Trả lời:
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bé trai 5 tuổi trung bình nặng 16-21 kg, bé trên 24,2 kg là béo phì, dưới 14,1 kg là suy dinh dưỡng.
Chậm tăng cân là dấu hiệu cảnh báo trẻ thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc khả năng hấp thu, dẫn đến cân nặng không tăng theo đúng độ tuổi.
Dấu hiệu trẻ chậm tăng cân rõ nhất là cân nặng không tăng trưởng bình thường hoặc sụt cân không phục hồi. Bé thường biếng ăn, ăn không ngon, mất hứng thú với ăn uống, tiểu ít, nước tiểu đậm, táo bón, rối loạn tiêu hóa hoặc phân sống.
Hiện chưa biết con trai bạn thiếu cân vì lý do gì. Nếu từ nguyên nhân không nạp đủ calo, ba mẹ có thể bổ sung dinh dưỡng đảm bảo cung cấp đủ lượng calo và khoáng chất để hỗ trợ trẻ phát triển khỏe mạnh. Mỗi trẻ có nhu cầu năng lượng khác nhau tùy độ tuổi, thể trạng, sức khỏe kèm theo. Bạn nên cho con đi khám nhi khoa hoặc khám dinh dưỡng để bác sĩ đánh giá, tư vấn cụ thể.
Trẻ bổ sung calo từ nhiều thực phẩm khác nhau như carbohydrate tinh bột từ khoai tây, bánh mì hoặc cơm. Trẻ cũng có thể tăng lượng calo nạp vào bằng chất béo lành mạnh, thêm phô mai vào bữa ăn, nấu cháo cho thêm sữa.
Các loại đồ uống giàu calo như sữa lắc hoặc sinh tố cũng là lựa chọn tốt để bổ sung năng lượng. Bạn nên chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ như sữa chua, bánh mì que và bánh sandwich nhỏ... để bé ăn khi đói giữa bữa chính.
Bạn cần đảm bảo trẻ ăn ba bữa chính và 2-3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày. Ít nhất hai trong số các bữa ăn phải chứa nguồn protein như thịt, cá, trứng, phô mai, đậu, đậu lăng. Bổ sung thêm chất béo và carbohydrate (tinh bột và đường) trong chế độ ăn giúp trẻ tăng cân.
Trẻ nên uống 568 ml sữa mỗi ngày để có đủ canxi cần thiết cho xương. Nếu con bạn không thích sữa, có thể thay thế 200 ml sữa bằng 30 g phô mai, hoặc 150 g sữa chua hộp, 160 g phô mai tươi, hoặc 250 g (2 hộp hoặc 1/2 hộp) sữa trứng, 1,5 lát bánh mì bổ sung canxi.
Trẻ em khó tăng cân nếu áp dụng chế độ ăn ít chất béo, ít đường, nhiều chất xơ như người lớn. Để phát triển khỏe mạnh, bé cần chế độ ăn đa dạng, cung cấp đầy đủ protein, vitamin, khoáng chất thiết yếu. Bạn có thể bổ sung chất béo lành mạnh bằng cách thêm dầu ô liu, dầu hạt cải hoặc dầu hướng dương vào các món nướng, chiên, xào của trẻ.
Trẻ không nên uống nước hoặc ăn vặt trước bữa chính vì làm tăng cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn và dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết. Cha mẹ cần kiên nhẫn nếu trẻ không ăn hết lượng thức ăn trên đĩa, tránh tạo tâm lý tiêu cực liên quan đến bữa ăn.
Ba mẹ nên khuyến khích trẻ duy trì thói quen ăn uống khoa học bằng cách cùng đi chợ hoặc siêu thị chọn nguyên liệu và tham gia chế biến món ăn. Khuyến khích trẻ tập thể dục hỗ trợ phát triển xương, cơ bắp chắc khỏe, từ đó tăng cân hiệu quả.
Nếu đã thực hiện mọi biện pháp giúp trẻ tăng cân nhưng không thành công, bạn nên đưa con đi khám dinh dưỡng. Bác sĩ tư vấn giải pháp can thiệp dinh dưỡng phù hợp, cá thể hóa giúp cho bé phát triển toàn diện.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội