Hầu như mỗi tháng chị Phan Kiều Loan (Gò Vấp, TP HCM) đều phải xin nghỉ việc vài ngày để chăm con ốm. Bé nhà chị hơn 3 tuổi nhưng thường xuyên bị viêm phế quản, thở khò khè, chảy mũi xanh. Bé cũng hay rối loạn tiêu hóa, lười ăn, chững cân. Sau bệnh con lại sụt cân nên chị Loan rất lo lắng.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha - Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết trẻ hay ốm vặt có nhiều lý do. Nguyên nhân cơ bản nhất là do sức đề kháng (hệ miễn dịch) yếu. Theo đó, các bệnh vặt mà trẻ thường mắc phải là bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi ở đường hô hấp, tai mũi họng, tiêu hoá...
Khi bị bệnh vặt thường xuyên, sức khỏe của bé sẽ bị ảnh hưởng, trẻ mệt mỏi, kém ăn, chán ăn. Ngoài ra, việc bé thường xuyên dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm khi bị bệnh cũng khiến trẻ bị chán ăn, tiêu hóa kém do hệ vi khuẩn đường ruột mất cân bằng. Lâu ngày, nguy cơ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, nhẹ cân, chậm tăng trưởng dễ xảy ra.
Bác sĩ An Pha cho biết, tình trạng dinh dưỡng và sức đề kháng, nguy cơ mắc bệnh của trẻ luôn có mối tương quan mật thiết với nhau. Nếu cơ thể không nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong thời gian nhất định thì hệ miễn dịch sẽ suy yếu, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Ngược lại, nếu hay mắc phải các bệnh nhiễm trùng thì trẻ cũng dễ bị suy dinh dưỡng do ăn uống kém.
"Đây là vòng luẩn quẩn giữa bệnh tật, nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám, tuân thủ chỉ định thuốc của bác sĩ, tránh tùy tiện dùng kháng sinh kháng viêm cho con. Ngoài ra, bố mẹ lưu ý về ăn uống để trẻ bổ sung các dưỡng chất đầy đủ nhất", bác sĩ An Pha cho biết.
Tăng cường đề kháng và dinh dưỡng
Để trẻ hạn chế ốm vặt, tránh suy dinh dưỡng, bác sĩ An Pha đưa ra lời khuyên, phụ huynh cần tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho bé vận động ngoài trời, khắc phục chứng biếng ăn, chán ăn dưới sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
Ngoài cung cấp dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức hàng ngày, những trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, trẻ lớn hơn cần được bổ sung đầy đủ, đa dạng các nhóm thực phẩm (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin,khoáng chất) để tăng sức đề kháng. Cha mẹ ưu tiên bổ sung các dưỡng chất cho bé như vitamin C, D, E, kẽm, sắt, kali...
Ngoài ra, ba mẹ cũng cần đảm bảo trẻ uống đủ lượng nước cơ thể cần qua nước lọc, sữa, nước canh... với khoảng 1- 1,5 lít/ngày để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, hỗ trợ tiêu tốt hơn.
Các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho trẻ bao gồm: trái cây giàu vitamin C, vitamin B6, chất xơ, kali, chất chống oxy hóa... như cam, quýt, nho, chuối, táo, việt quất... Nếu bé ăn thường xuyên sẽ tác động tích cực đến hệ miễn dịch. Cùng với trái cây, các loại rau, củ, quả (bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, khoai lang...) với lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất dồi dào cũng được xếp vào danh sách các thực phẩm tăng sức đề kháng cho bé.
Ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu chứa nhiều omega-3, khoáng chất (kẽm, sắt) giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất, trí não, hệ miễn dịch của trẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng.
Người lớn cho trẻ ăn các loại sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ hệ miễn dịch hiệu quả. Để bảo vệ trẻ trước sự tấn công của virus, giúp trẻ tăng đề kháng, mẹ có thể cho bé ăn sữa chua theo khẩu phần phù hợp với lứa tuổi.
Bên cạnh đó, phụ huynh khuyến khích trẻ vận động thường xuyên là một trong những "chìa khóa vàng" tăng cường hệ miễn dịch, kích thích nhu động ruột hoạt động hiệu quả, giúp bé ăn uống, hấp thụ tốt dưỡng chất. Đạp xe, bơi lội, đá bóng... là những môn thể thao phù hợp, mẹ nên khuyến khích con tập luyện mỗi ngày. Các hoạt động ngoài trời giúp trẻ hòa đồng với thiên nhiên, hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời, tốt cho sức khỏe, ăn uống ngon miệng.
Bác sĩ An Pha khuyến cáo thêm, phụ huynh cần cho trẻ ngủ đủ giấc, tiêm chủng các mũi vaccine đầy đủ, giúp phòng tránh bệnh nhiễm trùng. Gia đình giữ gìn môi trường sống xung quanh sạch sẽ. Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ biếng ăn, lười ăn. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ dinh dưỡng tư vấn, chỉ định chế độ ăn phù hợp.
Bảo Anh