Trả lời:
Thịt đỏ như heo, bò, trâu, dê, cừu là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất đạm, béo, vitamin và khoáng chất, cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đạm chất lượng cao (protein hoàn thiện) trong thịt đỏ có đủ 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể người không tự sản sinh được. Trung bình 100 g thịt heo nạc chưa chế biến có 19 g protein, 100 g thịt bò nạc chưa chế biến có 21 g protein.
Thịt đỏ dồi dào sắt, kẽm, vitamin nhóm B, hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu, cải thiện chức năng miễn dịch, góp phần phát triển trí não, khả năng tập trung, ghi nhớ của trẻ.
Trẻ có thể ăn thịt đỏ mỗi ngày nhưng tổng lượng tiêu thụ không nên vượt quá 70 g thịt đã nấu chín hoặc 100 g thịt chưa chế biến. Lượng thịt đỏ trẻ tiêu thụ mỗi ngày có thể thay đổi theo độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng hiện tại, mức độ phát triển chiều cao, cân nặng, chức năng sinh lý và bệnh lý nếu có.
Trẻ ăn quá nhiều thịt đỏ, nhất là các món chiên rán hoặc chế biến sẵn có thể tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, dậy thì sớm, mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, đột quỵ, ung thư.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đầy đủ, cân bằng các nhóm chất gồm bột đường (cơm, cháo, bánh mì), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), các vitamin và khoáng chất (rau xanh, trái cây). Phụ huynh nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thịt đỏ, thường xuyên thay đổi cách thức chế biến. Chú trọng món luộc, hấp, hạn chế món chiên, nướng. Khuyến khích trẻ thường xuyên vận động và tập luyện vừa sức.
Ba mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng định kỳ, có thể xét nghiệm vi chất bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC giúp xác định con thiếu hay thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ có thể hướng dẫn ba mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với mỗi trẻ.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |