Chị Trương Thị Thúy (quận Gò Vấp, TP HCM) có con gái hơn 2 tuổi, cháu biếng ăn, thấp còi so với bạn cùng lứa. Sau nghỉ thai sản, chị Thúy đi làm, giao con cho bà ngoại chăm sóc. Ngày nào bà ngoại cũng đẩy cháu trên chiếc xe nôi xuống sảnh chung cư rồi cho cháu ăn. Mỗi lần ăn của cháu, bà đều nhờ rất đông người đến "phụ họa" giúp, từ người già đến người lớn, trẻ nhỏ trêu đùa, diễn hài... để bé cười, không ngậm đồ ăn, nuốt nhanh. Mỗi bữa ăn của hai bà cháu mất tới gần 2 giờ đồng hồ.
Việc cho cháu ăn gần như trở thành nỗi ám ảnh của bà ngoại. Mỗi lần nhắc đến, bà đều nhăn mặt, lắc đầu ngán ngẩm vì ngày nào cũng ép tới ép lui mà bé ăn không được bao nhiêu. Hiện bé còi hơn bạn cùng tuổi. Nhiều khi bà còn so bì với anh hai của bé, rằng anh trai cũng tay bà nuôi, cho ăn mà bây giờ thừa đến 7-8 kg so với tuổi.
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Cố vấn cao cấp tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, trẻ biếng ăn, sợ ăn do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng có thể phân thành 2 nhóm chính. Một là do bản thân trẻ bị bệnh (viêm mũi họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột...), mọc răng, trẻ không cảm nhận được đói... Hai là do người lớn cho trẻ ăn chưa phù hợp, có thể do quá nghiêm khắc, dùng bạo lực ép trẻ ăn loại thức ăn, lượng thức ăn mà trẻ không muốn, lâu ngày khiến bé càng sợ ăn, chán ăn.
"Khi bị ép ăn, trẻ có tâm lý chỉ muốn nuốt cho nhanh, hoặc ngậm thật lâu. Nhiều ba mẹ không kiên trì tập, chờ trẻ nhai, nên đã xay nhuyễn thành bột để bé nuốt cho dễ. Như vậy, hệ răng miệng của trẻ sẽ càng khó phát triển, không được tập luyện kỹ năng nhai", bác sĩ Yến Phi cho biết.
Ngược lại, cũng theo bác sĩ Yến Phi, nhiều trường hợp phụ huynh ép trẻ ăn thái quá, đặc biệt là các món ăn giàu năng lượng, nhiều đường, béo khiến trẻ bị thừa cân béo phì nhưng lại không biết. Nhiều bé có thể có sở thích ăn uống nhiều hơn nhu cầu cơ thể cần. Bé càng thừa cân thì thường càng thích ăn ngọt, béo và lâu ngày có nguy cơ thừa cân nghiêm trọng.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh thấy con thích ăn thì không nỡ can ngăn, hạn chế. Nếu trẻ ăn quá nhiều thì ngoài béo phì, có nguy cơ mắc các bệnh đi kèm như cao mỡ máu, gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, sỏi thận, bệnh gout, nhiều bệnh khác khi trưởng thành. Do đó, phụ huynh cần nhận biết và kiểm soát lượng ăn của trẻ, thay đổi cơ cấu thực phẩm phù hợp.
"Điều quan trọng là cần cho trẻ đi khám để xác định trẻ có biếng ăn, nhát ăn thật sự hay không, hay trẻ đã ăn đủ nhu cầu cơ thể. Phụ huynh không nên tùy tiện ép trẻ ăn hoặc để con ăn tùy thích. Ngay cả trẻ bị ép ăn dẫn đến thừa cân vẫn có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng, do thừa năng lượng nhưng thiếu hấp thu các chất khoáng, vitamin", bác sĩ Yến Phi cho biết.
Nếu trẻ bị biếng ăn, bé cần một lộ trình điều trị, thay đổi khoa học, tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng tùy theo nguyên nhân gây ra. Mỗi trẻ là một thể trạng riêng, phụ huynh không thể áp dụng "công thức" ép trẻ ăn chung chung cho mọi trường hợp để mong cải thiện tình hình.
Để trẻ ăn uống ngon miệng, thích ăn, hấp thu đầy đủ dưỡng chất, thì một chế độ dinh dưỡng đúng đắn, khoa học đóng vai trò quan trọng từ khi trẻ mới tập ăn dặm. Ba mẹ cần đảm bảo cung cấp cho trẻ cân đối các dưỡng chất, tập luyện, vận động phù hợp để kích thích tiêu hóa, hấp thu. Theo đó, 4 nhóm dưỡng chất quan trọng cần có trong bữa ăn hàng ngày của trẻ bao gồm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất. Đồng thời, phụ huynh cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, thường xuyên đổi món.
Các món ăn hàng ngày cần thay đổi về màu sắc, mùi vị, dễ ăn, dễ nhai, trình bày món ăn sáng tạo, lạ mắt, kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Khi ngồi ăn, cha mẹ hãy tạo thói quen cho bé ngồi ăn ngay ngắn, mỗi bữa ăn không kéo dài quá 30 phút. Khi bé tròn 1 tuổi, người lớn để trẻ tự bốc, tự xúc thức ăn, ba mẹ không nên quá ép, làm trò (vừa ăn vừa chơi), không la mắng, dọa nạt khiến con sợ hãi. Gia đình nên tạo không khí vui tươi, thoải mái; yêu cầu trẻ tập trung vào bữa ăn, không xem tivi hay bất cứ thiết bị điện tử nào khác.
Để cơ thể trẻ trao đổi chất tốt, ăn ngon, việc uống đủ nước cũng quan trọng, nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Bé nên uống nước sôi để nguội, nước ép trái cây tươi, sữa, nước dừa... Cùng với dinh dưỡng khoa học, việc vận động thường xuyên giúp trẻ nhanh tiêu hao năng lượng, tăng nhu động ruột giúp hấp thu tốt và có cảm giác đói nhanh, nâng cao hệ miễn dịch, góp phần cải thiện tình trạng biếng ăn hiệu quả.
Minh Anh