng đá... khi sức khỏe bé hoàn toàn ổn định.
Trong lúc bé chơi thể thao, bạn lưu ý không cho bé vận động quá sức, hãy khuyên bé nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt. Trẻ sau mổ tim cũng không nên vận động dưới thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh vì dễ ảnh hưởng đến huyết áp và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác. Tốt nhất, bạn nên cho con đi kiểm tra, tái khám định kỳ. Tùy theo mỗi lần tái khám cho kết quả thế nào: bé còn hẹp hở van tồn lưu không, còn tăng áp phổi hay dịch màng tim không, bác sĩ sẽ tư vấn bài tập phù hợp với thể trạng.
Sau ca phẫu thuật tim, trẻ cần được theo dõi sức khỏe gần như suốt đời để phát hiện sớm bất thường và xử lý kịp thời nếu bệnh tái phát. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ ăn uống khoa học và hoạt động thể chất thường xuyên. Đây chính là biểu hiện của lối sống lành mạnh mà trẻ nên duy trì cho đến khi trưởng thành.
BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy
Khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM