Trả lời:
Vào mùa đông, cơ thể trẻ thường phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn để giữ ấm. Nhu cầu bổ sung năng lượng của bé cao hơn. Vào giai đoạn chuyển mùa, trẻ mắc các bệnh như cúm, ho, cảm lạnh.... có xu hướng tăng.
Ngoài giữ ấm cho trẻ, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng. Bạn có thể tham khảo các nhóm thực phẩm gợi ý dưới đây giúp trẻ hấp thu đầy đủ dưỡng chất, tăng đề kháng và giảm nhiễm bệnh.
Tinh bột: Đây là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể trẻ, giúp duy trì các hoạt động vui chơi, học tập hàng ngày và phát triển toàn diện trong mùa đông. Bạn có thể đưa cơm (gạo) hoặc kết hợp đa dạng với khoai tây, khoai lang, bí đỏ... vào thực đơn cho trẻ.
Protein từ thịt, cá, trứng: Thực phẩm giàu protein có thể kích thích quá trình sản sinh nhiệt tốt hơn các loại thực phẩm khác. Bạn nên chú trọng bổ sung đạm từ thịt, cá, trứng để tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng cho trẻ trong mùa lạnh.
Chất béo: Chất béo cung cấp năng lượng dự trữ, giúp cơ thể hấp thụ các vitamin A, D, E và K. Khi làm các món cho con vào mùa đông, bạn nên tăng cường các loại chất béo như mỡ, dầu mè, dầu đậu nành; kết hợp dùng phô mai, sữa và váng sữa sao cho phù hợp với khẩu vị của trẻ.
Các loại vitamin thiết yếu: Vitamin A, C hỗ trợ tăng sức đề kháng và tăng khả năng phòng các bệnh truyền nhiễm, cúm, cảm lạnh. Cách bổ sung vitamin A hiệu quả và an toàn là qua thực phẩm tự nhiên hàng ngày như khoai lang, cà rốt, ớt chuông, rau bina, bông cải xanh. Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, chanh, bưởi, dâu tây, kiwi.
Vitamin B2 cần thiết để trẻ tăng đề kháng trong mùa lạnh. Những sản phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai giàu vitamin B2. Trứng, tim, thịt gia cầm, ngũ cốc, trái cây tươi, các loại đậu và hạt cũng giàu vitamin B2, phù hợp cho trẻ dùng trong mùa đông.
Vào mùa đông, thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của bé ít hơn. Bạn có thể cho con tăng cường vitamin D có trong sữa, trứng, dầu cá, cá hồi, phô mai, nấm...
Kẽm: Khoáng chất này giúp trẻ cải thiện hệ thống miễn dịch, hỗ trợ phòng các loại bệnh virus truyền nhiễm, cảm cúm, cảm lạnh. Kẽm có khá nhiều trong thịt nạc đỏ (như thịt heo, cừu, bò), trứng, sữa, ngũ cốc thô, hạt bí ngô, hạt điều và các loại đậu (25-50 mg cho mỗi kg). Xen kẽ các món ăn để đa dạng trong thực đơn hàng ngày của bé.
Glutamine: Trẻ cần tăng cường rau có màu xanh lá đậm nhằm phòng ngừa cảm cúm. Những loại rau như cải bó xôi, súp lơ xanh, cải xoong chứa nhiều glutamine - axit amin cần thiết cho việc tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ.
Nếu được bạn nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng để bác sĩ đánh giá toàn diện tình trạng, xét nghiệm vi chất, xác định thiếu hoặc thừa dưỡng chất trong cơ thể. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn phù hợp cho bé trong mùa đông.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |